Lắng nghe tâm tư, ý nguyện của các hộ nghèo, các ngành chức năng của TP.Tam Kỳ đã tạo điều kiện cùng họ vượt khó bằng nhiều giải pháp.
Câu chuyện của anh Huỳnh Văn Sỹ (32 tuổi), ở thôn Kim Đới, xã Tam Thăng vừa được chia sẻ tại Hội nghị Đối thoại chính sách giảm nghèo mới đây là một ví dụ điển hình. Trước đây, anh Sỹ khỏe mạnh, làm thợ hồ, có vợ và 2 con với cuộc sống tạm ổn. Năm 2013, tai họa bất ngờ, anh Sỹ bị tai biến, chạy chữa bệnh cho anh nên gia đình lâm vào túng quẫn. May vẫn có thể đi lại được, hàng ngày anh Sỹ đạp xe nhận vé số về bán. Vợ con lại đau ốm liên miên, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân may ít ỏi của vợ.
Hôm chúng tôi đến nhà, anh Sỹ nghỉ bán vé số 4 ngày, di chứng của trận tai biến khiến tứ chi anh teo tóp, run lẩy bẩy. Vừa lần giở xấp hồ sơ, biên lai khám chữa bệnh của cả nhà, anh Huỳnh Văn Sỹ giãi bày: “Bán vé số là cách để tôi vừa tập hồi phục vừa phụ giúp vợ phần nào chi phí sinh hoạt. Nhưng rong ruổi từ sáng sớm đến hơn 4 giờ chiều mà thu nhập chỉ tầm 30 - 40 nghìn đồng. Có hôm đang bán thì lên cơn đau đột ngột ngất lịm đi. Giờ chỉ mong sao bệnh thuyên giảm để có thể tự làm nuôi thân thôi...”.
Anh Sỹ và con bò Hội Chữ thập đỏ TP.Tam Kỳ tặng để anh thoát nghèo. Ảnh: H.B |
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Sỹ, mới đây, Phòng LĐ-TB&XH thành phố và mặt trận, đoàn thể xã Tam Thăng đã vận động Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Quảng Nam hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng nhà tình thương. Đồng thời Hội Chữ thập đỏ thành phố cũng đã trao tặng bò trị giá 13 triệu đồng làm phương tiện sinh kế cho gia đình vươn lên thoát nghèo trong năm 2015. Hiện các tổ chức đoàn thể đang tiếp tục vận động kinh phí để hỗ trợ 1 xe máy 3 bánh cho anh Sỹ làm phương tiện bán vé số.
Còn đối với hộ chị Phan Thị Tuyết Nga, ở khối phố Bàn Thạch, phường Hòa Hương, là hộ nghèo suốt 8 năm. Gia đình 3 thế hệ 7 người sống trong căn nhà chừng 22m2. Nhưng nhờ ý chí quyết tâm của gia đình và sự hỗ trợ của các chính sách giảm nghèo đã giúp chị thoát nghèo thành công năm 2014. Chị Phan Thị Tuyết Nga chia sẻ: “Nhiều năm nằm trong diện hộ nghèo, gia đình tôi luôn nhận được quan tâm, động viên của các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tiền sửa chữa nhà ở, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, hỗ trợ chi phí học tập cho con em. Đó chính là động lực để gia đình vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2014, khi các con lần lượt ra trường, tôi đã tự nguyện đăng ký thoát nghèo để nhường “chế độ ưu đãi” lại cho trường hợp khó khăn hơn mình”.
Bà Nguyễn Thị Bộ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết, từ năm 2011 đến nay, Tam Kỳ đã cấp 16.104 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, 22.774 thẻ bảo hiểm cho hộ cận nghèo với số tiền gần 30 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 538 nhà ở cho hộ nghèo với số tiền hơn 17 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động, dư nợ cho vay vốn giải quyết việc làm từ các nguồn hơn 31,3 tỷ đồng. Những giải pháp đồng bộ đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 còn 589 hộ nghèo (tỷ lệ 2,02%) và 1.253 hộ cận nghèo (tỷ lệ 4,31%). “Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, chúng tôi chú trọng công tác tuyên truyền, giúp đỡ để hộ nghèo ý thức được vai trò “tự lực cánh sinh” trong quá trình giảm nghèo. Mục tiêu của thành phố Tam Kỳ là phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ không còn hộ nghèo” - bà Bộ nói.
HOÀNG BIN - QUANG SƠN