Các chức danh “cứng” ở cấp thôn gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận thôn sẽ cùng hưởng mức phụ cấp 1,66 hoặc 1,0. Đó là một trong những nội dung được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 15 diễn ra hôm qua 21.4.
Hưởng cùng mức phụ cấp
Trong báo cáo thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá, dự thảo đề án được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để xem xét, ban hành quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố (gọi chung là thôn); mức bồi dưỡng đối với người tham gia công việc ở thôn trên địa bàn tỉnh là cần thiết, nhằm cụ thể hóa các quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP và các nghị định liên quan của Chính phủ. Quá trình xây dựng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các ngành, địa phương, đại biểu HĐND tỉnh và cả với một số trường hợp trong diện chịu sự điều chỉnh.
Theo UBND tỉnh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn có không quá 3 trường hợp được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: bí thư chi bộ, trưởng thôn và trưởng ban công tác Mặt trận. Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận hoặc trưởng thôn đối với những nơi có điều kiện và được hưởng 50% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.
Theo phương án do UBND tỉnh trình, thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo, mức khoán quỹ phụ cấp bằng hệ số 5,0 thì 3 chức danh trên cùng hưởng mức phụ cấp 1,66. Tương tự, các chức danh trên cùng hưởng mức phụ cấp 1,0 đối với các thôn còn lại, có mức khoán quỹ phụ cấp bằng hệ số 3,0. Tổng kinh phí chi trả phụ cấp/năm theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP là 87 tỷ đồng.
Về mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách ở thôn, ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nội vụ nói, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn mà giảm được một người trong số lượng quy định thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm.
Ông Trần Anh Tuấn cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định bố trí ngân sách tỉnh để chi phụ cấp, bồi dưỡng đối với người tham gia hoạt động ở thôn (ngoài 3 chức danh “cứng” nêu trên). Theo tính toán, tổng kinh phí chi phụ cấp, bảo hiểm y tế cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bồi dưỡng người tham gia công việc ở thôn hằng năm hơn 141 tỷ đồng.
Cần nâng mức phụ cấp đối với cấp xã
Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ thống nhất cao việc cần có nghị quyết quy định về mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn; mức bồi dưỡng cho người tham gia công việc ở thôn. Bởi lẽ, Nghị định 34 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 6.2019; cùng với đó, đông đảo người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tham gia công việc ở thôn đều rất quan tâm.
Thống nhất với dự thảo đề án do UBND tỉnh trình, song đại biểu Lê Tấn Trung - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn còn băn khoăn khi cho rằng quy định của Nghị định 34 có sự bất cập khi so sánh trong cùng địa bàn, có cùng điều kiện, hoàn cảnh. Theo đó, đề nghị tỉnh có kiến nghị lên Chính phủ theo hướng tăng mức phụ cấp cho cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Ngoài ra, đại biểu Lê Tấn Trung đề nghị HĐND tỉnh xem xét, bổ sung Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh theo hướng điều chỉnh tăng mức phụ cấp cho cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. “Những người tham gia công việc ở thôn thì chỉ bồi dưỡng, không khoán quỹ phụ cấp. Tôi thống nhất cao với phương án bồi dưỡng theo thời gian và mức độ tham gia công việc. Tuy nhiên, trước đây tỉnh đã có mức hỗ trợ 0,3 mức lương cơ bản đối với chi hội trưởng nông dân, chi hội trưởng phụ nữ, bí thư chi đoàn thôn; do vậy, nên nâng mức bồi dưỡng cho các chức danh này từ 300 nghìn đồng/tháng theo quy định của dự thảo đề án lên 400 nghìn đồng/tháng. Còn chức danh chi hội trưởng cựu chiến binh, người cao tuổi thì bồi dưỡng mức 300 nghìn đồng/tháng”.
Cùng ý kiến, đại biểu Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, HĐND tỉnh nên xem xét, quy định mức bồi dưỡng cho người tham gia công việc ở thôn là 0,3 mức lương cơ sở như trước đây.
Báo cáo thẩm tra đề án, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Thị Minh Nguyệt cho biết, theo Nghị quyết 12 ngày 3.10.2019 của HĐND tỉnh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách xã là 1,45 và áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh, không phân biệt theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm phần hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh và kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) khá thấp so với mức phụ cấp 1,66 của người hoạt động không chuyên trách ở thôn (đối với thôn được khoán quỹ phụ cấp 5,0).
“Do vậy, sau khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khảo sát, đánh giá tác động của chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh nâng mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã phù hợp, tạo sự đồng bộ về chế độ, chính sách khi áp dụng trên cùng một địa bàn” - bà Nguyệt kiến nghị.