Tác phẩm, tác giả

Cùng Lê Trâm “Theo dấu văn nhân”

BẢO ANH 14/04/2024 08:17

“Theo dấu văn nhân” - một tập sách có thể gọi là tiểu luận, phê bình chân dung, vừa được nhà văn Lê Trâm trình làng.

phanchin-letram.jpg
Bìa tập sách “Theo dấu văn nhân” của Lê Trâm. Ảnh: B.A

Đây cũng là tập sách thứ 10 của anh, sau tập truyện dài thiếu nhi, 5 tập truyện ngắn, một tập tiểu thuyết và 2 tập tản văn. Tập sách gồm 2 phần; trong đó phần “Dấu ấn đất Quảng” gồm 12 bài viết về một số tác giả, tác phẩm văn chương xứ Quảng; phần “Theo dấu văn nhân” gồm 17 bài viết về một số tác phẩm, tác giả ngoài Quảng và những trải nghiệm văn chương của anh.

Sự tách bạch này vừa tạo ra tính khu biệt nhất định, vừa giúp người đọc dễ dàng có những đối sánh trong quá trình tiếp nhận.

Không xác định thể loại, nhưng khi đọc “Theo dấu văn nhân”, có thể nhận ra đây là một dạng sách tiểu luận, phê bình chân dung.
Ở đó, Lê Trâm cẩn trọng lần theo “dấu chân” của các văn nhân tiền bối và của những văn nhân cùng thời với mình, thông qua các cuộc chuyện trò, hay tác giả giới thiệu, cảm nhận về tác phẩm cụ thể của mỗi người. Thậm chí, hình dung “văn nhân” qua các câu chuyện kể liên quan đến đời thường, đời văn của họ.

Đặc biệt, Lê Trâm tỏ ra tinh tế, tinh ý, tinh tường khi nhận ra được đâu là dấu ấn, đâu là nét khu biệt ở mỗi văn nhân.

Với nhà văn Nguyễn Văn Xuân, cái mà anh chọn để “theo dấu” chính là những “dấu ấn đất Quảng” hết sức đặc sắc, không lẫn vào đâu được của nhà văn, nhà Quảng Nam học này.

Với Nguyễn Ngọc Tư, anh chia sẻ cảm hứng đọc và niềm tin về “sự cộng hưởng trong cảm nhận của người đọc” về tác phẩm của nhà văn “rặt Nam Bộ” này thông qua tập truyện ngắn “Khói trời lộng lẫy”.

Với Nguyễn Một - người đã xuất bản gần 20 đầu sách, anh chọn tập “Truyện ngắn Nguyễn Một” và tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” làm “điểm nhìn”. Từ đây, nhận diện rõ hơn vóc dáng, tâm hồn, những món nợ ký ức dai dẳng và “mê lộ trong hành trình văn chương” của nhà văn quê gốc Duy Xuyên này.

Một điều khá thú vị là, hầu hết bài viết trong tập tiểu luận, phê bình “Theo dấu văn nhân” được Lê Trâm viết bằng giọng văn tự sự, nhẹ nhàng, tinh tế, gần với tản văn, khá giàu cảm xúc.

Những nhận định, đánh giá trong tập sách cũng không nặng về học thuật kinh điển, ít phụ thuộc, câu nệ bởi lý thuyết phê bình mà thiên về chia sẻ, cảm nhận...

Viết về tiểu thuyết “Mạch nước trong” của nhà văn Vĩnh Quyền, tác giả Lê Trâm nương theo kết cấu, nội dung câu chuyện và hành trạng nhân vật rồi “gút” lại chỉ trong một câu: “Cùng với một lượng lớn thơ văn và các loại trước tác của nhiều danh sĩ được đưa vào một cách khéo léo, Vĩnh Quyền đã tạo nên bề sâu đáng kể cho một tiểu thuyết lịch sử có dung lượng vừa phải như “Mạch nước trong”. Có thể nói, đây là một thao tác phê bình có tính “gợi ý” hơn là “phán xét”.

Hay khi nhìn nhận về Phạm Nguyên Tường - một người cháu ngoại của quê hương Tam Kỳ, anh viết: “...các sáng tác của Phạm Nguyên Tường có một bề sâu khá đặc biệt, nó luôn kéo dài từ thực tại lui về quá khứ, hướng về tương lai, từ cái hiện tồn kéo dài qua cái chết và kể cả những ám ảnh tận sau cái chết”.

Với tập truyện ngắn “Gạt nước mắt đi” của Võ Diệu Thanh, sau những sẻ chia về một số câu chuyện, số phận trong sách, anh kết lại bằng một câu khá lấp lửng nhưng đủ để người ta tò mò: “Đọc truyện Võ Diệu Thanh dễ có cảm giác ngậm ngùi, không tin bạn cứ thử đi”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cùng Lê Trâm “Theo dấu văn nhân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO