Của để lại

KHƯƠNG QUỲNH 10/12/2019 10:48

Tấp chiếc xe 67 vào bìa rừng tràm, Hiếu lội sình ngược ra con đường lộ tráng nhựa láng o. Anh lừng khừng trước ngôi nhà 3 tầng tường rào gắn miểng sành dày đặc như sẵn sàng làm kẻ gian tóe máu. “Nhưng mình đâu phải kẻ gian, mình chỉ kiếm ba”, Hiếu vừa trộm nghĩ thế, đàn chó béc - giê đã đánh hơi được, sủa um lên.

 

Thêm một lần, Hiếu bỏ chạy khỏi ngôi nhà. Anh luồn tay vào túi áo, lấy ra tờ giấy nhàu nhĩ đã cũ ghi địa chỉ của “người có lẽ là ba”. Biết đã thuộc lòng từng chữ, anh vẫn cứ đọc lại. “Rõ ràng là địa chỉ này”. Hiếu nghĩ vậy, như thể chắc rằng ba mình thì không thể nào ở một ngôi nhà khô khan, kín cổng cao tường, có phần xa cách.

Hiếu nằm trãi ra bãi cỏ, gác chân lên yên xe cố ngủ để bù đắp lại bảy ngày với bao sự kiện tua nhanh làm chao đảo cuộc sống lẽ ra nhàn tênh. Anh ước mình ngủ quên nên đi lạc trong cơn ác mộng nào đó như mọi khi. Hiếu nhắm mắt, đợi má lay dậy.

Nhưng hình ảnh rõ ràng nhất về má ập tới lúc này là đoạn bà nằm trong quan tài. Vết máu chảy trên đầu do xe đụng đã được dì Hai lau sạch sẽ. Gương mặt tô vẽ kỹ lưỡng nhờ thợ trang điểm. Hiếu thấy xa lạ, vì hồi còn sống, má chẳng bao giờ có nổi một thỏi son. Buổi trưa hôm đó oi nồng hơn khi cộng hưởng với giọng ca run rẩy “lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào” của ban nhạc đám ma nổi tiếng nhất xứ, được Nghĩa bỏ tiền mời về bằng được.

Anh Nghĩa khóc rống lên như muốn ngất đi. Dì Hai thúc tay vô hông Hiếu, thì thầm mắng vốn: “Sao không khóc cho má bây một câu”. Hiếu đâu có biết, nguyên do nào mà nước mắt cứ nghèn nghẹn nơi cuống họng, không bật ra thành tiếng. Dì Hai phải bỏ năm chục ngàn cho thợ khóc thuê, nhờ ông khóc một bài giùm thằng cháu út để khỏi mang tiếng bất hiếu. Người đàn ông xa lạ, chưa một lần gặp người chết vừa ghé miệng vô micro thì nước mắt đã tuôn trào kèm bao lời thương tiếc nỉ non đầy chuyên nghiệp. Trong lúc tang gia bối rối, Hiếu vẫn kịp giận mình không khóc cho má được như người dưng.

Má Hiếu mất được ba bữa thì ông giám đốc bệnh viện nơi bà làm việc đến nhà làm biên bản bàn giao món tài sản của người quá cố. Anh Nghĩa cùng chị dâu mắt sáng trưng nhìn số tiền vàng má để lại. Bệnh viện tìm thấy trong tủ cá nhân của bà mấy cuốn sổ tiết kiệm cộng lại được hơn 1 tỷ đồng, một xấp tiền toàn những tờ nhàu nhĩ cột dây thun cẩn thận, một cái túi vải đựng 5 cây vàng kèm tờ giấy nhỏ ghi địa chỉ một người. Bên ngoài túi thêu dòng chữ bằng chỉ màu nâu: “Vàng của ba cho Hiếu”.

Có lẽ, má không muốn số tiền bà vất vả kiếm được nhờ trực đêm, đi chuyển viện tỉnh xa bị anh Nghĩa nướng vào xóm nhà bò với trò đen đỏ. Nhưng má dành dụm số tiền này cho ai? Bà đâu để lại di chúc, chắc không nghĩ mình sẽ chết bất đắc kỳ tử bằng một cú đâm xe từ phía sau, khi đang tận hưởng bầu trời xanh ngắt.

Anh Nghĩa bảo: “Bữa tao lo ma chay cho má hết quá trời, mày còn đi học giữ tiền chi cho cực”. Hiếu nghe bứt rứt. Nhưng như tiếng khóc, một câu đòi hỏi sự công bằng cũng nghèn nghẹn nơi cuống họng. Hiếu còn sợ má sẽ buồn nếu hai anh em xâu xé nhau vì chính số tiền bà góp nhặt cả cuộc đời. Hồi còn sống, má Hiếu vốn lặng lẽ, chẳng bao giờ chê cơm canh mặn lạt ra sao. Nhưng anh em cãi nhau là má rớ roi đánh cả hai thằng. Đánh xong, má lấy chai dầu gió xoa cho các con dặn: “Anh em như thể tay chân, tụi bây mà không thương nhau má sống sao?”. Có lần, Nghĩa vùng vằng: “Anh em gì? Ba thằng Hiếu khác ba tui”. Má sững người, khóc.

Anh em Nghĩa – Hiếu nghe điều đó từ bà già hàng xóm lắm điều. Bà kể, ba Nghĩa là một người đàn ông từng ở đây. Hồi đó má tưởng ông là trai tân nên lỡ phải lòng. Sau này, khi có bầu Nghĩa rồi bà mới hay ông đã có vợ con ngoài quê, đó cũng là lý do để ông mất hút chỉ sau một đêm. Còn ba của Hiếu thì bà già không rõ người ở đâu. Chỉ nhớ má Hiếu có lần tâm sự, bảo ông đã có vợ và 3 cô con gái. Hồi đó ông gửi má “quả bầu”, hứa chỉ cần đẻ con trai sẽ rước về. Ai ngờ, Hiếu vừa chào đời thì má hay tin ông ở bên nhà đang mở tiệc mừng vì vợ sinh quý tử.

Hiếu chẳng biết câu chuyện này có rơi rớt hoặc được bồi đắp thêm chữ nào, nó chỉ tin đó là sự thật cho tới khi chứng kiến má khóc vì câu nói của anh mình. Hiếu không thấy đắng chát đến nỗi phải bất cần đời, nướng thân vào bài bạc như Nghĩa. Mỗi đứa một ba thì khác gì nếu cả hai ông đã biệt tích, cũng chẳng khác là bao câu nói lạnh tanh của má hồi chúng còn nhỏ: “Ba bây chết tám đời rồi”.

Nhưng từ lúc nhìn thấy dòng chữ “Vàng của ba cho Hiếu”, tự dưng anh lại thấy thấp thỏm. Chỉ 5 chữ gọn lọn mà gợi bao nhiêu câu hỏi: “Ủa sao ba biết tên tui?”, “Vàng này ba cho tui hồi nào?”, “Ổng còn sống hay đã chết?”… Hiếu như bị thôi miên vào túi vàng ghi tên mình tới nỗi chị dâu nhận ra ánh mắt có lẽ muốn chiếm đoạt của cải, giục chồng mau cất hết tiền vàng vào tủ. Chị ngoa ngoắt buông một câu phong long: “Mai đi cắt ổ khóa mới”.

Hôm sau, ngồi trên chiếc xe 67, Hiếu hả hê nghĩ đến vẻ mặt hoảng hốt của chị dâu khi thấy ổ khóa tủ bị phá tung. Chị sẽ bấn loạn kiểm tra xem còn lại chút tiền vàng nào không. Rồi chắc hẳn chị ta ngơ ngác thông báo với chồng: “Ơ. Không mất gì”. Thực ra, có một thứ bị mất mà chị không hay - tờ giấy ghi địa chỉ của một người nằm trong bọc vải đựng 5 cây vàng.

Trời oi nồng, hàng cây bị phủ một làn bụi trắng xóa muốn nghẹt thở, Hiếu chắc con đường mình vừa băng qua sẽ dẫn đến địa chỉ ghi trong tờ giấy. Được vài chục cây số, chiếc xe máy ngộp xăng, để người đứng chỏng chơ giữa lưng đèo. Anh kiếm một bóng cây, ngả lưng, nhắm mắt nhưng những ý nghĩ tính toán chen ngang giấc ngủ. Giờ xổ đèo về nhà có vẻ dễ hơn, chỉ cần đợi cơn giận của chị dâu nguôi ngoai. Còn nếu hướng về thành phố “có lẽ là ba”, mình sẽ phải gồng sức dắt xe qua đèo.

Hiếu bật dậy, quyết tâm nuốt cơn khát cháy, ì ạch đẩy xe. Xe lên được một đoạn phải lấy cục đá chèn vào bánh để không trôi tuột xuống chân đèo. Anh tưởng tượng, nếu xe trôi trở lại, mọi quyết tâm đi tìm “người có lẽ là ba” cũng sẽ văng khỏi cái đầu vốn đã nóng ran.

Không ngờ, nhà ông ấy chỉ cách vài con đèo. Tới nơi, Hiếu thập thò ngoài cổng bao lần mà chẳng dám gọi cửa. Những miểng sành sắc nhọn gắn trên tường rào, đàn chó béc-giê nhe răng trắng nhởn, không khiến anh sợ hãi bằng câu hỏi tự tưởng tượng ra: “Hiếu là ai, tui đâu quen”.

Hiếu lấy cớ gọi cửa vào rằng thấy hôm trước nhà treo bảng: “Cần người làm, lương ngày bốn trăm”. Cậu trai xích chó, ra mở cổng có đầu mũi tròn tròn, hênh hếch trạc tuổi Hiếu. Vậy là bà hàng xóm nói đúng, cậu này chắc là quý tử của ba. “Ba tui”, cậu trỏ vào ông già đang nằm duỗi trên ghế bập bênh, mắt nhắm nghiền. Điệu bộ nhắm mắt sao giống mình thế - Hiếu nghĩ, mặc dù anh chưa bao giờ nhìn thấy bộ dạng mình trông ra sao khi mi đã khép.

Ông già cũng có cái mũi hếch, không hỏi người này ở đâu, tên gì, chỉ hỏi có biết phụ hồ không? Vác được bao xi măng nửa tạ chớ? Hiếu “dạ được” một cách gọn ơ như thể nếu ngập ngừng thì ông già sẽ nghi ngờ về sức lực của mình. Màn phỏng vấn kết thúc, Hiếu được nhận. Ông già đang xây thêm nhà cho con trai tháng tới cưới vợ. Nhà có tá thợ, thêm bà già và cô con gái út chưa chồng, nhưng Hiếu chỉ hướng mắt về ông. Chắc cú, hồi đẻ Hiếu, ông già khoảng năm mươi mấy. Tối, anh ngồi trước gương ngắm nghía, tự thấy mũi mình cũng hơi hếch, môi hơi mỏng hoặc ít nhất sở hữu nốt ruồi son trên trán giống ông già.

Hiếu nén một tiếng ba trong lồng ngực, nhưng anh cảm giác hai chữ ấy ngày một nở ra. Đến lúc nhà sắp xây xong, thanh âm bắt đầu cựa quậy, giãy giụa, chực trào ra khỏi cổ họng. Anh nuốt khan, đè tiếng ba xuống nên hai bờ môi lúc nào cũng va vào nhau lập bập như người bị sốt rét.

Cậu trai đưa cho anh ngày lương cuối cùng, dặn: “Ở lại ăn cơm rồi về”. Đó là bữa duy nhất, hai cha con ông già ngồi cùng đám thợ nề. Ông hỏi tên từng người. Hiếu hồi hộp đợi tới lượt mình để giới thiệu “con tên Hiếu”. Nhưng anh thất vọng nghe ông già đáp xã giao chẳng chút mặn mà: “À vậy là Hiếu con thím Chín xóm bên”. Cậu trai nháy mắt với đám thợ, khe khẽ: “Ba tui lẫn rồi”.

Mất nửa giờ, Hiếu cũng làm cho con xe sau một tháng giấu ở bìa rừng nổ máy. Anh vặn ga hết cỡ khi lao qua ngôi nhà của ông già. Giờ này chỉ việc xổ mấy con đèo là về tới nhà, cơn giận dữ của chị dâu và anh Nghĩa có lẽ đã nguôi ngoai, bụi đường đã lèn xuống bởi cơn mưa đầu mùa đêm qua. Chẳng có gì cản trở đường về ngoài việc, tự dưng, Hiếu bật khóc, nước mắt đầm đìa, ướt nhòe nhoẹt gương mặt, tiếng ba bất ngờ vỡ ra không trung. Nhưng trước mặt anh giờ chỉ là cánh rừng già tĩnh mịch, sắp sửa chìm vào bóng tối.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Của để lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO