Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thứ Bảy, 14/12/2024
Một cuộc hội tụ những vốn liếng tinh hoa nơi vùng cao các địa phương dọc dải miền Trung, nhân Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III năm 2018, vỡ ra nhiều câu chuyện về phương cách gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống.
|
Thiếu nữ dân tộc Thái (Thanh Hóa) biểu diễn đánh cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III - 2018.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
NGHỆ NHÂN GIỮ VỐN LÀNG MÌNH
Những dấu ấn văn hóa trong đời sống đồng bào được gìn giữ theo những cách riêng, từ chính các nghệ nhân đang sở hữu… Và họ, cũng gặp không ít gian nan.
Đi tìm truyền nhân
Trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc và những nghi thức sinh hoạt trong các dịp đặc biệt của mỗi tộc người, bằng chính tâm huyết của mình, họ đã giữ nó trường tồn qua thời gian.
Nghệ nhân Bo Bo Hùng, người Raglai, đang sinh sống tại huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) kể câu chuyện về hành trình tìm ra bộ đàn đá của người Raglai, chính người trong gia đình mình đã cất giấu loại nhạc cụ này suốt hơn 40 năm. Cụ Bo Bo Ren cùng cha ông là người đã tìm ra bộ đàn từ trước chiến tranh và cất giấu nó. Người Raglai quý tiếng đàn đá vì đây là nhạc cụ của trời đất. Khi nghệ nhân gõ vào những thanh đá, âm vang lên, trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng. Cùng lúc gõ nhiều thanh đá thì âm đan xen, từ đôi bàn tay mình, họ tạo nên những giai điệu khác nhau. Theo nghệ nhân Bo Bo Hùng, tiếng đàn đá là âm điệu truyền thống quý báu mà người Raglai, người BaNa… sáng tạo từ chính đời sống lao động đặc thù của mình. Cách ông đến với đàn đá, như bao nhiêu nghệ nhân ở các quê xứ khác, vì từ khi sinh ra và lớn lên, cái tai đã căng ra để giai điệu này đẫm sâu vào con người mình. “Chính cụ Bo Bo Ren là người đã dạy đàn đá cho mình. Và mình thì đang tìm kiếm những người trẻ hơn để cùng mình đưa giai điệu từ đàn đá này đi xa hơn” - nghệ nhân Bo Bo Hùng nói. Huyện Khánh Sơn nhiều năm nay đã thành lập được các lớp học về đàn đá do chính các nghệ nhân đàn đá như Bo Bo Hùng truyền dạy. Bo Bo Hùng nói, mỗi lớp như vậy không nhiều người trẻ tìm đến học, nhưng dù có một người, thì tiếng đàn đá cũng được nhân ra, không mai một, mất mát.
Nghệ nhân Bo Bo Hùng (Khánh Hòa) trổ bày tài nghệ chơi đàn đá của mình. Ảnh: SONG ANH |
Một câu chuyện khác, cũng là âm nhạc truyền thống trong đời sống của đồng bào và cách họ gian nan để mang nó đến với các chương trình nghệ thuật có số đông khán giả. Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng (Thanh Hóa), với nghệ thuật diễn tấu “Trò Xuân Phả” - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - cho biết, hiện nay người biết cầm trống tại Thanh Hóa đếm chưa đủ trên đầu ngón tay. “Hiện bộ môn này ở Thanh Hóa chỉ 2 nghệ nhân là tôi và một ông lão hơn 80 tuổi chỉ gõ được trống. Về điệu múa thì tìm mãi vẫn không thấy người trẻ nào theo” - ông Hùng nói. Để đào tạo một thành viên có thể tự tin đứng hát, biểu diễn trên sân khấu, hát cho say lòng khán giả cũng cần thời gian vài năm, đó không phải là chuyện dễ dàng khi ngày càng hiếm lớp trẻ tham gia. Trong khi đó, Nghệ An với rất nhiều các nhạc cụ truyền thống và làn điệu dân ca nhưng vẫn khá chật vật để đến được với các chương trình có khán giả. Cô gái tài hoa Phạm Thu Hoàng, với tiếng sáo Mông, khèn lá đặc trưng của các huyện miền núi Nghệ An cho biết, đã hơn 5 năm theo đuổi con đường biểu diễn chuyên nghiệp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An, nhưng các suất diễn riêng cho những bộ môn nghệ thuật truyền thống rất ít. “Vì thị hiếu của khán giả nghiêng về tính giải trí nhiều hơn nên phải kết hợp cả hiện đại và truyền thống thì nhạc cụ dân tộc mới có đất diễn. Em nghĩ đây cũng là lý do không có nhiều người trẻ đam mê và theo đuổi nghệ thuật truyền thống” - Phạm Thu Hoàng nói.
Bảo tồn bản sắc
Ngoài văn hóa truyền thống, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trong đời sống hiện đại cũng là vấn đề với các địa phương. Ông Bùi Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết một tộc người. Việc giữ gìn trang phục truyền thống nhằm bảo tồn, phát triển tính đa dạng văn hóa của các dân tộc, thể hiện thẩm mỹ, tín ngưỡng, tập quán của từng dân tộc. Việc sáng tạo, cách tân bộ trang phục truyền thống để ứng dụng vào thời trang hàng ngày cũng là một trong những cách để thổ cẩm hay các chất liệu do bàn tay sáng tạo của đồng bào làm nên không rơi vào cảnh mai một. Câu chuyện lại nhắc đến Bảo tàng “Di sản vô giá” đặt tại Hội An do một người Pháp sáng lập. Hơn 50 bộ trang phục truyền thống, gần như độc bản của mỗi một dân tộc, được bảo tàng này đưa về trưng bày. Dẫu với ý nghĩa như một cách để giới thiệu đến đông đảo du khách về trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng hẳn phía sau đó phải đặt dấu chấm hỏi cho chính những người quản lý và hoạt động văn hóa của Việt Nam.
Nghệ nhân muốn giữ lại vốn liếng văn hóa của đồng bào mình, thì gần như họ phải tự xoay xở để duy trì các nếp sinh hoạt truyền thống ở ngay trong cộng đồng. Chưa kể, tự bản thân họ phải tìm kiếm các tư liệu từ chính người già của làng để may ra định hình các giá trị văn hóa nguyên bản. Nghệ nhân Kray Sức, dân tộc Pa Kô (Quảng Trị) đã nhiều năm ròng rã ghi chép, điền dã về các giá trị văn hóa của người Pa Kô từ khắp các địa phương dọc dải Trường Sơn, kể cả việc ông tìm sang các bản của Lào. Kray Sức nói, việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Pa Kô là thôi thúc tự lòng mình, bởi tâm nguyện của nghệ nhân hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống Pa Kô là muốn các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào mình không bị nhạt phai. “Việc đồng bào mình lấy văn hóa của người Kinh để làm cái ngưỡng mà hướng tới, thì hoàn toàn không nên. Đó không chỉ là vấn đề của đồng bào Pa Kô, mà của nhiều DTTS khác nữa. Mình mong muốn là đồng bào mình phải viết được, đọc được chữ của đồng bào mình cái đã, rồi tiến đến việc hiểu các giá trị văn hóa thiêng liêng và tự hào về vốn văn hóa của dân tộc mình. Làm được vậy thì phải có cái nhà cho đồng bào sinh hoạt, không phải các nhà cộng đồng mà Nhà nước dựng lên, mà phải là nhà truyền thống theo đúng văn hóa của mỗi cộng đồng” - nghệ nhân Kray Sức nói.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, câu chuyện bảo tồn bản sắc vẫn luôn là điều đau đáu từ các nghệ nhân, nghệ sĩ vùng cao. “Tôi không so sánh nhưng có thể thấy, dọc dải Trường Sơn, đồng bào các dân tộc BaNa, Jarai, ÊĐê… của các tỉnh Tây Nguyên họ đã định hình được nền nếp, truyền thống lâu đời, rõ ràng, nên nguy cơ biến dạng bản sắc của họ diễn tiến chậm. Ở Quảng Nam còn người Xê Đăng và Cơ Tu còn khoảng 70 - 80% các phong tục, nền nếp, bản sắc văn hóa đồng bào. Trong khi người Co của tôi chẳng hạn, do quá gần với người Kinh, hoặc lấy vợ hoặc chồng người Kinh, thì không thể tránh khỏi văn hóa truyền thống của tộc người sẽ bị pha trộn, rồi phai nhạt, nếu bản thân không thực sự bản lĩnh” - nhạc sĩ Dương Trinh - Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật các DTTS miền núi Quảng Nam, trăn trở.
SONG ANH
QUẢNG BÁ CHƯA HIỆU QUẢ
Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung vừa tổ chức tại TP.Tam Kỳ mặc dù có sự chuẩn bị khá chu đáo, song vẫn chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh sự thiếu tính liên kết, nhiều không gian trưng bày khá đơn điệu, chưa tạo được hấp lực cho công chúng và du khách.
Trước sự đơn điệu của không gian trưng bày, nhiều nghệ nhân vùng cao tìm cách tiếp cận để giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc trưng của đồng bào mình với du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đơn điệu sản phẩm
Những ai có mặt tại không gian trưng bày và giới thiệu văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS tại ngày hội này cũng đều nhận thấy rõ sự đơn điệu, nhỏ lẻ trong việc quảng bá các sản phẩm du lịch của các địa phương tham gia. Tất cả chỉ dừng lại ở mức giới thiệu, không có gì mới so với những gì từng được chứng kiến tại các kỳ lễ hội trước đây.
Các không gian cho những hoạt động văn hóa, trình diễn trang phục truyền thống lẫn các nghi thức sinh hoạt đều bị bó hẹp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh hoặc Bảo tàng tỉnh, khiến lượng khán giả tìm đến với các hoạt động tại “Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung” gần như rất ít. Đây cũng là điều khiến các đoàn khi đến với Quảng Nam khá nuối tiếc. Hẳn, câu chuyện về không gian dành cho lễ hội không chỉ riêng của Quảng Nam. X.H |
Nhiều du khách bày tỏ sự tiếc nuối khi đến với không gian ngày hội và chứng kiến các gian trưng bày sản vật của đồng bào vùng cao. Mặc dù các nghệ nhân đã rất nỗ lực trong việc tìm cách giới thiệu, song vẫn chưa thể "níu" được bước chân du khách ở lại lâu hơn tại mỗi gian hàng. Anh Tuấn, một người dân ở TP.Tam Kỳ, sau khi tìm đến các gian hàng trưng bày, đã lắc đầu vì không chọn được sản phẩm nào ưng ý. Anh Tuấn nói, anh cùng nhiều người khác đến đây, vì muốn nhìn thấy sự đa dạng về sản phẩm, cũng như muốn khám phá, trải nghiệm với cuộc sống của đồng bào, thông qua các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng của ngày hội. Tuy nhiên, anh khá thất vọng khi chứng kiến hầu hết gian trưng bày chỉ mang tính chất giới thiệu nhiều hơn là phục vụ nhu cầu thị hiếu, nhu cầu lựa chọn của du khách.
Du khách thì vậy, các nghệ nhân - những người trực tiếp tham gia ngày hội cũng “tâm trạng” không kém. Họ dường như khá đơn độc trong hành trình mang sản vật đặc trưng của đồng bào mình giới thiệu với du khách. Một trong những nguyên nhân, là thiếu sự chủ động, thiếu đầu tư của chính quyền địa phương khi đến với ngày hội lần này. Nói như một nghệ nhân (xin được giấu tên) ở tỉnh Bình Thuận thì, văn hóa đặc trưng của đồng bào DTTS ở địa phương khá đa dạng và phong phú, song việc "quan tâm nửa vời" khiến công tác quảng bá chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Vì thế, nghệ nhân này nói, đồng bào cần hơn nữa sự quan tâm, đầu tư trong việc quảng bá, giới thiệu từ các nhà chuyên môn, những người làm công tác văn hóa DTTS và cả chính quyền địa phương, chứ không hài lòng với kiểu mang ra để… trình diễn như nhiều địa phương vẫn làm trong các dịp lễ hội cộng đồng vùng cao. "Phải thay đổi cách làm, phải thay đổi tư duy, có đầu tư rõ ràng theo hướng giới thiệu để quảng bá và làm du lịch, chứ không thể đơn thuần trưng bày rồi… để đó, vừa mất công, tốn của mà không đem lại được gì" - nghệ nhân này nói.
Chưa xứng với tiềm năng
Hiếm hoi lắm, công chúng và du khách mới được tận mắt thấy một nghệ nhân đồng bào DTTS trình diễn ngay tại không gian ngày hội mang tầm khu vực, lần đầu tiên được tổ chức tại TP.Tam Kỳ. Nghệ nhân Đàng Thị Hồ (dân tộc Chăm, ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), ngồi say sưa trình diễn các công đoạn chế tác một sản phẩm gốm Bàu Trúc. Những chiếc bình sứ, gốm đất được bà mang đến ngày hội, thu hút sự quan tâm của du khách. Bà Hồ nói, ở quê bà kiếm sống bằng nghề làm gốm từ hồi còn bé xíu. Bây giờ, khi chủ trương làm du lịch, làng gốm được quy hoạch và phát triển, công việc trình diễn, bày bán các sản phẩm gốm cũng giúp bà phần nào trang trải được cuộc sống. Tuy nhiên, cũng theo bà Hồ, do điều kiện đi lại xa nên mỗi lần mang sản phẩm gốm đến trưng bày, giới thiệu rất khó khăn. Một phần là sợ rủi ro, hư hỏng khi di chuyển, một phần do nhiều mẫu gốm truyền thống chưa thực sự bắt mắt khiến việc thu hút người mua bị hạn chế. "Tôi mang gốm từ trong quê đến đây, người đến xem nhiều nhưng hỏi mua rất ít. Chủ yếu khách hàng chỉ chọn mua bình gốm loại nhỏ, với mẫu mã sản phẩm đẹp, đơn giản” - bà Hồ cho hay.
Một không gian trưng bày sản phẩm gốm của các nghệ nhân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ngoài chủ nhà Quảng Nam, chỉ có một số ít địa phương như Quảng Trị, Thanh Hóa, Quảng Ngãi có chú trọng đến việc trưng bày, giới thiệu, phục vụ du khách tham quan. Các địa phương còn lại chỉ mang sản phẩm đến trưng bày theo hình thức trình diễn, sân khấu hóa. Do vậy, người xem có cảm giác bị nhàm chán. Việc quảng bá, giới thiệu cần phải được quan tâm, tính toán một cách phù hợp, có chiến lược và tương xứng với vốn liếng sẵn có của đồng bào vùng cao. Đó mới thực sự là hướng đi để sản vật vùng cao, những đặc trưng văn hóa của đồng bào DTTS có cơ hội được giới thiệu rộng rãi, thu hút du khách tìm đến theo câu chuyện đầu tư du lịch để phát triển cuộc sống và nâng cao thu nhập cho chính những "chủ thể" của văn hóa mỗi vùng, mỗi tộc người.
Một vài đoàn nghệ nhân đã tự biết "xoay chuyển tình thế", biến văn hóa ẩm thực thành cầu nối để quảng bá vốn đặc trưng độc đáo của địa phương mình. Trong đó, phải kể đến đoàn nghệ nhân Pa Kô, Tà Ôi và Vân Kiều của tỉnh Quảng Trị. Ở đó, người xem dễ dàng bị lôi cuốn bởi cách chào hàng khá tinh tế và có phần hài hước của các nghệ nhân trẻ, với các sản phẩm đặc trưng mang hương vị núi rừng được chế biến theo ẩm thực truyền thống. Họ mời du khách đến không gian trưng bày của mình, rồi giới thiệu và cùng những vị khách thưởng thức một cách rất dân dã, đầy ắp tình người. Hồ Thị Họa My (dân tộc Pa Kô, ở xã Đăk Rông, huyện Đắk Rông, Quảng Trị) vừa giới thiệu với du khách về "xuất xứ" các món ăn độc đáo của dân tộc mình, vừa không quên "quảng cáo" lên mạng xã hội qua tài khoản facebook của mình, với những lời hứa hẹn khá thú vị. Họa My nói, đó là cách riêng mà chị giới thiệu các sản phẩm văn hóa của đồng bào mình với du khách trong suốt nhiều năm qua và tất nhiên đã đem lại hiệu quả khá rõ nét. "Dù nếu có cả một kho tàng văn hóa đồ sộ, nhưng nếu mình không biết cách quảng bá, không biết nắm bắt lấy cơ hội thì mọi thứ cũng sẽ trở nên vô nghĩa" - Họa My nói.
ALĂNG NGƯỚC
CHỌN LỌC GIÁ TRỊ BẢO TỒN
Việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không chỉ được thực hiện trong những hội lễ. Làm thế nào để giữ lại những vốn liếng văn hóa tốt đẹp của cộng đồng vùng cao, chúng tôi ghi nhận ý kiến từ những người làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa…
Tái hiện nghi thức sinh hoạt văn hóa... trên sân khấu. Ảnh: SONG ANH |
ÔNG HOÀNG ĐỨC HẬU: NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ VĂN HÓA DÂN TỘC: NẾU KHÔNG TÌM CÁCH TRAO TRUYỀN SẼ MẤT
Sự sáng tạo, dày dặn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS thông qua Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần này đã thấy, các nghệ nhân có sự chọn lọc các nét văn hóa tốt đẹp để giới thiệu với đồng bào các dân tộc khác. Điều này thể hiện một nền văn hóa hết sức phong phú, là nguồn lực giúp cho đời sống đồng bào không ngừng cải thiện. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa, đặc biệt văn hóa các DTTS đều nhận thấy, các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS là tinh hoa văn hóa của dân tộc, là di sản văn hóa của dân tộc. Và đó là điều mình phải giữ gìn, phải hạn chế đến mức tối đa sự phai mờ bản sắc.
Có thể bảo tồn bằng nhiều phương thức, ngay chính trong cộng đồng là điều quan trọng và đương nhiên phải làm như vậy. Cùng với đó, tôi thấy rằng các địa phương phải tìm cách để nghệ nhân tham gia trao truyền các vốn liếng quý giá này. Tôi lấy ví dụ, có những nghệ nhân tham gia ngày hội văn hóa lần này rất cao tuổi. Họ là những nghệ nhân hát dân ca của dân tộc mình rất hay, hoặc là chủ lễ của nghi thức lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống… Nếu không tranh thủ khai thác, lưu giữ và tổ chức những lễ hội, tạo cơ hội để nghệ nhân gặp gỡ… thì một mai các cụ mất đi cũng mang theo vốn văn hóa đó. Mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là phải gìn giữ được những nét đẹp của văn hóa truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, tiếp tục thực hành sáng tạo văn hóa. Câu chuyện này không chỉ của riêng các nhà quản lý văn hóa mà từ người dân lẫn cộng đồng phải chú trọng nâng niu nó.
ÔNG VĂN ĐÌNH ÂN: GIÁM ĐỐC TTVH TỈNH KHÁNH HÒA: CẦN CÓ “ĐẤT DIỄN” CHO NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
Hiện tại, các đoàn nghệ thuật ở các tỉnh đang từng bước tiến hành thực hiện cơ chế tự chủ. Nhiều người tin rằng đây sẽ là bước đột phá để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhưng cũng có những người cho rằng sự thay đổi này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các nghệ sĩ đang làm việc tại đây, vì họ còn phải làm nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, còn có nhiệm vụ phục vụ nhân dân miền núi để tuyên truyền đường lối chính sách và định hướng giá trị thẩm mỹ cho người dân. Để văn hóa truyền thống tiếp cận thị trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả những người biểu diễn và những người thưởng thức. Và điều cần là Nhà nước trợ sức để những người làm văn hóa truyền thống có đất diễn, để lan tỏa các giá trị quý báu mà vùng đất đó sở hữu.
LÊ QUÂN (ghi)