Dư luận đang râm ran chuyện quy hoạch đầu tư xây dựng đường sắt ở phía Bắc mà Bộ GTVT dự tính triển khai. Tuyến đường sắt này xuyên qua 8 tỉnh từ cửa khẩu Lào Cai (giáp với Trung Quốc) về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), ước tính có vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng. Dư luận nghi ngờ về tính khả thi và cho rằng chưa cần thiết để rót một nguồn vốn “khủng” như vậy.
Sự quan tâm của dư luận gần đây có thể nói đã có tác dụng đáng kể đến quá trình triển khai đầu tư các dự án, đặc biệt là những dự án lớn trong lĩnh vực giao thông. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam hay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... là những dự án mà dư luận góp ý sôi nổi, được các bên liên quan lắng nghe và đã có những điều chỉnh được cho là hợp lý. Hay như các “biểu tượng ì ạch” là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội và metro ở TP.Hồ Chí Minh, dù chuyện đã rồi nhưng cũng được dư luận theo dõi, giám sát, phản biện, thậm chí yêu cầu đưa ra ánh sáng những khuất tất trong quá trình triển khai...
Quảng Nam được xem là tỉnh có nguồn thu ngân sách khá, nhưng trên thực tế, nguồn ngân sách để đầu tư phát triển không mấy thong thả và mỗi năm đều phải cân nhắc. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, hạ tầng giao thông đang còn khó khăn, những dự án từ ngân sách được xem là “chiếc cầu” để nâng cao đời sống người dân; là sự cần thiết để xóa một số “con số không” mà các địa phương đều không muốn có. Vì vậy dễ thấy sự giám sát của dư luận trong quá trình triển khai đầu tư công, thường được “đo” bằng sự cần thiết, bằng tính hiệu quả của công trình hiện có hơn là quá trình xây dựng thủ tục dự án. Đây trở thành là điều hạn chế trong quá trình triển khai đầu tư vì dễ rơi vào cảnh chuyện đã rồi, hoặc nơi cần thì không có. Đó là chưa kể đến việc phải phụ thuộc vào “tốc độ” của nguồn vốn ngân sách và khả năng “tiêu hóa vốn” của các nhà đầu tư. Những điều phụ thuộc này đều có khả năng để lại “di chứng” cho các công trình và dễ tạo xúc cảm cho dư luận...
“Của đau con xót” trở thành động cơ chính để những tiếng nói phản biện của dư luận về đầu tư công ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước gần đây nhiệt tình hơn trong việc đóng góp ý kiến tâm huyết trước các hoạch định phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư công đã cho thấy việc “tiêu hóa” ngân sách đang được gia tăng giám sát. Ngay như những dự án tiền tỷ từ ngân sách rơi vào cảnh “dãi nắng dầm sương” trước mắt nông dân, cũng không còn quan niệm đó là tiền của Nhà nước, mà được ý thức rằng đó là những đồng thuế của dân đã bị tiêu xài hoang phí. Những đồng thuế có khi còm cõi mà hằng ngày mỗi người dân đều phải đóng góp qua nhiều cách, không phải là chuyện chẳng liên quan gì đến nhiều dự án trăm nghìn tỷ dự định triển khai kia. Vì vậy, lắng nghe và thấu hiểu người nộp thuế, không thể là một thứ trách nhiệm tinh thần chung chung!