Xã hội

Cung đường huyền thoại - Bài 2: Ở lại với Trường Sơn

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 15/05/2024 08:00

Sau cuộc chiến, cựu binh Nguyễn Như Thắng (xã Bha Lêê, Tây Giang) đã ở lại với đường Trường Sơn, sống tiếp cuộc đời trong một chương mới, không có khói bom, không có những cuộc hành quân xuyên đêm qua cánh rừng trụi lá...

z5429834040582_db98e428e7b87ddd22de7efa042b97cc.jpg
Cựu binh Nguyễn Như Thắng, người từng lái xe cho Đoàn 559 qua Trường Sơn. Ảnh: C.N

Dừng chân ở Trường Sơn

Ông Nguyễn Như Thắng (SN 1957), người cựu binh quê ở Hà Đông nhất quyết đưa chúng tôi lên ngã ba Atép (xã Bhalêê, Tây Giang).

“Đó mới đúng là đường Trường Sơn mà tôi đã đi. Chính xác, vì ở ngay đó có một khe suối, nơi đoàn xe của tôi đã nấp tránh bom. Tôi đã trở lại nơi ấy nhiều lần, khi chọn Bha Lêê là nơi mưu sinh sau khi chính thức nghỉ hưu” - ông Thắng quả quyết.

Ông Thắng hiện là thương binh. Máu tuổi đôi mươi của ông đã đổ xuống ở Trường Sơn và cả bên ngoài Tổ quốc, khi ông tham gia đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giải phóng Campuchia.

Năm 1973, ông nhập ngũ, tham gia lái xe cho Đoàn 559, khi cuộc chiến thống nhất Tổ quốc đã dần bước vào chặng cuối, căng thẳng và cam go. Bốn mươi lăm ngày huấn luyện, ông được đào tạo lái xe, chạy huấn luyện, tập “quay đầu bãi chênh”, tập quen với tiếng bom, mìn.

“Đi học lái mà rát lắm. Đạn bom nổ ầm ầm ngay bên bãi tập, để cho mình quen, không giật mình khi ra trận. Một tháng rưỡi, khi đã chạy được bằng đèn con rùa ban đêm, là leo lên xe Zil ba cầu mà chạy.

z5429834035574_28a638591cb82241c12a9a94426f57a5.jpg
Ông Thắng đã từng đi lái xe tránh bom ở một khe núi, gần di tích lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh 559 - đường Trường Sơn đoạn từ Atép đến mốc 678. Ảnh: C.N

Cả đoàn khi ấy dài dằng dặc, hơn một trăm xe, cứ nhích từ trạm một. Chúng tôi đi suốt giữa rừng, chỉ gặp giao liên, hầu như không gặp dân ở ngôi làng nào.

Chỗ nào khó, có giao liên, công binh bật đèn hướng dẫn. Chỉ một nỗi sợ là bom thôi. Cứ có báo động là men theo khe núi, vào sâu trong khe mà trốn. Hết báo động là lại đi.

Mà lúc đó cũng có nghĩ ngợi gì đâu. Dính bom thì chết, không dính thì cứ thế mà đi. Đồng đội của tôi, cười đó rồi chết đó, cũng cứ đi. Sống chết nó bình thường lắm” - ông Thắng cười.

Chuyến đi của cuộc đời ông, theo ông kể, là chuyến duy nhất, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1974 thì vào đến Nông trường K80, gần làng Hồi ở Hiệp Đức.

“Hình như lúc đó vào đến đích đúng hẹn chỉ có mười bốn xe. Những chiếc còn lại đi chậm hơn, một số vĩnh viễn nằm lại rừng vì dính bom” - ông Thắng nói.

Ông chỉ tay vào một khe suối sâu ngay bên đường Hồ Chí Minh. Năm 1987, khi đang là lái xe cho Sở Thương nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, những lần qua lại cung A Dích, Atép, ông lờ mờ nhận ra đoạn đường mình đã đi năm xưa, rồi xác định chính xác vị trí một chiếc Zil ba cầu bị hỏng, được bộ đội lật xuống suối sâu để giấu, ngay đoạn này.

z5429824348870_14e7dffb2ec0a089c2c0b56802153c0f.jpg
Những dấu tích của đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn đoạn qua Quảng Nam vẫn còn được lưu giữ. Ảnh: C.N

“Năm đó tôi gọi người tìm cách trục vớt, tận dụng được một mớ linh kiện để sửa chữa cho xe Zil ba cầu. Ít lâu sau thì tôi nghỉ hưu, chế độ một lần là chính chiếc xe Zil ba cầu mà mình lái.

Tôi chạy chở hàng tuyến Đà Nẵng - A Dích, rồi dẫn vợ con lên lập nghiệp từ năm 1991. Ngược xuôi chở hàng, bán buôn, nơi này thành quê hương. Đất lành, vì tôi may mắn đến đích an toàn trong chiến tranh, và một lần nữa trở lại, sống được trên đất này” - ông kể.

Từ Tây Giang sang Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, có nhiều chứng nhân như ông - những người đã gửi lại thanh xuân cho con đường, cho cuộc trường chinh Nam tiến của dân tộc - đã ở lại với Trường Sơn, sau này.

“Cả đoàn khi ấy dài dằng dặc, hơn một trăm xe, cứ nhích từ trạm, chỉ một nỗi sợ là bom thôi. Mà lúc đó cũng có nghĩ ngợi gì đâu. Dính bom thì chết, không dính thì cứ thế mà đi. Đồng đội của tôi, cười đó rồi chết đó, cũng cứ đi. Sống chết nó bình thường lắm”...

Cựu binh Nguyễn Như Thắng

Máu và hoa

Đường Trường Sơn là tuyến đường của máu và hoa. Trên cung đường ấy, hàng chục nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam đã cùng đổ mồ hôi, xương máu để giữ con đường huyết mạch được liền lạc, bất chấp sự đánh phá ác liệt của máy bay địch.

3ltcs-1558227761-38.jpeg
Đường mòn Hồ Chí Minh bị đánh phá ác liệt trong chiến tranh. Ảnh tư liệu.

Ông Hồ Văn Điều - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ngồi trầm ngâm trong căn nhà nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Tuổi cao, ký ức cũng ít nhiều mất mát, nhưng ông vẫn nhớ chuyện cùng dân làng cõng gạo, gùi vũ khí, băng bộ qua rất nhiều cánh rừng.

“Thời đó, chúng tôi từ Khâm Đức đi xuống Thạnh Mỹ (Nam Giang) bảo vệ tuyến dẫn dầu chi viện cho chiến trường, hàng chục cây số mà đi hoài không mỏi. Ác liệt nhất là đoạn Thạnh Mỹ. Bom đạn, địch đi càn, nguy hiểm nhiều lắm nhưng bộ đội vẫn đi, dân vẫn đi, vì miền Nam, vì độc lập.

Làng người Bh’noong đều nằm cách xa đường Trường Sơn, nhưng sau mỗi trận đánh bom, bà con lại lũ lượt dao rựa, cuốc xẻng tu sửa, bảo vệ cho tuyến đường huyết mạch.

Ban ngày vẫn lên rẫy, vào rừng, nhưng khi có hiệu lệnh là hết làng này đến làng khác dồn sức xẻ núi, phát rừng. Đứt đoạn này, mở đoạn khác, cứ thế cho đến ngày độc lập” - ông Điều kể.

z5429841255151_f33ede891192ccfaebe8170aa04f8c5d.jpg
Đường Hồ Chí Minh mới được khởi công từ năm 2000, đoạn qua Quảng Nam dài hơn 200km. Ảnh: C.N

Những người Bh’noong đồng hành cùng ông Điều ngày ấy, nhiều người đã đi về miền mây trắng. Đi qua cuộc chiến, họ đã được sống những ngày hòa bình, đất nước thống nhất, đã cùng nhau đưa những bản làng Bh’noong về ngay bên đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Văn Điều nói, đất nước thống nhất, từ vùng cao, bà con lũ lượt chuyển về Khâm Đức, mới có hình hài thị trấn khang trang, đông đúc như bây giờ.

Con đường Hồ Chí Minh mới mở, người dân sống bám vào đường lớn mà làm ăn. Dân làm đường, sau này con đường đó lại giúp dân thoát nghèo, đỡ khổ. Ông Điều nói về con đường gắn với chiến tranh, với hòa bình của vùng đất, nói về cuộc “định cư” lớn của người Bh’noong bên con đường huyền thoại.

Rong ruổi đi qua con đường Hồ Chí Minh, lần lượt những cái tên cũ trôi qua trong hành trình: Khâm Đức, Thạnh Mỹ, Prao... Chúng tôi đến thôn Đang (Atép ngày trước), làng cuối cùng của Quảng Nam trên đường Hồ Chí Minh về phía tây bắc, giáp với huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Ngôi làng nhỏ còn nhiều chứng nhân “đặc biệt”, trong đó có ông Ta Rương Avôl, người từng hai lần dỡ nhà, dời đi nhường chỗ cho đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh.

z5430566798542_f7c30ef1dbd4654ec302c916076290a6.jpg
Ông Ta Rương Avôl, người từng hai lần dời nhà, hiến đất để làm đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh và cả con đường mới thi công sau năm 2000. Ảnh: C.N

Lịch sử Đảng bộ Tây Giang ghi nhận, giai đoạn tháng 7/1967 đến tháng 2/1968, quân và dân Tây Giang đã cùng với các huyện bạn tham gia mở 60km đường Trường Sơn từ A Lưới (Thừa Thiên Huế) về đến thôn Adhir (xã A Vương, Tây Giang, nay thuộc thị trấn Prao huyện Đông Giang).

Địch đánh phá ác liệt trên cung đường này, máy bay đánh bom ngày đêm. Trước chiến dịch Tết Mậu Thân, nhân dân Tây Giang cùng huyện A Lưới túc trực thông đường Trường Sơn, vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch.

Hơn 113.000 ngày công vận chuyển hàng hóa, hơn 12.000 ang lúa, nhiều sắn, bắp, trâu bò được đồng bào Cơ Tu trên địa bàn đóng góp phục vụ kháng chiến.

Năm 1967, Ta Rương Avôl khi đó là chàng thanh niên Cơ Tu 17 tuổi, đã có mặt trong đoàn phát tuyến, dọn đường. Cả làng dỡ nhà, dọn dẹp cây cối trong vườn, nhường chỗ cho đoàn xe đi qua.

Hơn 30 năm sau đó, Ta Rương Avôl một lần nữa hiến đất, hiến vườn, di dời nhà cửa và cũng trực tiếp tham gia làm đường. Ông nói, mình vinh dự vì được tham gia “làm đường Bác Hồ” hai lần, trở thành nhân chứng cho những đổi thay của ngôi làng nằm yên ả bên bờ A Vương, dọc cung đường Hồ Chí Minh.

z5430587500199_86ef1875a345a3154b9f857b4232b9b7.jpg
Những em bé sống bên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đông Giang. Ảnh: C.N

Đâu đó trong quãng đường hơn 200 cây số qua địa bàn Quảng Nam, có rất nhiều chứng nhân của cung đường huyền thoại. Mỗi người giữ lấy cho mình một mảnh ký ức riêng, để góp chung cho trang sử hào hùng suốt 16 năm tồn tại của đường Trường Sơn trong chiến tranh.

Họ đã ở lại, tiếp tục giữ lấy cho mình ký ức tươi mới về đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh của sau này, của những tháng ngày vùng Tây Quảng Nam vươn mình cùng khát vọng...

_________________

Bài cuối: Sứ mệnh trong thời kỳ mới

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cung đường huyền thoại - Bài 2: Ở lại với Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO