Hai thập kỷ xuyên suốt hoạt động tại miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế - FIDR (Nhật Bản) đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của cộng đồng.
Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Đà Nẵng (ngoài cùng bên trái) và các cộng sự ở FIDR đang chuẩn bị cho Tuần lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức này. Ảnh: Q.TUẤN |
Chung tấm lòng, mở tương lai
Cuối những năm 1990, đời sống người dân các tỉnh khu vực miền Trung vẫn còn nhiều khó khăn. Giai đoạn đó đã có nhiều tổ chức quốc tế tiếp cận, hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống nhưng hầu hết đặt văn phòng tại Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh. Việc FIDR quyết định đặt văn phòng hoạt động tại TP.Đà Nẵng vào năm 1998 là một bước ngoặt mở ra cơ hội cho người dân các tỉnh trong khu vực tiếp cận các chương trình cứu trợ, phát triển của tổ chức này. Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Đà Nẵng cho hay, từ năm 1991 FIDR đã có những hợp tác với chính quyền các địa phương tại miền Trung nhằm gây quỹ giúp đỡ người dân. Sự phối hợp này khá hiệu quả, người dân nhận được sự hỗ trợ thiết thực để góp phần cải thiện cuộc sống, nên năm 1998 FIDR quyết định đặt văn phòng tại TP.Đà Nẵng. Từ đó, tiến hành nhiều hơn, hiệu quả hơn chương trình giúp đỡ các địa phương trong khu vực, như Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Thừa Thiên Huế…
Tại Quảng Nam, đối tượng mà FIDR hướng đến hỗ trợ và đặt trọng tâm là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, FIDR đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện miền núi Quảng Nam nhất là ở lĩnh vực y tế - giáo dục với các công trình như: Trung tâm Y tế xã Cà Dy (Nam Giang), Trường Tiểu học xã Ba (Đông Giang), Trường Tiểu học xã Lăng (Tây Giang)… Trong các đợt thiên tai gây hậu quả nặng nề cho người dân Quảng Nam, FIDR luôn chủ động có mặt hỗ trợ ứng phó, cứu trợ khẩn cấp…
Không dừng lại ở việc cứu trợ khẩn cấp trong trường hợp đột xuất hay hỗ trợ xây dựng các công trình cải thiện dân sinh, FIDR cũng luôn tích cực đi sâu nghiên cứu thực tế tại các huyện miền núi Quảng Nam để đưa ra các chương trình phát triển cộng đồng nông thôn một cách bền vững. Có thể kể đến dự án phát triển cộng đồng các huyện Tây Giang, Nam Giang hay dự án du lịch dựa vào cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu (Nam Giang). Qua thời gian tiếp xúc, các chuyên gia của FIDR càng nhận ra gốc rễ của sự khó khăn, trở ngại của đồng bào vùng cao nhiều hơn. Một vấn đề chủ chốt trong số đó là an ninh lương thực, từ đó dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam” (dự án CAL-2) ra đời năm 2012 tại Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang sau đó mở rộng ra các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức của Quảng Nam và huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế vào năm 2015 đã tạo ra những khởi sắc nhất định trong canh tác nông nghiệp tại các vùng này.
Tiếp tục đồng hành
Với phương châm “Cho người dân, cùng người dân và bởi người dân”, những hoạt động trên chặng đường 20 năm qua của FIDR đã phản ánh đầy đủ các tiêu chí đối với người dân, địa phương thụ hưởng chương trình hỗ trợ của tổ chức này. Cụ thể, trong những năm đầu đến với người dân vùng cao, FIDR triển khai các chương trình cứu trợ, sau đó tổ chức đối thoại trực tiếp để không ai bị bỏ lại phía sau. Ở chặng đường tiếp theo, FIDR cùng nghĩ, cùng phát hiện và cùng hành động với cộng đồng dân cư địa phương để họ dần tự mình tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Và từ năm 2012 đến nay FIDR theo sát sự chủ động của người dân để họ tự làm việc và đón nhận các thành quả. “Chỉ có tiến trình hoạt động như vậy mới đem lại sự phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương. Trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ, FIDR luôn tích cực lắng nghe, tiếp thu các ý tưởng của người dân bản địa sau đó tương tác, điều chỉnh để người dân hưởng lợi một cách tối ưu” - bà Nobuko Otsuki nói.
Chia sẻ về tình cảm, ấn tượng đối với người dân khi FIDR tiếp cận tổ chức các chương trình cứu trợ, phát triển, bà Nobuko Otsuki cho biết, rất cảm mến đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao Quảng Nam. Bà kể, vào năm 2001 khi cùng các chuyên gia tổ chức tư vấn, hướng dẫn phụ nữ làng thổ cẩm Zara (Nam Giang), dù bất đồng ngôn ngữ và hầu như đôi bên phải trao đổi qua ngôn ngữ cơ thể nhưng bà cảm nhận được sự cầu thị và khát khao học hỏi của người dân địa phương.
Hiện nay, FIDR vẫn đang tích cực triển khai các dự án dài hơi tại Quảng Nam như CAL-2, dự án phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng tại Nam Giang. Mục tiêu của FIDR không chỉ dừng ở việc hỗ trợ người dân, mà hướng đến hình thành mối liên kết mạnh mẽ nhằm tạo ra thương hiệu cho địa phương. Để ở đó, các sản phẩm nông nghiệp của người dân không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho gia đình mà có thể đem lại giá trị kinh tế, hay việc người dân địa phương có thể tự điều hành tour du lịch của mình từ những giá trị văn hóa, cảnh quan bản địa.
QUỐC TUẤN