Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng tại Quảng Nam vẫn giữ mức dưới 0,1% dân số. Ngành y tế Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm thực hiện các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS...
Nhiều nỗ lực
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) cho biết, kết quả hoạt động phòng chống HIV/AIDS năm 2019 tại Quảng Nam ghi nhận số người tử vong do HIV/AIDS giảm so với cùng kỳ.
“Thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Quảng Nam đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Chương trình can thiệp giảm hại đã đạt kết quả tốt như chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone đạt 121% (so với chỉ tiêu giao 400 bệnh nhân). Tỷ lệ bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đạt hơn 95%, công tác tư vấn và làm xét nghiệm đạt kế hoạch chỉ tiêu đề ra” - ông Kiệm nói.
Lễ phát động nhân Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS năm 2019 vừa diễn ra tại TP.Tam Kỳ mang chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS” với mục tiêu 90 - 90 - 90, tức là: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Hiện tại Quảng Nam có 2 cơ sở điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Tổng số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV là 356, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh có đến 342 người tham gia điều trị. Ngoài ra, các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại như chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tiếp tục triển khai mạnh mẽ. Số người tham gia điều trị bằng Methadone gia tăng nhanh chóng.
CDC Quảng Nam cho biết, hiện có 486 người nghiện chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị bằng Methadone. Cũng trong năm 2019, Phòng xét nghiệm HIV được củng cố và cấp phép hoạt động tại CDC Quảng Nam, đơn vị này đã tư vấn cho hơn 13,4 nghìn lượt người, tổ chức xét nghiệm cho hơn 11,5 nghìn lượt người và giám sát huyết thanh tại trại giam và trại tạm giam trên địa bàn tỉnh.
“Hàng năm chúng tôi phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai tháng dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hưởng ứng phát động Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác giáo dục, truyền thông phòng chống HIV/AIDS với nhiều hình thức” - ông Trần Văn Kiệm cho biết.
Kêu gọi cộng đồng chung tay
Dù số người nhiễm HIV/AIDS ở Quảng Nam năm 2019 vẫn ở mức tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,1% dân số. Tuy nhiên, so với cùng kỳ có phần tăng. HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan với một số thay đổi đáng lưu ý, từ gia tăng sự lây nhiễm HIV qua nhóm MSM (nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới) đến gia tăng người nhiễm vốn được coi là những trường hợp ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai, công nhân…
Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS, trong khi đó sự kiểm soát về nhóm MSM rất khó khăn vì địa bàn tỉnh giáp ranh với TP.Đà Nẵng - một trong những địa phương có tỷ lệ lây truyền HIV cao từ nhóm MSM. Bên cạnh đó, việc thay đổi cán bộ tuyến tỉnh cũng như ở tuyến cơ sở làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, do thiếu nguồn lực, các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh chưa làm được xét nghiệm CD4 (tế bào có chức năng chống lại các tác nhân gây bệnh cho cơ thể) và tải lượng HIV để phục vụ cho công tác theo dõi điều trị HIV/AIDS.
Khó khăn lớn nhất là kiến thức về phòng chống HIV/AIDS của cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, nhất là trong các nhóm người sử dụng ma túy, mua - bán dâm, di dân biến động... Chưa kể, khoảng 70% số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh nằm trong độ tuổi 20 - 40, chủ yếu nhiễm qua tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, để công tác phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả rất cần cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh chủ động vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng và cần sự nỗ lực của cả cộng đồng vì mục tiêu không có người nhiễm mới HIV; không có tử vong do AIDS và không kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS.