Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của nhân dân, phong trào khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước ở huyện Bắc Trà My đã từng bước thay đổi thói quen độc canh cây lúa rẫy, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người dân vùng cao.
Người dân xã Trà Giáp khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước. Ảnh: NGUYỄN VĂN BÌNH |
Cán bộ làm gương
Đối với các xã vùng cao của huyện Bắc Trà My như Trà Giáp, Trà Bui, Trà Nú… từ lâu người dân vốn quen thuộc với phương thức độc canh cây lúa rẫy. Vì thế, để vận động người dân chuyển sang thâm canh cây lúa nước, áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất lúa là cả một quá trình dài. Từ nhiều năm trước, nhiều cán bộ chủ chốt của các xã, thôn đã họp dân để tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đi đôi với tuyên truyền là hành động thực tế để người dân tin tưởng làm theo.
Trà Bui là xã bị mất đất nhiều nhất trong tổng số các xã của Bắc Trà My khi nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2. Do đó, vấn đề khai hoang, phục hóa, kiến tạo ruộng bậc thang để trồng lúa nước được lãnh đạo huyện quan tâm. Ông Hồ Văn Trình (người dân thôn 8, xã Trà Bui) vừa nói vừa chỉ tay về những đám ruộng có con gái ông đang lụi cụi dẫn nước vào ruộng: “Trước đây, gia đình tôi chỉ có vài đám ruộng nhỏ, hằng năm đều thiếu gạo nuôi 8 đứa con. Mấy năm trở lại đây, nghe theo, làm theo cán bộ của Đảng, Nhà nước, nên cả nhà đi tìm đất đồi gần khe suối, đất bỏ hoang để cải tạo trồng cây lúa nước, đồng thời đưa giống mới vào sản xuất theo quy trình được cán bộ hướng dẫn. Nhờ đó, thời gian qua gia đình không còn lâm vào cảnh thiếu gạo ăn”. Không chỉ ông Trình, còn có nhiều hộ dân ở xã Trà Bui khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước sau khi thấy trưởng thôn, già làng tích cực khai hoang. Ông Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui tâm sự: “Người dân một lòng một dạ tin và theo Đảng. Nếu cán bộ nói mà không làm, làm không đúng với lời nói thì bà con sẽ không tin, không làm theo. Do đó, để vận động người dân khai hoang trồng lúa nước, cán bộ trong xã luôn phải là người đi đầu”. Với tinh thần đó, tính riêng trong 2 năm 2011, 2012, tổng diện tích lúa nước khai hoang của xã Trà Bui lên đến 12,7ha, dẫn đầu huyện.
Sau Trà Bui, xã Trà Giáp là địa phương có diện tích khai hoang trồng lúa nước đứng thứ nhì huyện, tiêu biểu nhất phải kể đến làng Boa thuộc thôn 5, điểm sáng của xã. Theo ông Nguyễn Thái Bàng - Bí thư Chi bộ thôn 5, từ khi có chương trình khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước của huyện, từ bí thư chi bộ đến trưởng thôn, già làng ai cũng đi đầu trong phong trào. Chỉ tiêu đặt ra là mỗi hộ cán bộ, già làng phải khai hoang 4 - 5 sào ruộng lúa nước. Thấy cán bộ làm lúa nước hiệu quả, bà con học hỏi làm theo. Chính vì thế, diện tích trồng lúa nước trong thôn luôn được mở rộng. Từ ngày về nơi ở mới, trong thôn đã đủ lương thực, không còn xảy ra tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt, cũng không còn chuyện phá rừng làm nương rẫy.
Mở rộng diện tích
Ngoài các xã điểm như Trà Bui, Trà Giáp, những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã hưởng ứng tích cực phong trào khai hoang mở rộng diện tích, từng bước quen dần với việc sản xuất ruộng lúa nước. Riêng 2 năm 2011, 2012, tổng diện tích lúa nước từ khai hoang trên địa bàn huyện là 27,25ha với hơn 600 hộ tham gia. Bên cạnh đó, người dân dần biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa như bón phân, chọn giống có năng suất cao để gieo trồng… Vụ đông xuân 2012 - 2013, năng suất lúa nước bình quân của huyện đạt hơn 43 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Nhằm khuyến khích người dân khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy, từ năm 2011 huyện hỗ trợ 15 triệu đồng/ha khai hoang, từ năm 2012 nâng mức hỗ trợ lên 20 triệu đồng/ha, gấp đôi so với năm 2010 trở về trước. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng ra điều kiện người dân mở rộng diện tích lúa nước gắn với việc đầu tư thâm canh tăng vụ, không bỏ hoang đất sản xuất”. Cũng theo ông Tuấn, hiện tại, nhân dân trên địa bàn huyện đang phục hóa, cải tạo diện tích ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2013 toàn huyện đã phục hóa, cải tạo gần 19ha ruộng lúa nước. Huyện cũng đang tiến hành khảo sát, làm thủy lợi để nhanh chóng đưa số diện tích này vào sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014. “Tuy diện tích đất lúa bình quân đầu người trong toàn huyện còn thấp (0,4 sào/khẩu), nhưng đây là những tín hiệu vui ban đầu. Huyện sẽ tiếp tục vận động để bà con dần nhận thức được tầm quan trọng của cây lúa nước và áp dụng khoa học kỹ thuật vào để tăng năng suất. Ngoài mở rộng diện tích cây lúa nước để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp có kế hoạch cấp con giống, cây giống cho dân sản xuất, đồng thời định hướng người dân trồng cây nguyên liệu như keo, cao su… ở các vùng đồi, rừng nghèo để phát triển kinh tế” - ông Tuấn nói.
THIÊN NGA