Những vườn quế hàng chục năm tuổi trải dài theo những cánh rừng vùng cao xã Phước Thành (Phước Sơn) được đồng bào vùng cao xem như của để dành phòng khi ốm đau, dựng nhà, trao cho con cái lúc lập gia đình. Chính vì thế, họ trân quý, chia sẻ kinh nghiệm trồng để cùng bảo vệ nguồn giống quế bản địa.
Cuối tháng 10, chúng tôi theo chân anh Hồ Văn Sơn - cán bộ nông nghiệp xã Phước Thành men theo sườn núi đi vào rừng quế bạt ngàn. Điểm ấn tượng nhất vùng cao này là đứng đâu cũng thấy rừng quế. Dừng chân tại rừng quế khoảng 30 tuổi với những cây cao, khỏe của một hộ dân ở thôn 4, xã Phước Thành, ông Sơn nói: “Đây, tài sản quý của người người Giẻ Triêng ở Phước Thành. Những cây quế đã cho hạt, người dân lấy hạt về nhân giống để mở rộng diện tích. Quý hơn nữa là họ biết giữ gìn giống quế bản địa”.
Ông Sơn kể, Phước Thành chỉ cách xã Trà Leng (Nam Trà My) - “thủ phủ” quế Trà My chỉ vài giờ đi bộ theo đường rừng. Ông cũng không nhớ rõ cây quế ở địa phương được trồng từ bao giờ, nhưng chỉ biết trước đây thế hệ cha, anh của ông từng vượt rừng qua vùng đất Trà Leng kiếm giống quế Trà My về trồng, hơn mười năm sau đó mới có hạt để nhân giống. Ngày đó cũng chẳng dễ chi tìm ra quế giống. Những người ham trồng quế đã phải lội 2 - 3 ngày trong rừng để tìm những cây quế tự nhiên về trồng, ai siêng năng thì ít nhiều cũng có được vườn quế. Ngót đã vài chục năm trôi qua, có khi một vườn quế ở địa phương cũng vài thế hệ trồng, chăm sóc, thành quả bao năm là vườn quế đã khai thác được và họ rất trân trọng giữ gìn. Ông Sơn nhẩm tính, toàn xã Phước Thành có 415 hộ dân nhưng có đến hơn 300 hộ dân trồng quế để phát triển kinh tế. Nhà trồng ít vài chục cây, nhà nhiều vài nghìn cây quế trong vườn. Có gia đình thu nhập tiền tỷ từ rừng quế. “Do cây quế trồng thời gian ít nhất trên 10 năm mới có thể khai thác nên người dân phải chăm sóc tích cực, cứ đời này truyền tới đời sau và hiện nay nhiều vườn quế bạt ngàn chạy dọc theo những cánh rừng” - ông Sơn nói.
Truyền đời giữ quế
Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, mỗi năm người dân ở xã Phước Thành đều trồng mới diện tích quế và phần lớn trồng tự do. Nhưng để được công nhận là quế Trà My phải kiểm tra qua nhiều thủ tục, kiểm định. Còn đối với trồng theo vốn Nhà nước, cây giống phải có xuất xứ, nguồn gốc từ cây quế trội (quế Trà My) đã được tỉnh công nhận. Đối với xã Phước Thành hiện có 30 cây quế trội được công nhận. Trong quy hoạch trồng quế ở huyện Phước Sơn, ngoài Phước Thành còn có 2 xã Phước Lộc, Phước Kim. Năm 2019 này, Nhà nước đã hỗ trợ 1 tỷ đồng và giao cho 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc hỗ trợ giống trồng quế.
Gia đình bà Hồ Thị Đông (57 tuổi, thôn 2) hiện có khoảng 3 nghìn cây quế đủ lứa tuổi, quế được trồng trên diện tích 3ha. Bà Đông chia sẻ, cách đây hơn 30 năm, cha của bà phải vượt đường rừng qua Trà Leng tìm giống mang về trồng. Tiếp nối thế hệ, gia đình bà Đông ra sức giữ gìn, mở rộng diện tích. Năm 2014, từ tiền bán quế, gia đình bà đã dựng được ngôi nhà mới kiên cố, khang trang. Bà Đông nói: “Ở vùng quê Phước Thành ngoài trồng quế, trồng keo, làm vàng, nương rẫy thì không có việc gì thêm. Nhưng người dân sợ làm vàng vì độc hại nên bỏ. Do đường sá quá xa nên cũng hạn chế trồng keo. Cây quế vẫn là cây chủ lực. Gia đình tôi cũng vậy, chọn cây quế để phát triển kinh tế lâu dài, bây giờ nếu như đời tôi không hưởng được thì đời con cháu tôi hưởng. Cây quế rất nhiều công dụng, trong khi đó công nghiệp chế biến tinh dầu quế và các loại sản phẩm từ cây quế ngày càng phát triển nên không sợ thiếu người mua”. Quế không chỉ giúp gia đình bà Đông phát triển kinh tế hiện tại mà còn là của để dành cho con cái bà mỗi khi dựng vợ gả chồng.
Người dân đồng bào Giẻ Triêng ở Phước Thành ai cũng xem quế là của để dành, khi quế đến tuổi thu hoạch nếu như không có việc gì cần thì thay vì bán quế lấy tiền họ sẽ chăm sóc cây quế trở thành cổ thụ để lấy giống sau này nhân rộng. “Cây quế trồng rất lâu mới bán được, cho nên bà con ở đây xem như là tài sản quý để dành. Nếu có việc hoặc ốm đau thì mới bán, còn không vẫn để lại. Mỗi người dân ở đây đều tự ý thức phải bảo tồn nguồn giống bản địa” - bà Đông nói. Bà Đông chia sẻ thêm, đến mùa thu hạt, người dân trong vùng đều có thể vào vườn quế của gia đình bà lấy hạt mang về tự gieo ươm giống để phát triển kinh tế. Đơn giản vì gia đình bà cho rằng, mình đã làm được thì tạo điều kiện để mọi người cùng phát triển, chung tay giữ lộc rừng.
Ở vùng cao Phước Thành, những vườn quế vài nghìn gốc có giá trị gần tỷ đồng như gia đình bà Đông không phải hiếm. Điểm chung của đồng bào Giẻ Triêng nơi đây, trồng quế không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là cách giữ nguồn giống bản địa. Anh Hồ Văn Tròn (44 tuổi, thôn 2) tâm sự, trước đây đã từng có thời gian cây quế mất giá, người dân không chăm sóc quế. Nhưng với anh, trồng cây quế ít nhiều cũng bán được, quan trọng hơn là để không bị mất nguồn giống quý.