Giấu đôi bàn tay còn đầy sẹo bởi lá đót cứa vào tay lúc thơ trẻ, nụ cười của Nguyễn Văn Lộc khiến cho người đối diện thấy ấm áp và tự tin. “Đồng hành đến giảng đường” (ĐHĐGĐ) của chàng luật sư trẻ sinh năm 1985 gốc Quảng là câu chuyện đầy gian khó mà ấm tình người…
6 giây và 6 năm
Trích thư của em Phan Phước Thịnh (học sinh trường THPT Quế Sơn, Quảng Nam): “Ngày thi cũng gần tới, em biết đi bằng gì đây? Nhiều lúc nghĩ đến, em đã khóc. Nhà nuôi được 2 con heo, mẹ tính bán lấy tiền cho em đi thi, không may vừa rồi có đợt dịch, 2 con heo chết hết. Không biết ước mơ sau này của em có thực hiện được không”. Phản hồi: “Chúc mừng em, em là một trong số học sinh chúng tôi chọn! Và em sẽ có khoản tiền ban đầu để đi thi đại học, ít nhất là vậy!”. Hỏi: “Dự án của các bạn hoạt động thế nào?”. Trả lời: “Chúng tôi trao học bổng ban đầu cho các em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học, nếu em nào thi đậu sẽ được hỗ trợ đến khi tốt nghiệp, có việc làm”...
Giải bóng đá “Đồng hành đến giảng đường” được doanh nghiệp đồng hương gốc Quảng quan tâm, ủng hộ. |
Chỉ có 6 giây để trả lời, nhưng phải mất 6 năm để cho ra lò một thế hệ học sinh – sinh viên nghèo hiếu học được bảo trợ. Và đây là thư (lược trích) của Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc dự án ĐHĐGĐ trên facebook Lộc Law: “Vậy đó, các em đừng cảm ơn chúng tôi, hãy cảm ơn các nhà hảo tâm ấy! Và cũng đừng nuôi hy vọng một ngày nào đó trả tiền lại cho chúng tôi. Hãy tiếp tục thực hiện công việc này cho các thế hệ tiếp theo, như những gì chúng tôi làm cho các em hôm nay”.
Buổi trưa TP.Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng 5 thường âm u để chờ cơn mưa chiều, Nguyễn Văn Lộc bắt đầu câu chuyện của ĐHĐGĐ bằng nụ cười thật tươi: “Chúng tôi không phải là người cho cá, cũng không phải có cần câu để làm ra cá. ĐHĐGĐ chỉ ra phương pháp lấy cái cần phù hợp nhất để câu được con cá. Giá trị của việc làm này sẽ tạo nên những giá trị khác cho xã hội và việc kết nối tạo giá trị là công việc mà chúng tôi đang làm. Nghe có vẻ vòng vèo, lý thuyết nhưng đơn giản chỉ là: Mỗi người đều có một con đường đi cho riêng mình, họ sẽ đến đích nếu có một người bạn đồng hành tốt và biết quan tâm chia sẻ”.
“Đồng hành đến giảng đường chỉ ra phương pháp lấy cái cần phù hợp nhất để câu được con cá. Giá trị của việc làm này sẽ tạo nên những giá trị khác cho xã hội và việc kết nối tạo giá trị là công việc mà chúng tôi đang làm. Nghe có vẻ vòng vèo, lý thuyết nhưng đơn giản chỉ là: Mỗi người đều có một con đường đi cho riêng mình, họ sẽ đến đích nếu có một người bạn đồng hành tốt và biết quan tâm chia sẻ”. (NGUYỂN VĂN LỘC, Giám đốc dự án Đồng hành đến giảng đường) |
Được thành lập từ một nhóm những con người đến từ các ngành nghề khác nhau (nhà báo, luật sư, doanh nhân, sinh viên, công chức…), dự án ĐHĐGĐ những ngày đầu nhận đã được sự ủng hộ của nhiều người. Anh chị em chuẩn bị một cách thầm lặng và dốc cả bầu tâm huyết bằng niềm tin rằng, sự cố gắng của mình sẽ có thể thay đổi cuộc đời của một con người nào đó. Anh Huỳnh Thanh Công (hiện đang làm việc tại Viettincom, một cộng sự của dự án) chia sẻ: “Đừng nghĩ nhiều về những điều lớn lao. Hãy đến một ngôi trường ở vùng sâu vùng xa, nhìn vào giá sách trống rỗng ở đó, bạn sẽ nghĩ đến những quyển sách hay mà bạn đã đọc hoặc bạn không cần đến. Đơn giản, bạn chỉ cần góp những cuốn sách đó cho các em, và sẽ thấy cuộc đời này luôn ý nghĩa ở mỗi một hành động nhỏ nhất. Không phải có tiền bạn mới có thể giúp đỡ được người khác. Giá trị thay đổi một cuộc đời, một con người thường bắt đầu bằng những sự tình cờ và nhất là sự yêu thương đùm bọc nhau. Chúng tôi vì lẽ đó mà có thêm nhiều niềm tin cho dự án lắm”.
Kết nối bằng trái tim
Gần đến ngày thi tốt nghiệp THPT, Lộc vẫn không thể tìm đâu ra học phí cho mình. Buổi trưa hôm ấy, dưới chân núi Hòn Tàu, cậu bé 18 tuổi ngồi khóc ngon lành và đã nghĩ đến việc mình phải từ bỏ tất cả. Ước mơ làm luật sư để bào chữa, bảo vệ người nông dân bỗng như nhòa đi. “Đó có lẽ là quyết định đớn đau nhất của cuộc đời tôi! Mọi thứ như đang ở trong ngõ cụt và tôi đang đứng cuối ngõ”, Lộc nhớ lại. Và phép màu đã đến: Một thầy giáo ở trường THPT Quế Sơn đã trích ra số tiền lương ít ỏi của mình để nộp học phí cho Lộc. Tại kỳ thi tốt nghiệp năm đó, Lộc đạt kết quả khá cao, sau đó đỗ vào trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh. Bài học được che chở, yêu thương đó đã nhen nhóm và theo suốt cậu sinh viên trường luật. Đi rửa chén, giữ xe, gia sư…, Lộc đều làm bằng niềm đam mê kỳ lạ. Vì anh biết, từng được một người tin yêu và dẫn lối thì đã đến lúc phải bước đi trên con đường đó bằng chính đôi chân của mình…
Trao học bổng Đồng hành đến giảng đường cho học sinh ở Quảng Nam. |
Dự án ĐHĐGĐ đã đi được chặng đầu tiên bằng nỗ lực và đóng góp từ giải bóng đá ĐHĐGĐ, từ những con heo đất được đặt ở quán cà phê, nhà hàng… Anh Trần Ngọc Khoa (một khách hàng của quán cà phê Elenoir) chia sẻ: “Lúc đầu, nghe Lộc nói về dự án, tôi đã thấy mình là một phần ở trong đó. Suốt những năm tháng làm sinh viên, chưa ngày nào tôi không tự nhủ rằng khi ra đời, mình sẽ phải giúp lại những bạn sinh viên khác. Chính những tấm lòng sẻ chia yêu thương của mọi người đã giúp tôi trở thành một doanh nhân thành đạt như ngày hôm nay”.
Trái tim kết nối trái tim. Những ngày đầu hè, trong ngôi nhà của cô học trò Nguyễn Thị Phương Ánh (trường THPT Quế Sơn) ngập tràn tiếng cười nói của các thành viên dự án ĐHĐGĐ. Ánh là một trong 13 trường hợp được dự án cấp học bổng tại Quảng Nam. “Chưa bao giờ em thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và nhiều niềm tin như lúc này. Chính sự xuất hiện của các anh chị đã cho em thêm sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực” - Ánh tâm sự.
Một suất học bổng trị giá 2 triệu đồng, khoản tiền không phải là nhiều đối với những ai có thu nhập ổn định, nhưng đôi khi sẽ góp phần thay đổi một cuộc đời. “Tôi và các bạn đồng hành đã chọn Quảng Nam làm nơi đầu tiên để trao học bổng, vì tôi và các bạn biết vùng đất yêu thương này còn lắm những con người hiếu học nhưng khó khăn” – Nguyễn Văn Lộc nói - “Có thể xuất phát điểm của chúng tôi thấp, nhưng ước mơ của chúng tôi rất lớn. Chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra được nhiều công dân toàn cầu, để họ tự tin bước vào hòa nhập với xã hội hiện đại. Và chính họ có thể sẽ lại tiếp nối công việc của chúng tôi đang làm: kết nối những trái tim lại với nhau”.
MINH KIỆT