Cử tri Tam Kỳ bức xúc về tội phạm ma túy và vấn nạn tham nhũng

HÀN GIANG 02/10/2016 15:17

(QNO) - Chiều 30.9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội; Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri TP.Tam Kỳ.

Tại buổi tiếp xúc, thay mặt các ĐBQH tỉnh, ông Phan Thái Bình thông tin đến cử tri TP.Tam Kỳ những nét khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong 8 tháng qua; và những nội dung dự kiến của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20.10 - 22.11.2016.

Đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung

Kiến nghị đến các ĐBQH, cử tri của TP.Tam Kỳ cho rằng, việc thực hiện các độ chính sách cho người có công vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, bức xúc nhất là việc thực hiện thủ tục hồ sơ giám định để được hưởng chế độ chất độc da cam/dioxin hiện nay.

Các ĐBQH tiếp xúc cử tri phường Tân Thanh chiều 1.10. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Các ĐBQH tiếp xúc cử tri phường Tân Thạnh chiều 30.9. Ảnh: HÀN GIANG

Cử tri Võ Văn Ái (khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh) dẫn chứng: tại Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ban hành ngày 30.6.2016 có những quy định chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của những người từng tham gia kháng chiến. Cụ thể tại Điểm c, Điều 10 của thông tư này nêu: "Riêng đối với đối tượng mắc bệnh quy định tại Khoản 10, Điều 7 thông tư này chỉ cần có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30.4.975 ghi nhận mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên, được Sở LĐ-TB&XH sao và xác nhận, không cần giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này".

"Nói như trên là thiếu tính thực tiễn, là chưa hiểu gì về chiến tranh cả. Tuổi trẻ chúng tôi hăng hái lên đường làm nghĩa vụ đánh đuổi kẻ thù xâm lược, ai cũng nhiệt huyết dâng trào và niềm tin vào ngày đất nước độc lập. Trong chúng tôi làm gì nghĩ đến rằng sau này phải làm thủ tục này thủ tục kia để được hưởng chế độ chính sách. Như vậy làm sao có giấy tờ xác nhận mình bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên. Mà nếu có giấy này thì hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt như vậy thì ai có thể lưu giữ cho đến bây giờ để làm thủ tục hồ sơ giám định. Do vậy, cử tri kiến nghị các ĐBQH cần có sự nghiên cứu và đề xuất bổ sung, điều chỉnh một số quy định cho phù hợp hơn" - cử tri Võ Văn Ái kiến nghị.

Cử tri TP.Tam Kỳ cũng kiến nghị Trung ương cần tiếp tục có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Có những biện pháp chế tài mạnh, nhất là tội phạm ma túy; xử lý nghiêm đối với các hành vi sản xuất, mua bán các loại thực phẩm bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đe dọa đến giống nòi người Việt...

Cử tri TP.Tam Kỳ kiến nghị đến các ĐBQH tỉnh. HÀN GIANG
Cử tri TP.Tam Kỳ kiến nghị đến các ĐBQH tỉnh. Ảnh: HÀN GIANG

Cử tri Nguyễn Quốc Sơn (khối phố 1, phường Phước Hòa) nói: "Tội phạm ma túy luôn luôn manh động và đã gây ra nhiều bất an cho cộng đồng. Hiện nay đang nổi lên tình trạng đáng báo động là các đối tượng nghiện ma tuy đá, bị hoang tưởng và gây ra hàng loạt vụ án đau lòng, gây bức xúc và nhức nhối trong dư luận. Ở khu dân cư nào có người bị nghiện ngập ma túy thì hộ dân nào cũng sợ. Họ sợ vì không biết khi nào sẽ bị đối tượng này vì bị hoang tưởng mà sẽ ra tay đối người thân trong gia đình mình. Nhưng để đưa được người bị nghiện đi cai nghiện thì thủ tục hết sức nhiêu khê. Nói cai nghiện tại cộng đồng thì ai là người chịu trách nhiệm cai nghiện cho họ, tự thân họ có thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy hay không? Tại sao việc đưa các đối tượng nghiện vào cai nghiện tập trung lại gặp khó khăn đến vậy? Cần phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác đưa các đối tượng đi cai nghiện, đấu tranh ngăn ngừa".

Cử tri hỗ trợ tố giác tham nhũng

Tiếp thu các kiến nghị của cử tri TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết, các kiến nghị của cử tri sẽ được các ĐBQH tỉnh tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, trả lời cho cử tri. Ghi nhận sự lo ngại của cử tri TP.Tam Kỳ về tình hình tội phạm ma túy, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết: tội phạm ma túy đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là số người nghiện ở ngoài xã hội rất nhiều. Theo thống kê của Chính phủ thì hiện cả nước có khoảng 200.000 người nghiện ở ngoài xã hội. Trước đây, việc đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện tập trung được giao cho UBND huyện quyết định. Theo quy định của luật hiện nay thì giao cho tòa án quyết định. Để đưa đối tượng đi cai nghiện thì ngành công an phải lập thủ tục hồ sơ, sau đó chuyển ngành LĐ-TB&XH để thẩm định rồi sao đó chuyển tòa án xem xét, quyết định có đưa đối tượng đó đi cai nghiện tập trung hay không.

"Vì thủ tục mới nên chúng ta làm chưa quen và cảm thấy khó khăn. Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, các đối tượng nghiện thường không sống ở địa phương. Vì vậy, xã phường rất khó xác nhận người nghiện có ở nơi cư trú, mà thiếu một thủ tục thì không đưa hồ sơ đối tượng nghiện ra tòa án được. Từ đó đặt ra nhiều nguy cơ về bất ổn cho xã hội mà đối tượng nghiện ma túy có thể gây ra. Theo tôi, việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung là hết sức cần thiết, giúp họ có quyết tâm, có thêm các cơ hội để dứt khỏi sự cám dỗ của chất gây nghiện. Các ngành chức năng liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để việc xử lý thủ tục hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung được nhanh chóng, thuận lợi. Người nghiện sớm được đưa đi cai nghiện thì cơ hội cai nghiện thành công sẽ cao hơn, tốn ít thời gian hơn" - ông Nguyễn Quang Dũng bày tỏ.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Dũng, hành vi tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi, mức độ thiệt hại lớn nếu bị phát hiện, làm rõ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua, đều là các vụ việc đã xảy ra ở thời gian khá lâu trước đó, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Việc đưa ra xử lý nghiêm, công khai các vụ án tham nhũng đã được dư luận nhân dân rất đồng tình. Công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, với các biện pháp hiệu quả hơn nữa với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

"Thực tế cho thấy để phát hiện một vụ việc tham nhũng không dễ, nếu không có sự vào cuộc của các ngành chức năng. Bởi từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng phải qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra thì hành vi tham nhũng mới được đưa ra ánh sáng. Hầu hết các vụ việc được phát hiện là do có nguồn tin tố cáo, chứ căn cứ vào các giấy tờ, chứng từ thì sẽ không dễ gì phát hiện vì nó đã được hợp thức hóa tinh vi. Theo tôi, công tác chống tham nhũng là sự nghiệp chung, các cơ quan phòng chống tham nhũng là nòng cốt, nhưng rất cần có sự hỗ trợ đắc lực của cử tri. Cử tri chính là tai mắt giám sát, tố giác hành vi có dấu hiệu tham nhũng" - ông Dũng nói.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cử tri Tam Kỳ bức xúc về tội phạm ma túy và vấn nạn tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO