Chúng tôi vừa thực hiện một chuyến công tác lên miền tây bắc Quảng Nam. Sự hào hứng khi lập trình chuyến đi qua các điểm du lịch nổi tiếng từ Đà Nẵng tới Đông Giang, Tây Giang dường như đã bị con đường 14G dội lại nhiều cảm xúc trái ngược.
“Ời, thì đấy ước vọng, khát vọng rồi kỳ vọng, mà con đường vẫn đau khổ thế ni là sao?”. Những tiếng xì xào không dứt. Rồi bao nhiêu bài báo nói chuyện trắc trở, vướng mắc, đến tháo gỡ, mà vẫn lở dở ổ gà, ổ voi, những cung đường chật tré và nhiều khúc cua gấp dễ trật bánh lao xuống vực vẫn chực chờ.
Nói cho công bằng là có được vài đoạn ngắn tạm gọi nên thơ, khi qua bên triền đồi chè, rừng che râm mát và hoa bò cạp nước điểm vàng rực rỡ. Song hầu hết là ná thở theo con đường chật chội, bị giật cục, dằn xóc trẹo hông, mà phải qua chừng 40 cây số đạp từ Dốc Kiền lên, đi qua các xã Ba, Sông Kôn, A Ting, Jơ Ngây, Tà Lu, đến giáp Prao vẫn còn… le lưỡi.
Tìm hiểu “lý lịch” con đường mới hiểu là không phải không ai biết nỗi khổ ấy nhưng sự tha thiết được đầu tư đã bị khổ lụy bởi nhiều lý do. Đó nguyên là tuyến ĐT604 có lý trình từ huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đến điểm giao nhau với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao (Đông Giang), đã được Bộ GTVT ban hành quyết định nâng cấp thành quốc lộ 14G vào tháng 5/2012.
Và đã có nhiều bài báo ca ngợi quyết định ấy, nhất là ngay lập tức tạo hứng khởi cho việc đầu tư mở đầu ở đoạn Đà Nẵng. Nhiều tờ báo đã từng mô tả “những điều kỳ thú trên cung đường 14G”, đồng thời nhiều trang thông tin cũng dẫn dụ bạn đọc đến đây để thăm thú hàng loạt điểm du lịch nổi tiếng.
Dẫn lời một lãnh đạo huyện Đông Giang, có báo còn mô tả một giấc mơ khá đẹp, rằng sản phẩm du lịch theo cung đường 14G sẽ được nối kết với các cụm chính như khám phá đồi chè Quyết Thắng, làng Bhơ Hôồng, làng nghề thổ cẩm Đhơ Rôồng, thác nước G’Răng, làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, Cổng trời Đông Giang, hay lên các điểm cụm địa đạo A Nông, làng gốm C’noonh, thăm Đỉnh Quế, rừng Pơ mu, rừng đỗ quyên (Tây Giang)...
Tuy nhiên, ngoại trừ phía Đà Nẵng đã có bước phát triển các khu du lịch núi Thần Tài, suối Hoa, suối Đôi,… thì phía Quảng Nam dường như đứng bánh ì ạch bởi do con đường 14G vẫn treo đau khổ.
Bộ GTVT đã nghe kiến nghị của tỉnh, nói sẽ trình Chính phủ, nay lại bảo nguồn kinh phí không bố trí được. Phía tỉnh cũng muốn đầu tư từ ngân sách địa phương, nhưng nghe đâu thử khái toán đã khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng, nên bỏ ngỏ đó.
Có một sự so sánh nhỏ khi chúng tôi hình dung lại cung đường đau khổ đi qua không phải quá khó đầu tư như nhiều vùng đất nước, phải qua gập ghềnh đá cao vực sâu như Tây Bắc, hay sình lầy kênh rạch như Tây Nam Bộ. Nay thì thấy Prao “thị trấn Cây Chò” (Đông Giang) rồi đến A Tiêng, xã Lăng (Tây Giang) đang được đầu tư mở rộng khang trang hơn, và thực tế cung đường từ đó lên vùng cao cũng đã đẹp hơn nhiều dù khó đầu tư hơn đoạn dưới.
Vấn đề là ngành trung ương phải có quyết tâm cao với ý nghĩa đã xác định là con đường chiến lược mới có thể tạo ra đột phá đầu tư. Và cả nói chuyện kết nối kinh tế liên vùng nữa, Đà Nẵng sẽ được lợi rất nhiều nếu đường 14G mở rộng, nâng cấp. Vậy nên nếu để mỗi Quảng Nam một mình bơi thì không phải mất cả chục năm như vừa qua mà cả đời liệu có làm xong nổi (?).
Đã bao nhiêu phác họa đã mở ra khi xác định quốc lộ 14G là trục giao thông chiến lược, là “huyết mạch” qua cự ly ngắn nhất nối đồng bằng, Đà Nẵng với tây bắc Quảng Nam?
Đã nói nhiều về khát vọng mở lên miền tây bắc nhiều tiềm năng du lịch, thương mại, giúp đồng bào miền núi lưu thông hàng hóa, xóa nghèo?
Tất cả mãi chỉ là ước vọng nếu Quốc lộ 14G không mở ra sinh lộ!