Củi lụt

HƯƠNG THU 24/09/2016 09:33

Người dân quê tôi thường sử dụng rơm rạ, thân cây hoa màu để làm chất đốt quanh năm. Gia đình nào có đàn ông khỏe mạnh, dạn gan thì trong năm làm một chuyến củi nguồn, thời gian đi chặt củi rừng và kết bè thả theo đường sông về nhà phải mất gần tháng. Gia đình tôi neo người, nên chỉ có được củi núi củi rừng nhờ vào mỗi mùa bão lụt bơi ghe đi vớt.

Sau vài đêm mưa to gió lớn, nước lũ trên nguồn đổ về mang theo biết bao sản vật của núi rừng, trong đó có củi. Các gia đình có ghe nhẹ như ghe nhôm thường bơi ra phía cửa sông/mương thủy lợi (chỗ công viên Ái Nghĩa hiện nay) để đón và vớt những khúc củi hay khúc gỗ lớn. Bởi dọc hai bên bờ sông, người ta trồng tre để chống sạt lở, nên củi lụt tới chỗ cửa sông này là tấp vào theo hướng dòng nước. Các gia đình khác thì bơi ghe tập trung ở chỗ Gò, củi lụt trôi xuống đụng gò đất và hàng rào bằng cây của nhà dân chung quanh đó nên mắc lại. Mới nhìn vào, trông nó như một bãi rác mênh mông. Phía trên là những “mạt” củi và các loại cây thân nhỏ như cây sặt, cây sậy, thậm chí, nguyên cả một bụi sậy đầy gốc rễ, thân lá đóng tụ từng lớp. Gặp những loại này mọi người không vội vớt lên ghe. Người ta cho ghe đậu phía trước của bãi củi lụt đó, hướng ngược theo dòng nước chảy tới để dõi nhìn những khúc củi trôi đến. Cứ thế vớt bỏ lên ghe. Một cách khác, lấy cái dầm nhấn mạnh cả bè rều xuống dưới nước, theo quán tính, khúc củi ở lớp dưới sẽ bật mạnh lên, như vậy nhìn thấy được và vớt lên ghe. Hoặc lội luôn xuống nước, vì đứng trên gò đất, nước không lút đầu, lấy tay mò xuống phía dưới để tìm củi to.

Khoảng độ non 2 tiếng đồng hồ là ghe đầy ắp củi lụt. Những ghe khác đã về trước, vì ghe nhỏ hơn; còn ghe nhà tôi là dạng ghe “bầu” (bụng ghe to) nên còn phải vớt củi thêm. Sở dĩ ghe nhà tôi to là vì trước đây ông cố, ông nội tôi phải đan sắm ghe này để chở rơm, cỏ cho trâu được đưa đi tránh lụt ở trên đồi Ái Nghĩa. Ba tôi kể, có lần bơi ghe dắt trâu lên đồi, trâu bơi đuối sức bèn gác đầu lên be ghe, ghe nghiêng hẳn về một phía nhưng vẫn không lật. Khi củi đầy ghe, cứ thả xuôi theo dòng chảy là về tới nhà. Ngày cũng được 4 - 5 chuyến củi lụt. Những ngày lụt sau, hết củi “ngon”, vớt cả rều chở về bỏ ở một góc vườn, chờ “nước giựt” và nắng lên sẽ xử lý dần.

“Cây khô xuống nước cũng khô”, củi lụt mới vớt về nhưng vẫn có thể dùng được ngay. Vào mùa lụt, cái bếp cố định mọi khi không thể sử dụng được nữa, phải chế cái bếp tạm và bắt buộc đun bằng củi mới được. Một số củi lụt mới vớt về chỉ ướt nước bên ngoài chứ không thấm nước vào bên trong, bởi những cây củi này đã rụng gãy từ lâu trên rừng, phần vỏ bên ngoài đã mục hủy, chỉ còn lại phần lõi, nay có nước lũ cuốn trôi xuống vùng xuôi. Những cây củi này xếp quanh bên bếp để hơ nóng, sau đó dùng để đun luôn, cháy rất đượm. nhờ nó mà vẫn có bữa ăn ngon như mọi khi, bởi lửa không bị tắt trong điều kiện mưa tạt, gió lùa và xung quanh là nước lụt.

Lúc vớt củi lụt, dường như ít ai để ý gì đến những loại cây, hình thù của nó. Nhưng qua mùa lụt, khi trời nắng ấm trở lại, bắt đầu phơi củi lụt, phân loại và cột bó lại theo kích cỡ thì mới có dịp nhìn kỹ hơn sản phẩm củi lụt. Những ống giang, ống nứa cất riêng để dành làm lạt buộc mạ cho vụ cấy đông xuân cận kề hoặc cất giàn bếp để chẻ làm ghim quấn quản con giống. Những cây săn thẳng bó riêng để làm giàn đặt trành con giống hoặc làm giàn bầu giàn mướp sau tiết xuân. Những khúc củi to xếp riêng trên chồ để dành nấu các loại bánh ngày Tết. Những đoạn củi ngắn thì bó riêng để chụm hàng ngày. Thỉnh thoảng có những nhánh củi có hình dáng đẹp lạ, cầm lên ngắm nghía hồi lâu, cứ tạm để qua một bên, nhưng rồi vài tháng sau cũng thành tro, vì lúc ấy không biết chơi gỗ lõi như bây chừ. Lúc nhỏ, vẫn thích nhất là những quả tràm màu nâu láng bóng, to hơn cái mề gà trống thiến. Dùng 2 quả để gõ trực tiếp vào nhau hoặc dùng dùi trống cơm để gõ, coi nó như là một cái mõ của riêng mình.

Mấy năm nay không còn lụt để tìm về cảm giác đi vớt củi lụt của ngày xưa, nhưng củi lụt đã cho tôi một sự nhận thức về nhân sinh. Ngày trước, củi lụt làm chất đốt cho người dân ở vùng hạ lưu, mang lại kinh tế cho những gia đình chuyên vớt củi lụt để bán. Ngày nay, củi lụt tố cáo việc khai thác gỗ lậu, lên tiếng báo động sự phá hoại tài nguyên rừng, là dự báo những biến đổi khí hậu khôn lường trong tương lai.

HƯƠNG THU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Củi lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO