Cụm công nghiệp huyện Điện Bàn: Không phát triển bằng mọi giá

CHIÊU THỤC ANH 12/12/2014 09:28

Đúc kết được nhiều bài học từ quá trình thu hút đầu tư, huyện Điện Bàn đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp đóng chân trong các cụm công nghiệp (CCN) sản xuất và kinh doanh thuận lợi.
Thu hút đầu tư

Trước khi Quyết định 105 của Thủ tướng Chính phủ (số 105/2009/QĐ-TTg) về quy hoạch CCN địa phương ra đời thì tổng diện tích của 11 CCN trên địa bàn huyện Điện Bàn là 420ha. Thực hiện Quyết định 105 của Thủ tướng Chính phủ và theo phê duyệt của UBND tỉnh, từ nay đến năm 2020, Điện Bàn sẽ có 10 CCN với diện tích 166ha. “Đến nay, chúng tôi đã hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1:1500 và đang điều chỉnh các CCN cho phù hợp với thực tế phát triển của các loại hình sản xuất mà doanh nghiệp (DN) đăng ký, vấn đề xử lý nước thải hay phương án tách dân cư ra khỏi các CCN…” - ông Nguyễn Đức Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện Điện Bàn cho biết. Được biết đến cuối năm 2014, đã có 46 DN đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện, tỷ lệ lấp đầy bình quân ở các CCN là 48,96% và giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động. Trong đó có 28 DN đang hoạt động, 9 DN đang làm thủ tục đầu tư, 1 DN đang xây dựng. Rõ ràng, tỷ lệ lấp đầy ở các CCN huyện Điện Bàn là tương đối cao so với các địa phương khác. Hầu hết DN trong các CCN ở địa phương đều sản xuất hàng xuất khẩu và phân phối trong nước là chính.

Dù đã nỗ lực nhưng Công ty TNHH Thép Việt - Pháp vẫn đang đối mặt với khó khăn từ người dân quanh khu vực. Ảnh: C.T.A
Dù đã nỗ lực nhưng Công ty TNHH Thép Việt - Pháp vẫn đang đối mặt với khó khăn từ người dân quanh khu vực. Ảnh: C.T.A

Trao đổi về tình hình thu hút DN vào đầu tư, sản xuất tại các CCN, ông Thân Trọng Vũ - Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN huyện cho rằng, Điện Bàn nằm liền kề với TP.Đà Nẵng, có Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc đóng chân là một ưu thế lớn. Bởi dù sao có sự liên kết giữa các khu công nghiệp, giao thông thuận lợi cũng là điều kiện không nhỏ khi DN quyết định đầu tư. Tuy nhiên, việc nằm gần các khu công nghiệp lớn cũng là áp lực cho Điện Bàn, phải trăn trở như thế nào, hỗ trợ ra sao để giúp DN thấy quyết định đặt chân làm ăn tại các CCN là đúng đắn. Thế nên, trên website của huyện Điện Bàn đăng tải tất cả nội dung, thủ tục hành chính cần thiết khi vào đầu tư tại các CCN. Ngoài ra, khi DN đến tìm hiểu đều được phát sổ tay hướng dẫn bao gồm những thông tin về các CCN, khó khăn thuận lợi ở mỗi CCN… Khi DN định đầu tư thì được hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính một cách tối đa, nhanh gọn. Những tồn tại vướng mắc nảy sinh cũng được giải quyết kịp thời. Ông Nguyễn Văn Tiếp - Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Văn Tiếp, nói: “Công ty đang xây dựng nhà xưởng tại CCN Đông Khương (xã Điện Phương). Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng vào CCN, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan, ban ngành để thủ tục nhanh chóng. Điều này giúp công ty xác tín lại quyết định đúng đắn khi đầu tư vào CCN Đông Khương”.

“Bài học” môi trường

Hầu hết 10 CCN trên địa bàn huyện Điện Bàn đều rơi vào tình trạng thiếu vốn đầu tư hoặc đầu tư nhỏ giọt nên cơ sở hạ tầng chưa đạt như mong muốn, chưa thực sự làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu. Đã có rất nhiều nhà đầu tư đến khảo sát thực tế, dù khá ưng ý về điều kiện địa lý và một số yếu tố liên quan nhưng thực tế hạ tầng kém, cơ sở vật chất thiếu… nên đã ra về, không hứa hẹn trở lại. Bên cạnh đó, vấn đề giải tỏa đền bù cũng gây khó cho DN. Bởi khi làm bài toán kinh tế, sẽ ít có DN nào chịu bỏ số vốn lớn ra thực hiện công tác đền bù giải tỏa, thay vào đó họ sẽ tìm địa điểm thuê đất dù ít thuận lợi hơn nhưng số tiền bỏ ra ban đầu ít hơn. Vấn đề môi trường cũng là một trong những yếu tố đang được huyện Điện Bàn cân nhắc khi cấp phép cho DN đầu tư, hoạt động tại các CCN. Từ năm 2012, UBND huyện đã ra công văn nêu rõ không tiếp nhận loại hình hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. “Tại các CCN huyện đã xảy ra tình trạng DN sản xuất làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Đó cũng là hệ quả của một thời “trải thảm đỏ”, kêu gọi đầu tư vào hoạt động bằng mọi giá mà bỏ qua các yếu tố có thể tác động đến môi trường sống của người dân” - ông Nguyễn Đức Tài cho biết thêm.

Và mới đây nhất là câu chuyện của Công ty TNHH Thép Việt - Pháp bị người dân sinh sống xung quanh khu vực CCN Thương Tín (Điện Nam Đông) phản ứng, cho rằng công ty đã gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thép Việt - Pháp bộc bạch: “Phải nhìn nhận rằng, câu chuyện hôm nay cũng một phần lỗi từ phía công ty đã không lường trước những hệ lụy có thể xảy ra khi đầu tư tại CCN Thương Tín dù đã nỗ lực hết mình trong việc tránh làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân. Nếu quay trở lại, có lẽ chúng tôi sẽ không đầu tư vào CCN này mà tìm một nơi khác trong khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, dẫu rằng chúng tôi được sự hỗ trợ tối đa của chính quyền địa phương. Hiện chúng tôi mong muốn được di dời đi nơi khác càng sớm càng tốt để ổn định sản xuất”.

Điều đáng tiếc mà lãnh đạo Công ty TNHH Thép Việt - Pháp nhắc đến chính là vấn đề an ninh không được đảm bảo, nơm nớp lo ngại bị người dân quá khích phá hoại khiến sản xuất bị ngưng trệ, dẫn đến việc lâu khấu hao máy móc, trong khi vốn đầu tư của công ty vào cơ sở này đã lên đến hơn 250 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ bài học của công ty này, lãnh đạo Trung tâm Phát triển CCN huyện cho biết, bên cạnh thực thi công văn của huyện, khi DN đến tìm hiểu và đặt vấn đề muốn vào hoạt động tại CCN, đơn vị đều cung cấp những thông tin liên quan về địa lý, kinh tế xã hội để DN có cái nhìn tổng quan nhất, tránh những sai lầm không đáng có như với Công ty TNHH Thép Việt - Pháp.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cụm công nghiệp huyện Điện Bàn: Không phát triển bằng mọi giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO