Những ngày đầu năm 2015, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang phải gánh chịu thảm kịch vì thiên tai và tai nạn. Vượt lên những đớn đau đó là sự san sẻ của cộng đồng quốc tế.
Giám đốc cơ quan nhận dạng của cảnh sát Indonesia, ông Anton Kastilani cho biết: nhóm “nhận dạng nạn nhân thảm họa” (Disaster Victim Identification - DVI) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) đã đến Surabaya, Đông Java để cùng với một số nhóm DVI nước ngoài khác tham gia hỗ trợ cảnh sát trong việc xác định danh tính các nạn nhân của chiếc máy bay AirAsia QZ8501 bị tai nạn tại vùng biển Java. Trong số này có nhiều chuyên gia pháp y, ADN và dấu vân tay từng có kinh nghiệm làm việc trong các chiến dịch khắc phục thảm họa. “Đó là công việc nhân đạo và chúng tôi tình nguyện làm với hy vọng quá trình xác định nhanh chóng được hoàn thành để các gia đình nạn nhân sớm nhận được người thân của mình”- ông Kastilani cho biết thêm. Indonesia cũng nhận được sự trợ giúp y tế từ Singapore, Hàn Quốc, Australia, và Malaysia. Nhóm nhận dạng nạn nhân thảm họa (DVI) thuộc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia cũng đã rời sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 (KLIA2) đến Surabaya để hỗ trợ chính quyền Indonesia trong việc nhận dạng nạn nhân của chuyến bay xấu số QZ8501 của hãng AirAsia Indonesia.
Trong khi đó, tại Malaysia, nguy cơ bùng phát dịch bệnh đang ám ảnh những cư dân vùng Đông Bắc nước này đang phải vật lộn giải quyết hậu quả của cơn lũ đi qua. Theo tờ TheStar của Malaysia, mặc dù điện và nước đã được cung cấp trở lại và một số mặt hàng thực phẩm như rau, thịt gà đã được bán sau khi các tuyến đường được khai thông nhưng người dân tại những vùng lũ lại rất lo lắng dịch bệnh sẽ bùng phát do nguồn nước bị nhiễm bẩn, rác và xác động vật chết ở khắp mọi nơi. Ông Koh Chin Han, một thành viên của Ủy ban Trung ương đảng Hiệp hội người Malaysia gốc Hoa (MCA) đã đến Kelantan để hỗ trợ dọn dẹp tại trường học SJK (C) Yuk Cheng tại đây. Ông cho biết: “Điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải đảm bảo rằng các trường học sẽ hoạt động trở lại vào ngày 12.1 tới”. Ông cũng cho biết nhiều bàn, ghế cũng như tài liệu dạy học cũng đã bị lũ phá hủy. Trước đó một trận lũ lớn đã ảnh hướng tới 8 bang ở Đông Bắc Malaysia làm ít nhất 21 người thiệt mạng và khiến gần 200.000 người phải đi sơ tán.
Truyền thông Malaysia đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân lũ lụt tại Malaysia và đề nghị trợ giúp những người bị ảnh hưởng. Đại sứ Mỹ tại Malaysia Joseph Yun cũng đã đến trụ sở báo The Star trao một số mặt hàng thiết yếu cho Quỹ cứu trợ The Star-MRCS-Firefly để giúp đỡ các nạn nhân vùng lũ. Ông Joseph Yun cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ 150.000USD cho các nạn nhân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả và khôi phục lại cuộc sống.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Kuala Lumpur cho biết Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đã cam kết cung cấp khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 500.000RM (152.000USD) cho những bang bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt tại Malaysia. Chính phủ Singapore cũng cam kết 100.000 đô la Singapore hỗ trợ Malaysia khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cũng đã quyên góp 100.000USD và trao cho Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Malaysia để giúp các vùng ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Đông Bắc Malaysia.
Trong một phát biểu kêu gọi trên mạng xã hội, những bạn trẻ của Nhật Bản nói rằng chưa bao giờ cộng đồng quốc tế cùng nhìn về Đông Nam Á như lúc này. “Hãy cùng nhau chia sẻ và nguyện cầu cho một năm mới bình an, phát triển cho thế giới” - thông điệp của lời kêu gọi.
TÂM AN