|
(QNO) - Thi cử chỉ là chặng khởi động trong đời của người chọn con đường học tập để tiến thân... Có mặt tại cụm thi Đà Nẵng, chúng tôi chứng kiến biết bao tâm sự, bao nhiêu ước mơ và sự nôn nóng, mong chờ dành cho con cái trước kỳ thi THPT quốc gia.
Một dịp đi xa
Giữa cái nắng hừng hực của Đà Nẵng, từng nhóm phụ huynh có dịp ngồi cùng nhau tâm sự, sẻ chia về những câu chuyện đời thường. Dường như, giữa họ có một sự đồng cảm rất lớn. Cùng nỗi lo lắng, hồi hộp, niềm tin khi con bước vào phòng thi và cả nỗi khắc khoải, sốt ruột khi gác lại những công việc đồng áng, bán buôn thường ngày để tập trung cho kỳ thi quan trọng của con.
Khi các thí sinh đang tập trung vào bài thi thì các phụ huynh cũng nóng lòng chờ đợit bên ngoài. |
Ngồi đợi con thi trước cổng trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Phương (47 tuổi, ở Điện Bàn) vui vẻ nói: “Bình thường, công việc bận rộn, khó khăn, nhà lại có mẹ già đau yếu nên tôi hiếm khi đi đâu xa khỏi quê. Ra Đà Nẵng lần này gần như là lần dài ngày nhất tôi đi xa, cũng tranh thủ đi chơi luôn”. Bà Phương tâm sự, phía bà con gia đình có người làm trong ngành công an. Cả 2 con của bà đều có ước mơ theo học ngành này. Con trai thứ nhất năm đầu thi vào trường Đại học An ninh nhân dân (TP.Hồ Chí Minh) nhưng không đạt. Để theo đuổi nghề, cháu đăng ký đi nghĩa vụ công an tại địa phương ngay sau đó. Đến nay, thời gian phục vụ trong ngành đã được 2 năm. Đợt thi năm nay, cả cơ quan và gia đình động viên, tạo điều kiện ôn tập để cháu tham gia kỳ thi THPT quốc gia lấy điểm xét vào ngành. Con gái thứ 2 của bà cũng nuôi ước mơ đứng vào hàng ngũ quân đội. Cháu đã qua được vòng sơ tuyển. Để lấy điểm xét vào đại học, cháu đăng ký dự thi các môn Văn - Sử - Địa. Bà Phương nói, sức học của con trai đầu có phần yếu hơn, tuy được tạo điều kiện nhưng bên cạnh việc ôn tập thi cử, con trai chị còn phải làm việc, luyện tập theo quy định của đơn vị, kiến thức đã học qua khá lâu nên đến giờ cũng bị mất đi ít nhiều. Đợt thi này, bà có phần lo lắng cho con trai hơn. Chỉ mong sao, cháu có thể đạt được số điểm đủ xét vào hệ trung cấp để có cơ hội ở lại với ngành. Bà Phương cũng cho biết, cả tuần nay, gia đình đã nghỉ tráng bánh ở quê. Cả hai vợ chồng đều đưa 2 con đi thi, thuê phòng trọ để ở. Sáng nay, khi bà chờ con gái thi ở đây thì chồng bà cũng ngồi chờ ở cổng trường con trai… Cả hai đều hồi hộp, đứng ngồi không yên.
Nhiều bậc phụ huynh khăn gói vượt đường xa đưa con đi thi |
Câu chuyện của chú Hải (ở Hòa Vinh, Đà Nẵng) là về công việc ươm giống cây sưa hàng ngày. Ở nhà, chú làm chính, vợ phụ thêm. Ngồi đợi ở Khu ký túc xá trường Đaaij học Sư phạm, chú cho biết, đây là lần thứ hai chú đưa con ra Đà Nẵng để dự thi. Hai vợ chồng cô chú thay phiên nhau dẫn cháu đi thi. Hôm qua là vợ chú còn hôm nay là chú. Chia sẻ về công việc, chú nói hiện nay chú chủ yếu mua hạt giống tại công ty về ươm lên thành cây sưa rồi bán đi. Cây sưa muốn trồng phải bóc sạch vỏ để tỉ lệ nảy mầm cao và khi hạt nảy mầm thì đem cắm vào đất chuẩn bị sẵn. Một cây sưa cao khoảng 20 cm là có thể bán đi với giá 8.000đ/cây. Một đợt mua, bạn hàng có thể đặt từ 100 đến 150 cây. Trồng sưa trong khoảng 8 năm có thể thu hoạch được. Thời gian càng lâu gỗ sưa càng có giá trị. Đất vườn của chú khá rộng, một cây sưa to khoảng bằng 1 bắp chân người có thể được bán với giá 18 triệu. Gỗ sưa rất quý, cho hương thơm, có thể được sử dụng để làm đồ nội thất. Chú Hải cho biết, đợt thi năm nay, con trai chú dự định thi vào khoa Kiến trúc – Đại học Bách Khoa, cháu cũng có năng khiếu hội họa. Vợ chồng chú trước đây phải bỏ học ngang giữa chừng để đi buôn nên bây giờ luôn mong muốn nuôi dạy con học hành đến nơi đến chốn.
Công việc bán thời gian cho sinh viên
Theo báo cáo nhanh của ĐH Đà Nẵng, trong 3 ngày vừa qua, đã có trên 10 trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động và sử dụng tài liệu trong phòng thi. Tuy được dặn dò rất kỹ nhưng các bạn thí sinh vẫn mang điện thoại di động vào phòng thi và những cuộc điện thoại hầu hết từ người thân trong gia đình liên lạc để hỏi. Sau những buổi thi đầu tiên, Hội đồng thi đã tăng cường nhắc nhở để tránh những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Tại các điểm thi với số lượng lớn các thí sinh như ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế... các chiến sĩ giao thông đã tiến hành phân luồng để tránh ùn tắc, đảm bảo an toàn trật tự an toàn giao thông. Sau môn thi Vật lý và Hóa học, các thí sinh hoàn thành xong phần thi các khối A, B đã lên đường về quê. |
Kỳ thi THPT quốc gia cũng là lúc các bạn sinh viên có cơ hội được làm những công việc bán thời gian, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Thời gian cùng người thân chờ đợi các sĩ tử ở phòng thi, chúng tôi đã được gặp rất nhiều những bạn sinh viên đi phát tờ rơi quảng cáo. Đây chủ yếu là những bạn sinh viên học năm 2, năm 3 tại các trường đại học, cao đẳng tại thành phố. Ngoài ra, còn có những bạn tình nguyện viên ghi lại những ý kiến đánh giá để góp phần tổng kết, nhận xét, rút kinh nghiệm trong kỳ thi sau.
Các dạng tờ rơi các bạn phát đi cũng được biến hóa linh hoạt, sáng tạo thông qua hình dáng của một chiếc quạt tay nhỏ, một chiếc danh thiếp, một cuốn sổ tay. Trời nóng bức, việc phát cho mỗi bậc phụ huynh một chiếc quạt tay có vẻ là một ý tưởng thiết thực và tâm lý. Thông qua những chiếc quạt tay, người ta có thể được bắt gặp hình ảnh quảng cáo của một chiếc bình ắc quy hay của một gói cước điện thoại. Một cuốn sổ tay nhỏ xinh, sặc sỡ dạy nấu các món ăn ngon phù hợp với mọi gia đình trong ngày hè đính kèm là nơi giới thiệu các khóa học học nấu nấu ăn cho các chị trung niên. Ngoài ra, các cách đầu tư xứng đáng cho công việc sau này hay gợi ý lựa chọn trường đại học sau khi có kết quả dự thi cũng được giới thiệu đến tay các bậc phụ huynh tại trường.
BÙI THỊ THANH MINH