Nhiều sản phẩm du lịch sẽ được TP.Hội An xây dựng, làm mới trong năm 2019 nhằm đa dạng điểm đến, thu hút du khách tham quan, lưu trú nhiều hơn, hướng đến sự phát triển bền vững.
Du lịch làng mộc Kim Bồng sẽ được củng cố làm mới lại trong năm 2019. Ảnh: V.L |
Xây dựng tuyến phố Pháp
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, ngoài tăng cường hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức các sự kiện, lễ hội thu hút khách đến Hội An..., một số sản phẩm du lịch trọng tâm cũng sẽ được thành phố tập trung thực hiện trong năm 2019. Cụ thể, sẽ triển khai đề án không gian văn hóa Pháp tại đường Phan Bội Châu; tổ chức sắp xếp lại hoạt động tham quan du lịch tại làng rau Trà Quế và làng mộc Kim Bồng... Trong đó, việc triển khai đề án không gian văn hóa Pháp đường Phan Bội Châu được kỳ vọng trở thành điểm nhấn thu hút khách, nhất là dòng khách châu Âu. Thống kê cho thấy, hiện đường Phan Bội Châu có 56 di tích nhà ở, phần lớn di tích mang kiến trúc kiểu Pháp những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hầu hết còn khá nguyên vẹn. Trong tương lai khi đi vào hoạt động, không gian đường Phan Bội Châu xưa sẽ từng bước được phục hồi như lắp đặt, bổ sung các trụ đèn đường kiểu dáng Pháp, trùng tu mặt tiền các ngôi nhà, quét vôi màu vàng hướng đến hình thành ý tưởng thương hiệu “Hội An - thành phố vàng”.
Đặc biệt, Hội An sẽ tổ chức các hoạt động theo chuyên đề như triển lãm nghệ thuật Pháp, trình diễn thời trang, trang phục Pháp và châu Âu; chụp ảnh kiểu Pháp; phát hành các ấn phẩm catalogue, brochure, báo, tạp chí Pháp; ẩm thực Pháp; trình diễn âm nhạc Pháp (đường phố); mở lớp dạy tiếng Pháp cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài; thành lập CLB những người nói tiếng Pháp tại Hội An... Các hoạt động này hứa hẹn mang đến những nét mới cho du lịch Hội An trong năm 2019. “Sự xuất hiện của phố văn hóa Việt - Pháp tại Hội An không chỉ giảm áp lực cho trung tâm phố cổ, tạo ấn tượng về giao lưu văn hóa Việt – Pháp, mà còn giúp bảo lưu tính đa dạng, phong phú của giá trị kiến trúc kiểu Pháp thời Đông Dương trong quần thể di tích phố cổ. Hoạt động này còn góp phần gia tăng sản phẩm du lịch Hội An, đáp ứng nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cơ sở kết hợp truyền thống bản địa với văn hóa Pháp vốn dĩ đã rất quen thuộc đối với người Hội An” - ông Sơn cho biết.
Củng cố du lịch làng quê
Thực tế, vài năm gần đây du lịch Hội An dù có sự phát triển khá nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Cơ cấu dòng khách quốc tế đến Hội An đang có sự thay đổi mạnh khi thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc dần lấn át dòng khách châu Âu – Bắc Mỹ. Một số sản phẩm truyền thống của Hội An gắn với thương hiệu di sản phố cổ đang có dấu hiệu bão hòa cần được làm mới. Nhất là 2 điểm du lịch sinh thái là làng rau Trà Quế và mộc Kim Bồng, dù đây là những sản phẩm được đánh giá có tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác du lịch vẫn chưa tương xứng. Ông Phan Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, nếu không làm mới, củng cố các sản phẩm du lịch hiện có, Hội An sẽ khó giữ chân và lôi kéo dòng khách truyền thống quay trở lại. “Suốt thời gian dài chúng ta đã “bám” vào thương hiệu di sản văn hóa thế giới, bây giờ đã đến lúc phải làm mới lại các sản phẩm này để tránh sự nhàm chán cho khách” - ông Thanh nói.
Theo ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VH-TT & truyền thanh truyền hình TP.Hội An, hiện đơn vị đã tiếp nhận làng rau Trà Quế và mộc Kim Bồng để củng cố, vận hành, kết nối với du khách, doanh nghiệp lữ hành nhằm phát huy các làng nghề này. “Trước mắt, sẽ xây dựng phương hướng hoạt động cho 2 làng này theo mô hình của làng gốm Thanh Hà, phấn đấu quý III 2019 đi vào vận hành hoạt động” - ông Phùng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định, năm 2019 thành phố cũng sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ; các trung tâm đón tiếp khách, điểm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng... Đặc biệt thành phố sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp thu hút khách có khả năng lưu trú dài ngày và có chi tiêu cao; khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch ngoài lưu trú. Bên cạnh đó, cũng sẽ chú trọng thực hiện các biện pháp giữ gìn môi trường du lịch tại các điểm đến, xem đây là biện pháp quan trọng nhằm giữ vững uy tín và thương hiệu du lịch Hội An. Trong đó, một sản phẩm mới được kỳ vọng chính là các phiên chợ tuần, chợ đặc sản, chợ nông sản sẽ được triển khai thường xuyên hơn nhằm đa dạng sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, đồng thời cũng tạo cơ hội tìm đầu ra cho nông sản địa phương.
VĨNH LỘC