Ngồi yên đấy!

H.X.H |

Quảng Nam có lý do để hạn chế vận chuyển hành khách qua đường sắt về địa bàn tỉnh kể từ hôm qua 7.4 cho đến hết ngày 15.4, theo nội dung đề xuất “tạm dừng hoạt động vận chuyển” ghi rõ trong Công văn số 1852/UBND-KGVX ngày 6.4.

Chưa rõ quan điểm của Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như thế nào trước đề xuất này, nhưng qua đo đếm, mỗi ngày ga Tam Kỳ (hoặc từ ga Đà Nẵng, sau đó đi phương tiện khác về Quảng Nam) có 50 – 100 người dân về quê  từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh vùng đang có nhiều ca bệnh, gây áp lực lên khả năng tổ chức cách ly của địa phương. Dù Quảng Nam đã thay đổi phương thức thu phí đối với người Quảng về từ 2 đầu đất nước, nhưng không vì thế mà ngưng kiểm soát chuyện đi lại trong giai đoạn cách ly xã hội.

Có điều, không phải ai cũng “chia sẻ” mối lo này với chính quyền địa phương.

Hôm qua, đọc tin UBND xã Tam Thành (Phú Ninh) xử phạt hành chính L.V.H. (26 tuổi) 2 triệu đồng mà không biết nên vui hay buồn. H. từ TP.Hồ Chí Minh về quê hôm 25.3, ký cam kết cách ly lại nhà, nhưng đến chiều 5.4 lại cùng 4 thanh niên trong thôn đến đập Lạnh ở xã Tam An cùng huyện để bắt cá. H. bị Công an xã Tam An phát hiện, sau đó xử lý cùng lúc 2 hành vi: dùng xung điện để đánh bắt thủy sản trái phép và tụ tập đông người, không chấp hành quy định cách ly đối với người trở về địa phương từ các vùng dịch.

Trong khi lực lượng dân phòng, dân quân, thanh niên xung kích, sinh viên y khoa… đang được huy động tham gia cắm chốt ở nút giao thông ở huyện Phú Ninh (nối tuyến quốc lộ 40B và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), thì ngay tại địa bàn này, vẫn có người… lẻn đi bắt cá dù đã ký cam kết. Mà không chỉ riêng vụ “trốn cách ly đi bắt cá” ở Quảng Nam.

Ở Đà Nẵng, khi nhóm thanh niên mở đường tắt lên miền núi Hòa Vang “đổi gió” bị phạt hành chính 200.000 đồng/người chưa ráo mực, hôm qua đến lượt nhóm khác lẻn ra bán đảo Sơn Trà dã ngoại cũng bị phát hiện, xử lý. Quảng Bình thì phạt 4 người và cảnh cáo hơn 30 người khác do tổ chức ăn nhậu rồi đăng ảnh lên Facebook khi đang cách ly tập trung tại huyện miền núi Minh Hóa. Ra đến Thanh Hóa càng lạ: 14 người vất vả ẩn náu trong thùng xe tải để “né” chốt kiểm dịch, kịp đi viếng tang…

Khi chính quyền các địa phương cần “tĩnh” và kêu gọi cộng đồng hạn chế ra đường nếu không thật sự cần thiết, một số người lại “động”. Và như vậy, lúc này chuyện “ngồi yên đấy” không chỉ dừng ở mức độ thủ thỉ nhẹ nhàng (Ru em ngồi yên đấy/ Tôi tìm cuộc tình cho) như ca từ trong ca khúc “Ru tình” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà đã là mệnh lệnh hành chính, kèm dấu chấm than(!).

Ngồi yên đấy!