Lượng người, hàng hóa, phương tiện vận tải... qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang ngày càng gia tăng, nhưng không thu được đồng ngân sách nào từ việc đầu tư hạ tầng suốt 17 năm nay. Một đề án thu, quản lý, sử dụng phí công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu sẽ được trình HĐND tỉnh để tránh lãng phí ngân sách, liệu sẽ được thông qua, thực hiện từ đầu năm 2024?
Xuất, nhập khẩu tăng
Theo Ban Quản lý các khu kinh tế & khu công nghiệp Quảng Nam, so cùng kỳ năm 2022, trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hàng hóa thông quan qua cửa khẩu lên đến 57.909 tấn (8.235 tấn hàng xuất khẩu - tăng 37,25%, nhập khẩu 19.702 tấn - tăng 79%), quá cảnh tăng 40% (29.972 tấn).
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 48,45 triệu USD, tăng 125% (xuất khẩu 12,46 triệu USD - tăng 10%, nhập khẩu 35,99 triệu USD - tăng 253%). Thuế xuất nhập khẩu khoảng 63 tỷ đồng, tăng 670%, chủ yếu thu từ điện năng, gỗ xẻ các loại.
Suốt mấy chục năm qua, nhập khẩu chủ yếu vẫn là sắn lát, bã sắn khô làm thức ăn chăn nuôi, gỗ xẻ các loại và máy móc thiết bị. Xuất từ Quảng Nam sang gồm điện năng, bia lon, nguyên vật liệu, thiết bị điện tử, máy móc, thiết bị tạm xuất thi công các công trình thủy điện bên Lào.
“Khuôn mặt” cửa khẩu đã dần thay đổi kể từ khi Cửa khẩu quốc tế Nam Giang chính thức được mở (8/2021), kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đã tăng 217% so năm 2020. Thống kê từ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang, năm 2022, đã thông quan cho hơn 7.850 phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.
Năm 2023, tính đến cuối tháng 7, đã có hơn 8.700 phương tiện vận tải thông quan qua cửa khẩu. Người, phương tiện, hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang tăng đột biến kể từ cuối tháng 5/2023 khi doanh nghiệp vận chuyển quặng bô xít, khoáng sản từ Lào quá cảnh qua cửa khẩu về cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Chân Mây (Huế) xuất sang Trung Quốc.
Chỉ trong vòng mấy tháng qua, mỗi ngày có hàng chục xe tải lớn chở hàng quá cảnh qua cửa khẩu. Hải quan cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã thông quan cho hơn 1.230 phương tiện vận tải, chuyển hơn 39.000 tấn quặng.
Nhân lực, hạ tầng quá tải
Không chỉ nguy cơ ách tắc giao thông khi quốc lộ 14D nhỏ hẹp, thường xuyên hư hỏng phải “gánh” sức nặng mỗi ngày của hàng chục phương tiện vận tải quá khổ đi qua, hải quan cửa khẩu thêm áp lực công việc vì thiếu người, thiếu phương tiện.
Ông Nguyễn Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang nói so với quy mô cửa khẩu, biên chế hải quan chỉ mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Thiếu nhân lực, không có máy soi, trạm cân tải trọng, mọi kiểm tra, kiểm soát đều bằng thủ công (mở hàng, đo thể tích tính tải trọng xe...), ảnh hưởng rất lớn đến thực thi công vụ của nhân viên hải quan cửa khẩu, khó khăn trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy...
Chuyện quốc lộ 14D được đầu tư nâng cấp chưa trở thành hiện thực. Mọi phương án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đều không khả thi. Chính quyền Quảng Nam đang kiến nghị mở rộng, nâng cấp quốc lộ này bằng vốn ngân sách. Cụ thể là xin dùng vốn nước ngoài (khoảng 2.800 tỷ đồng) để đầu tư. Tuy nhiên, không cần chờ đến khi quốc lộ 14D mở rộng hay nâng cấp, lượng hàng hóa, phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu này ngày càng gia tăng.
Thống kê của Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam, mật độ hoạt động của xe có trọng tải lớn ngày càng nhiều. Trung bình khoảng 40 – 50 xe/ngày, dự báo đến cuối năm sẽ tăng lên khoảng 100 xe/ngày thông quan qua cửa khẩu.
Theo ông Nguyễn Hoàng, lượng thông quan cửa khẩu tăng nhanh, nhưng không có kho, bãi, điểm tập kết hàng hóa, kho ngoại quan, giao nhận, vận chuyển, gia công, đóng gói, bốc dỡ, thiếu bãi kiểm tra thực tế hàng hóa... tại cửa khẩu, nên ngoài số thuế thu được từ hàng xuất nhập cảnh, cửa khẩu chẳng thu được đồng nào từ phí hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, trừ 20 nghìn đồng phí/mỗi xe quá cảnh qua cửa khẩu.
Ưu tiên đầu tư và thu phí
Theo tính toán sau nhiều cuộc khảo sát, điều tra từ hơn 70 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Nam Giang, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam dự báo, đến năm 2025 giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu sẽ đạt khoảng 1,162 tỷ USD.
Ông Thiều Việt Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam nói, nếu quốc lộ 14D được nâng cấp, mở rộng thì mỗi ngày sẽ có từ 20 đến 30 xe vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp từ Nam Lào về Quảng Nam với khoảng 600 – 900 tấn/ngày.
Sẽ có từ 10 đến 20 chuyến xe vận chuyển nông sản, quặng than, sắt, đá, bô xít, nhôm... từ 6/20 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan với khoảng 300 tấn/ngày. Dự tính số phí thu được từ sử dụng hạ tầng tại khu vực này sẽ đạt tối thiểu 18,9 tỷ đồng năm 2023 và đến năm 2025 sẽ khoảng 59,2 tỷ đồng.
Sau gần 17 năm đầu tư hàng trăm tỷ đồng hạ tầng cửa khẩu, nhưng không thu được đồng phí nào hạ tầng, dịch vụ công là một sự lãng phí tài nguyên, ngân sách.
Ông Thiều Việt Dũng cho biết đã báo cáo Chương trình tổng thế phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 lên UBND tỉnh.
Một đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) đang chờ phê duyệt. Tiểu khu I (trung tâm khu kinh tế cửa khẩu) sẽ được ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng bến bãi xe xuất nhập quy mô lớn, đầu tư các loại kho (kín, hở, lạnh...).
Đơn vị đang phối hợp với Ban Quản lý cửa khẩu Đắc Tà Oọc (tỉnh Sê Kông) nghiên cứu, đề xuất bố trí bãi đậu đỗ xe khu vực xung quanh cửa khẩu (phía Lào) để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trong tương lai và thuận lợi thông thương hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc.
Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những dự án sẽ được ưu tiên đầu tư trong vòng 5 năm đến. Sẽ ổn định việc cấp điện, phủ sóng thông tin liên lạc, hệ thống chống sét đánh, cấp nước sinh hoạt lâu dài... Các hạ tầng thiết yếu tại cửa khẩu sẽ được cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư, đúng tầm của một cửa khẩu quốc tế.
Ông Thiều Việt Dũng nói có kết cấu hạ tầng mới thu phí được. Đề án quy định mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đối với các phương tiện ra, vào (qua/lại) sẽ được trình UBND tỉnh xem xét và trình HĐND tỉnh thông qua, ban hành nghị quyết tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.