(VHQN) - Khi giải thưởng và học bổng mang tên Trần Văn Khê vừa trao cho những cá nhân có thành tựu xuất sắc liên quan đến âm nhạc dân tộc, thì ở xứ Quảng, người ta nhớ đến một tên tuổi khác - người cũng đau đáu làm sao để ngọn lửa tuồng truyền thống xứ Quảng âm ỉ len lỏi trong dòng chảy đương đại.
Di nguyện của GS. Hoàng Châu Ký - “người giữ đền” nền nghệ thuật tuồng truyền thống xứ Quảng, đã và đang được những lớp người sau thực hành. Lần giở lại buổi học đầu tiên của lớp truyền vai tuồng cổ, ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc TTVH Hội An cho biết, năm 2016, TTVH Hội An mở lớp “Truyền vai tuồng cổ” cho thiếu nhi Hội An. Lớp học được bảo trợ kinh phí từ nguồn Quỹ Hoàng Châu Ký.
“Đây là di nguyện của giáo sư, người đã dành cả đời và cho đến khi sắp qua đời vẫn trăn trở làm sao giữ ngọn lửa nghệ thuật sân khấu dân gian trong đời sống và kỳ vọng lớp trẻ kế thừa. Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng ấy của giáo sư và cả gia đình giáo sư.
Từ đó, tận tâm tận lực làm sao để lớp học được mở ra và hoạt động hiệu quả. Làm sao để như GS. Hoàng Châu Ký đã nói rằng trải bao biến thiên lịch sử - văn hóa - xã hội, nghệ thuật sân khấu có lúc thăng lúc trầm, nhưng biết cách làm thì trầm rồi sẽ thăng.
Đặt tên lớp học là “lớp truyền vai hát bội”, chúng tôi không đặt kỳ vọng quá lớn lao là đào tạo ra những diễn viên tuồng, mà từ từng bước nhỏ, từ cách hóa thân vào một vai diễn cụ thể, nhen nhóm ngọn lửa đam mê, lòng trân trọng đối với kho báu nghệ thuật sân khấu dân gian từ các em thiếu nhi theo lớp học này” - ông Võ Phùng chia sẻ. Cùng với các lớp học truyền nối di sản ấy, là những đêm “Tuồng xuống phố” được thực hành từ nguồn quỹ này.
Ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa Hội An cho biết, khi ấy, những người con của GS. Hoàng Châu Ký thay mặt gia đình để thực hiện di nguyện của một người cả đời dành cho tuồng này.
Ngay sau lễ tang của GS.Hoàng Châu Ký, toàn bộ tiền phúng điếu được trao lại cho Hội An để làm công việc bảo tồn và duy trì nghệ thuật tuồng xứ Quảng. Hồi quang của tuồng cổ, ở xứ Quảng, có lẽ công đầu của GS.Hoàng Châu Ký. Ông tìm tòi, kết nối và lan tỏa niềm tự hào về tuồng xứ Quảng. Hình như, ông được chọn để trở thành một người gìn giữ trong trăm năm, với những bài viết, tư liệu vô giá về nghệ thuật truyền thống xứ Quảng.
Ngữ khí của làn hơi, khí sắc của bộ điệu, rồi những ký âm đặc biệt chỉ có trong tuồng. Người hát tuồng, phải hát như thế nào để nghe giọng là khán giả phân định được vai, mường tượng được sự việc. Hát tiếng đau thì phải tưởng ra được cái đau.
Hát tiếng khổ, tiếng mơ màng, bi ai... cũng phải để người nghe hình dung ra từng ấy cảnh. Tiếng nào chỉ thanh thì phải tưởng ra thanh, tiếng nào chỉ hình phải tưởng ra hình, tiếng nào là tâm tình thì phải hình dung được cảm xúc. Vì lẽ đó, nên tuồng vẫn trứ danh nghệ thuật ước lệ, người hát phải làm chủ được sân khấu, cũng là thứ vi diệu nhất để dựng nên niềm tự tôn dân tộc.
Những đường dẫn nghệ thuật, văn hóa truyền thống dân gian dù được định danh từ rất lâu, nhưng cho đến những ngày tháng 5 năm nay, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mới được truy tặng cho GS.Hoàng Châu Ký.
Cái giỏi, cái tài của người tâm huyết với văn nghệ dân gian là một. Nhưng cái khiến người ta ngưỡng vọng nhiều hơn, là những đau đáu về câu chuyện truyền bá và kế thừa tinh hoa nghệ thuật này, từ những dự cảm đã có từ hàng chục năm trước của vị giáo sư khả kính.
“Đội ngũ những người trong nghệ thuật tuồng của chúng ta ở Quảng Nam (và cả Đà Nẵng) suy nghĩ như thế nào để kế thừa (…) những tiền bối trong ngành?” - GS. Hoàng Châu Ký viết trong khảo luận công trình nghiên cứu “Tuồng Quảng Nam” của mình. Ông khiến người xứ Quảng cúi đầu biết ơn, có lẽ ngoài tâm huyết lẫn tài hoa, chính là tấc lòng ưu tư để khiến người ở lại phải thực hành di nguyện để bảo tồn một ngọn nguồn văn hóa...
Là một thế hệ kế thừa đặc biệt, nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải - danh hiệu nghệ nhân ưu tú đầu tiên trên lĩnh vực tuồng ở xứ Quảng, cho biết, gia đình ông bao gồm cả vợ và con gái, là những người tham gia đầu tiên các chương trình từ nguồn Quỹ Hoàng Châu Ký.
Lê Phú Hải cùng vợ là nghệ sĩ Ánh Hoa trở thành người đứng lớp cho lớp học tuồng đặc biệt giữa phố cổ. Cô con gái duy nhất của họ bây giờ đang theo chuyên ngành quản lý tuồng, bài chòi và âm nhạc truyền thống tại Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, là thành viên lớp tuồng ấu nhi đầu tiên được mở tại Hội An. Ở chương trình “Tuồng xuống phố”, họ cũng là những lớp nghệ sĩ chân đất đầu tiên mang tuồng biểu diễn trên phố.
Nguồn Quỹ Hoàng Châu Ký với kinh phí có hạn, có lẽ sẽ không còn đủ sức để bền bỉ tài trợ cho phục hưng nền nghệ thuật truyền thống đã ngủ yên quá lâu, dù đã được định danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Một Quỹ hỗ trợ, bảo vệ và phát triển nghệ thuật tuồng từ đó đến nay vẫn là kế hoạch của Quảng Nam. Liệu ai sẽ nối lại giai điệu trăm năm này?