Nhìn nhận những hoạt động tạo khí thế khởi nghiệp bước đầu có sức lan tỏa trong cộng đồng, tại cuộc làm việc vừa qua với các sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu giai đoạn mới phải có nhận thức mới, cách làm mới, gắn với thị trường. Đi cùng với đó, các sản phẩm OCOP phải thay đổi cách tiếp cận, hướng tới thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo.
Tránh hình thức
Đặt vấn đề liên quan đến hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; củng cố bình chọn sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, khởi nghiệp được nhắc đến trong ba nhiệm vụ đột phá của địa phương trong nhiệm kỳ, cho thấy sự chú trọng, quan tâm rất lớn của Đảng bộ và hệ thống chính trị thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
“Do đó, đưa hoạt động khởi nghiệp lên một tầm cao mới, chắc chắn hơn, phù hợp hơn là yêu cầu đang được đặt ra. Hiện nay, đa số sản phẩm khởi nghiệp là sản phẩm OCOP, và một nhóm trong số đó trùng lắp với sản phẩm CNNT tiêu biểu. Trong khi đó, số lượng sản phẩm CNNT ngày càng giảm, địa phương ít quan tâm, chủng loại hạn chế, thiếu cách làm mới dẫn đến không kích thích được sự tham gia của cộng đồng, đòi hỏi phải tính toán lại, xem xét tìm kiếm cách làm đi vào thực chất hơn, tránh hình thức” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, việc bầu chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được tổ chức ở 4 cấp, qua 6 lần tổ chức cấp huyện, tỉnh và 3 lần cấp quốc gia, khu vực, đạt được 6 giải quốc gia, 16 giải cấp khu vực.
“Tuy nhiên mức độ nhiệt tình của các cơ sở, doanh nghiệp giảm dần. Nhóm sản phẩm dự thi chủ yếu ở thủ công mỹ nghệ, chế biến bảo quản nông lâm thủy sản, trống vắng sản phẩm thiết bị máy móc, dụng cụ cơ khí và nhóm sản phẩm khác. Hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương không tác động nhiều đến cơ sở, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ sở sản xuất. Sở Công Thương đề xuất gộp hai “cuộc thi” này, với một tên gọi khác phù hợp hơn” - ông Quang nói.
Có gần 50 dự án khởi nghiệp trong thanh niên được công nhận, song việc phát triển dự án còn chưa đạt như kỳ vọng là thông tin được ông Hoàng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn đưa ra tại hội nghị.
“Sự tham gia của thanh niên trong ngân hàng ý tưởng là rất đáng chú ý, là điểm nhấn trong khởi nghiệp và có sức lan tỏa. Tuy nhiên, trong số 400 hợp tác xã, tổ hợp tác của thanh niên hiện nay, có đến 321 mô hình thanh niên đang thiếu vốn, nhu cầu vay vốn lên đến 60 tỷ đồng nhưng vốn vay qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội rất thiếu. Đề nghị UBND tỉnh, các cấp ngành có sự quan tâm nhiều hơn đến nguồn vốn vay, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, giải quyết lao động ngay trên quê hương” - ông Thanh cho hay.
Thay đổi tư duy
Đối với việc củng cố sản phẩm OCOP, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ban đầu việc triển khai còn lúng túng, xã, huyện thiếu kinh nghiệm nên cách nhìn về sản phẩm chưa hợp lý.
“Một số cơ quan, kể cả chủ thể chưa nhận thức đầy đủ về sản phẩm OCOP, thiết lập hồ sơ còn lúng túng và phức tạp. Các sản phẩm được công nhận 3 sao chủ yếu ở các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu tính tập trung, chưa kể các chủ thể tiếp cận với đối tác còn hạn chế. Việc xúc tiến thương mại có nhiều thiếu sót. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thành lập trung tâm OCOP chưa thể triển khai, dẫn đến một số khó khăn trong điều hành, tiếp cận chủ thể, quảng bá sản phẩm…” - ông Tấn đề cập.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định các thành tố giúp cho hoạt động khởi nghiệp đã được xây dựng toàn diện, ổn về mặt số lượng, tuy nhiên về mặt chất lượng vẫn chưa đạt yêu cầu như kỳ vọng. Chặng đường sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng đối với hệ sinh thái và các thành tố trong hệ sinh thái, liên hệ giữa các thành tố để phục vụ cho yêu cầu về phát triển các dự án khởi nghiệp, các hoạt động sản xuất.
“Đã có đế vững, càng lên cao càng phải tinh, đáp ứng lựa chọn của thị trường. Vấn đề đặt ra là sản xuất sản phẩm, và sản phẩm đứng vững, chiếm lĩnh được thị trường, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi và tiếp tục phát triển sản phẩm.
Sản lượng sản phẩm OCOP không đáp ứng quy mô thị trường cần, chứ không phải không có thị trường. Việc lập ra trung tâm OCOP để trưng bày sản phẩm là cần thiết nhưng chỉ giới hạn quy mô nhất định, cần ưu tiên thương mại điện tử, kết nối số, hướng tới thị trường tiềm năng là TP.Hồ Chí Minh. Về vốn, cần thay đổi tư duy, tránh việc cho không, tạo tâm lý ỷ lại, thiếu năng động đổi mới” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.