Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam xoay quanh việc tính thuế, thu thuế đất, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam - Nguyễn Văn Tiếp khẳng định: Địa tô được xem là một trong những nguồn thu chủ lực của địa phương để bổ sung nguồn đầu tư phát triển. Dự tính mỗi năm số thu từ đất sẽ tăng 10 - 11%. Cơ quan thuế thừa hành theo đúng pháp luật quy định, tìm mọi cách để đốc thu nguồn lực này vào ngân sách nhà nước.
- Phóng viên Báo Quảng Nam: Ông nghĩ gì về chuyện doanh nghiệp than phiền doanh thu 100 tỷ nhưng phải nộp thuế đến 45 tỷ đồng? Đúng, sai chuyện này như thế nào?
- Ông Nguyễn Văn Tiếp: Khi nghe thông tin này, Cục Thuế cũng rất lo lắng, băn khoăn. Lo cộng đồng doanh nghiệp nghĩ sai về chuyện doanh thu 100 tỷ mà nộp đến 45 tỷ thì quả là rất quá sức, bất hợp lý. Tuy nhiên, khoản nộp này của Công ty CP sân Golf Indochina Hội An không phải là khoản nộp liên quan đến doanh thu mà là khoản tiền thuê đất.
Doanh thu của doanh nghiệp ít hay nhiều thì vẫn phải nộp tiền sử dụng đất đã thuê, sử dụng là chuyện rõ ràng. Cơ quan thuế không lạm thu hay tính toán sai về chính sách thuế.
Không biết thông tin thuế 45 tỷ đồng doanh nghiệp phản ánh từ đâu, chỗ nào. Số thuế phải nộp của doanh nghiệp này trong năm 2023 tới trên 92 tỷ đồng. Trong đó, hơn 60 tỷ là tiền thuê đất của các năm trước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Còn lại là các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập cá nhân.
Một năm, doanh nghiệp này nộp tiền thuê đất khoảng 34 tỷ đồng. Cục Thuế căn cứ trên bảng giá đất của UBND tỉnh, xác định giá đất theo quy định và đưa ra thông báo. Tất nhiên, diện tích thuê lớn thì tiền thuê đất phải nhiều.
Cục Thuế không làm sai. Chỉ căn cứ trên các quy định của pháp luật mà thừa hành!
- Phóng viên: Nhiều cuộc gặp gỡ giữa chính quyền với doanh nghiệp mới đây, hay nhiều ý kiến doanh nghiệp gửi tới UBND tỉnh nói tiền thuê đất của địa phương quá cao. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, nhưng cơ quan thuế vẫn quyết liệt tăng thu thì có phải là ép hay thiếu sự hỗ trợ cho doanh nghiệp?
- Ông Nguyễn Văn Tiếp: Không thể có chuyện ép buộc. Cục Thuế đã thực thi đúng các quy định của Chính phủ về giảm tiền thuê đất hay gia hạn... Không bao giờ tận thu. Khi các quy định của Chính phủ có hiệu lực, Cục Thuế đã định hướng, tuyên truyền rất kỹ. Nếu như doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm, thủ tục chưa đầy đủ..., Cục Thuế sẽ định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp biết rõ quy định để thụ hưởng chính sách.
Doanh nghiệp chắc chắn hiểu rõ vấn đề này, nên không làm sai được. Nếu làm sai, doanh nghiệp ý kiến, cơ quan thuế sẽ bị kỷ luật, nên không thể có chuyện ép buộc hay làm sai! Không chỉ doanh nghiệp sân Golf, xét cho cùng, bất cứ doanh nghiệp nào có diện tích thuê quá lớn thì phải chấp nhận tính thuế như vậy.
Ngành thuế luôn thu đúng, đủ, chống thất thoát... theo các quy định luật pháp. Không thể làm khác được!
- Phóng viên: Số thu ngân sách hàng năm đều có tính đến tiền thu từ đất. Xin ông cho biết, số thuế này đã thu đúng, đủ, đáp ứng được kế hoạch chưa?
- Ông Nguyễn Văn Tiếp: Tiền thuế đất hàng năm đã thu đủ, đúng. Từ lâu nay đến giờ, tính tuân thủ của doanh nghiệp về tiền thuê đất rất tốt. Chỉ có năm nay quá khó khăn, nhiều doanh nghiệp không làm gì được, không thể sản xuất hay kinh doanh được trên mảnh đất đã thuê, nên đã không đảm bảo doanh thu để bù trừ chi phí, kể cả tiền thuê đất do đó gặp không ít khó khăn. Xưa nay, chi phí thuê đất chỉ chiếm một phần ít trong tổng chi phí trong quỹ kinh doanh của doanh nghiệp. Cục Thuế chỉ đôn đốc tiền thuê đất hàng năm theo bộ thuế đã lập.
Theo ghi nhận, các dự án khai thác quỹ đất chậm đấu giá quyền sử dụng đất; bất động sản đóng băng; các dự án không chuyển nhượng... Gần như các địa phương không thể đấu giá được, doanh nghiệp khó khăn tài chính kéo dài nên số nộp ngân sách thấp.
Hiện tổng tiền nợ các khoản thu từ đất rất lớn. Lý do được viện dẫn là thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng. Các sở, ban, ngành chậm trễ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thay đổi quy hoạch, chậm ban hành giá đất dẫn đến nhiều vướng mắc. Nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thành dự án và cũng không loại trừ một số doanh nghiệp khó khăn tài chính, cố tình dây dưa, chây ì, không "chịu" nộp theo đúng thời hạn quy định
- Phóng viên: Thuế từ đất năm 2023 đã gặp khá nhiều khó khăn, có thể sẽ không thu được, nhưng Bộ Tài chính đã giao số thu năm 2024 lên đến 2.700 tỷ đồng. Ông cho biết, liệu địa phương có thể thu đủ, đúng kế hoạch?
- Ông Nguyễn Văn Tiếp: Theo tính toán, quản lý nguồn thu thì có thể mạnh dạn nói nguồn lực của Quảng Nam có thể thực hiện được. Nhưng liệu có thu được hay không là một câu hỏi buộc phải được đặt ra.
Có thể hiểu là thu được hay không phụ thuộc vào nhiều thứ. Đó là phải giải quyết cho được những thủ tục liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cấp phép đầu tư hạ tầng... Chuyện này ảnh hưởng đến tiến độ thu; còn dự án như thế nào, bao nhiêu, địa chỉ ở đâu, kể cả thu nợ thì cơ quan thuế đã làm quyết liệt hết mức, nhưng vẫn chưa thể như mong muốn.
Nút thắt không phải từ cơ quan thuế mà chính là gỡ cho doanh nghiệp có dòng tiền, luân chuyển dòng tiền, xoay vòng nguồn lực để nộp tiền sử dụng đất. Tác động của thị trường cũng là nguyên nhân quan trọng. Doanh nghiệp không bao giờ từ bỏ dự án đã hình thành nên giá tiền sử dụng đất của họ. Khi thị trường sôi động, có đầu ra thì doanh nghiệp mới quyết tâm xử lý dự án nhanh. Còn thị trường đứng thì doanh nghiệp buộc phải dừng, hoãn tiến độ, cân đối, thu xếp nguồn lực tài chính cho hợp lý, nên mức độ huy động tiền đất vào ngân sách nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của doanh nghiệp.
- Phóng viên: Dư địa tăng thu từ đất có còn không, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Tiếp: Chính phủ đã chỉ đạo các chính sách mang tính vĩ mô với nhiều giải pháp như tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, hạ lãi suất vay ngân hàng. Vấn đề là làm thế nào để các cơ quan có liên quan, ảnh hưởng đến quy trình đầu tư, xây dựng, kinh doanh của các dự án... vận hành có tốt không để có thể thu được tiền từ đất.
Trong bổn phận của mình, ngành thuế có nhiệm vụ đôn đốc, có thêm nhiều giải pháp liên quan, đề xuất phối hợp. Nếu như tất cả sự vụ hợp tác giữa các ngành liên quan hanh thông, hoàn thiện, thỏa mãn các điều kiện cần và đủ thì ngành thuế sẵn sàng thu được số tiền đã ấn định theo kế hoạch.
Tuy nhiên, biện pháp đôn đốc hay cưỡng chế thường mang tính trình tự thủ tục của ngành thuế, nhưng nút thắt của vấn đề thu được hay không, không phải ở chỗ đó. Ví dụ, doanh nghiệp đã không có tiền, phá sản, hết năng lực chi trả thì có làm gì, như thế nào, thì cũng chịu!
Vấn đề lớn nhất vẫn là chuyện làm sao cho doanh nghiệp có đủ nguồn lực để hoạt động. Vì vậy, ngành thuế sẽ phân tích các khó khăn, liên quan tới cơ quan nào thì sẽ tham mưu (ở góc độ địa phương), còn không thì kiến nghị với Trung ương.
Ngành thuế đã thực hiện theo ấn định của chính quyền địa phương; nhưng số thu này không bền vững. So với các tỉnh, thành khác, bình quân mỗi năm, nguồn thu này không nhiều, tốc độ tăng thu đều đều, bình thường, không quá lớn trong tổng thu. Nhưng xu hướng quy hoạch của tỉnh đẩy mạnh phát triển đô thị, khu dân cư... nên dư địa nguồn thu này vẫn còn nhiều!
- Phóng viên: Cám ơn ông về cuộc trao đổi!