Xã hội

Cung đường huyền thoại - Kỳ 1: Dấu chân người mở đường

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 13/05/2024 08:00

Đã 65 năm, trong lòng bao thế hệ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày ấy luôn khắc khoải về cung đường huyền thoại. Bao lớp đồng đội đã về miền mây trắng Trường Sơn, người ở lại cũng ít nhiều quên nhớ, nhưng ký ức hào hùng vẫn sống, vẫn được nhắc mỗi dịp tháng 5 về...

z5429859758643_870308c3055ed25902d7f7c4b4fdce23.jpg
Ông Nguyễn Văn Bạch kể về sự ác liệt trên cung đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Ảnh: C.N

KỲ 1: DẤU CHÂN NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG

Tròn 65 năm trước, đường Hồ Chí Minh được khai mở, trở thành mắt xích quan trọng nối hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chia lửa với miền Nam ruột thịt, bằng con đường huyền thoại này, hậu phương miền Bắc góp sức chi viện cho tiền tuyến, giúp quân và dân Việt Nam đánh thắng kẻ thù…

Ký ức cựu binh

Đã 80 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Bạch - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 21, thuộc Sư đoàn 472, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn vẫn nhớ chính xác ngày ông nhập ngũ ở quê nhà Hà Nam: ngày 21/2/1965.

“Sau nhập ngũ, tôi được đưa vào làng Ho (tỉnh Quảng Bình) và bắt đầu hành quân vào Nam. Từ làng Ho, đơn vị chúng tôi đi bộ xuất phát ở trạm 1 và dừng chân tại trạm 56, đóng trên đất Lào.

Bình quân khoảng cách mỗi trạm là 15 cây số, với hành trang là súng đạn, cuốc xẻng với khoảng 40 cân. Về đến trạm 56, bộ đội thay 4 đôi giày. Giày vẹt gót, áo mòn vai, nhưng gót chân thì không mòn” - ông Bạch kể lại.

z5430576884291_88010da57dc03340b849b3ed518f32b5.jpg
Cung đường Hồ Chí Minh hiện tại. Ảnh: C.N

Nhưng băng đèo, lội suối không phải là thử thách quá lớn với ông Bạch và đồng đội. Từ trạm 56, bộ đội dựng lán trại tập kết, sau đó bắt đầu mở đường Trường Sơn để phục vụ cho những đoàn xe vận chuyển hàng hóa, đạn dược vào Nam, bắt đầu cuộc trường chinh Nam tiến của những “tuấn mã Trường Sơn”. Ác liệt bắt đầu từ đây. Bom chụp, pháo bầy, nhiều đoạn đường trở thành hiểm địa khi máy bay địch điên cuồng đánh phá.

“Công binh bắt đầu mở đường. Ban đầu chỉ nhỏ đủ để dân công, thanh niên xung phong đi bộ gùi hàng, hoặc xe đạp thồ chở. Dần dần, chúng tôi được lệnh mở rộng ra phục vụ xe GAZ 63, rồi đến Zil ba cầu, CTAZ Hồng Hà.

Tận dụng rừng già che chắn, đường được mở dưới những tán cây rậm rạp. Nhưng rồi được một thời gian, địch rải chất độc, tìm mọi cách rà dò, phát hiện để đánh phá.

Bom hỗn hợp, bom từ trường thi nhau trút xuống. Địch đánh ban ngày, chúng tôi làm ban đêm. Cứ sau mỗi trận bom, tổ trinh sát lại ra hiện trường kiểm tra khối lượng sạt lở, dò bom, tìm cách nghiên cứu phá bom từ trường, bom nổ chậm.

Tối đến, sau khi san lấp mặt đường, bộ đội công binh lại đứng chờ xe vận tải. Chúng tôi đứng đó làm cọc tiêu cho từng xe qua. Làm cọc tiêu sống, chúng tôi nắm lấy tay nhau, nói với từng lái xe hãy yên tâm mà lái. Lái xe và công binh lúc ấy như răng với môi, đoàn kết lắm” - ông Bạch nói.

Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Những cánh rừng Trường Sơn trụi lá vì chất độc hóa học. Ban đêm, máy bay thả pháo sáng, “sáng đến mức con kiến bò dưới đất cũng nhìn rõ” - ông Bạch kể.

Đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) là một tuyến hậu cần chiến lược chạy từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Tại Quảng Nam, tuyến đường đi qua nhiều huyện phía tây, có đoạn nằm trên địa phận nước bạn Lào. Đây là tuyến hậu cần chiến lược trọng yếu cung cấp binh lực và vật chất hậu cần, vũ khí trang bị để chi viện giải phóng miền Nam liên tục trong suốt 16 năm cho đến ngày thống nhất đất nước (1959 - 1975).

1265522-1558227368-78.jpeg
Đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

Một lần, B-52 của địch phát hiện tọa độ cung đường, thả bom. Dàn bom rơi xuống cách hầm của đơn vị chỉ hai mét. Một tiểu đội 9 người hy sinh do bom vùi.

Ông Bạch cùng đồng đội đã an táng cho những đồng chí ngã xuống, chỉ bằng một tấm tăng võng cuộn lại, ghi tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày hy sinh bỏ vào lọ thuốc penicillin chôn cùng. Một tháng sau đó, đơn vị dời đi nơi khác.

“Sau quá nhiều lần di chuyển, thời gian quá lâu, chúng tôi cũng chẳng thể nào nhận diện địa hình để tìm đồng đội. Đó là mất mát lớn, là nỗi niềm mà chúng tôi luôn canh cánh trong lòng” - ông Bạch xúc động kể.

Thanh xuân gửi lại

Năm 1973, từ Thạnh Mỹ, bà Riah Nhanh (SN1949) cùng đoàn dân công địa phương đi bộ sang khe Vi’r, thuộc thôn Atép (thôn Đang, xã Bha Lêê, Tây Giang bây giờ) để tham gia mở đường.

Dấu chân của tuổi đôi mươi in dọc một đoạn đường Trường Sơn. Bà Nhanh khi đó đang là du kích địa phương, Xã đội phó xã Ra Công (Nam Giang).

z5430605644531_1b5deff6dda417d903eeaa18f0a92030.jpg
Bà Riah Nhanh từng tham gia làm đường Hồ Chí Minh đoạn qua A Xoò, Atép. Ảnh: C.N

“Chuyến đi đó không lâu sau khi tôi chính thức vào Đảng. Hơn 30 người dân xã Ra Công cùng đi, cả nam và nữ. Tôi và chị Arất, người địa phương phụ trách đoàn. Chúng tôi đi bộ men theo đường rừng, tập kết tại Atép, rồi bắt đầu phát tuyến, đốn cây rừng, đào, cuốc đất.

Cả một tuyến dài khi đó chỉ có một chiếc xe ủi của bộ đội công binh, dùng để ủi những khu vực có đá to, gốc cây cổ thụ, còn lại đa số đều đào, chặt bằng tay.

Làm cả ngày cả đêm để nối tuyến vận chuyển xăng dầu, đạn dược cho chiến trường. Dọc đường đi, chỉ có những trạm giao liên, không có nhà dân, chỉ mỗi đoạn A Xoò, Atép có vài nóc nhà lưa thưa ở mép rừng” - bà Nhanh nhớ lại.

Trong số hơn 30 người của xã Ra Công đi cùng bà Nhanh, còn có người anh ruột của bà là anh Riah Nhia và cô em gái Riah Nhá, lúc đó tất cả đều rất trẻ, chưa có gia đình.

“Em gái Riah Nhá khi mở đường bị mảnh bom găm trúng đầu, thương lắm. Ngoài chúng tôi, còn có đông người dân, thanh niên xung phong của phía Đông Giang, Tây Giang chia thành nhiều tổ bám đường, cố gắng làm nhanh nhất có thể để xe đi lại thông suốt” - bà Nhanh nói.

hai-doan-21-canh-sat-bien-.jpg
Vợ chồng ông Alất là chứng nhân lịch sử của cung đường. Ảnh: C.N

Đâu đó trên khắp các bản làng dọc tuyến đường Trường Sơn năm xưa, có biết bao ký ức của nhiều người đã để lại năm tháng thanh xuân của mình trên cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Mỗi người mang trong mình hoài niệm về gian khó nhưng vẫn hăng say góp sức mở đường, gùi hàng, nuôi quân, nuôi niềm tin thống nhất đất nước.

Chúng tôi ngồi lại bên căn moong nhỏ ở thôn A Dinh (thị trấn P’rao, Đông Giang) với già Arâl Alất, người đoàn viên năm xưa đã góp mặt trong đội quân làm đường Trường Sơn đoạn qua xã Bha Lêê (Tây Giang) bây giờ.

Ông Alất kể, năm 1967, khi đang là Phó Bí thư Đoàn xã A Vương, ông cùng nhiều đoàn viên địa phương ngược lên phía Atép để mở đường Trường Sơn. Cuộc đi đó được ông Bríu Prăm - khi đó là Bí thư Huyện đoàn Tây Giang vận động.

441a7570.jpg
Ông Arâl Alất kể về ký ức đường Trường Sơn. Ảnh: C.N

“Cung đường từ Bốt Đỏ về A Nông có nhiều đoạn an toàn hơn, do đoàn viên địa phương phụ trách. Bộ đội đã nhận làm đoạn đường nguy hiểm nhất, địch đánh bom nhiều nhất là cánh từ A Nông trở vào phía nam. Sáu tháng bám trụ ở đó để mở đường, gần như ngày nào tôi cũng nghe tin có bộ đội hy sinh.

Thung lũng A Dinh bây giờ là lán trại của bộ đội, bà con từ núi cao lặn lội gùi lúa, gùi gạo, rau rừng đem xuống góp cho chính quyền để nuôi bộ đội.

Rất nhiều vụ mùa, cả làng tôi chỉ giữ lại đúng 100 ang lúa làm giống, thứ gì cũng ưu tiên cho bộ đội. Gian khổ lắm, nhưng không sợ hãi. Bản làng cùng góp sức đánh giặc, góp sức vì miền Nam” - ông Alất tâm sự.

Chỉ còn ông Alất và một cụ già đã 104 tuổi ở A Dinh, là hai người trong đoàn thanh niên mở đường của xã A Vương năm 1967 - 1968 còn sống. Trở về sau chuyến đi đó, ông Alất làm Xã đội phó, năm 1971 thì nhập ngũ, làm bộ đội địa phương, tham gia nhiều trận đánh. Chiến tranh vẫn ác liệt cho đến cận kề ngày giải phóng.

“Năm 1974, tại thôn A Dinh bây giờ, có 4 bộ đội hy sinh. Đó là trận càn cuối cùng của địch vào cánh miền núi Đông Giang, Tây Giang. Có nhiều máu đã đổ, nơi núi rừng này” - ông Alất bồi hồi.
-------------------
Bài 2: Ở lại với Trường Sơn

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cung đường huyền thoại - Kỳ 1: Dấu chân người mở đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO