Cùng nhà nông bàn chuyện làm nông

THÀNH CÔNG 07/01/2022 06:03

Nông dân vui vì tâm tư, thắc mắc của mình được giải đáp ngay. Chính quyền hài lòng khi chính sách được phản biện, gửi gắm nhiều khát vọng. Đó là tín hiệu tích cực từ cuộc đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ thể OCOP vừa được tổ chức.

Sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ quảng bá, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp đỡ nông dân. TRONG ẢNH: Nhiều mặt hàng OCOP được giới thiệu tại TECHFEST Quảng Nam 2021. Ảnh: T.C
Sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ quảng bá, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp đỡ nông dân. TRONG ẢNH: Nhiều mặt hàng OCOP được giới thiệu tại TECHFEST Quảng Nam 2021. Ảnh: T.C

Tâm tư của nhà nông

Nói thẳng, nói thật, nói ngay vào mối quan tâm của chính mình, nhiều nông dân bày tỏ tâm tư trước tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm không đủ cung ứng thị trường và các chiêu trò của thương lái tác động xấu đến việc sản xuất lẫn thương hiệu sản phẩm của nhà nông.

Ông Nguyễn Đức Dũng (xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành) chia sẻ, sản phẩm nếp bầu Tam Mỹ của địa phương có tiếng từ lâu, nay lại được dán nhãn OCOP, tạo thêm nhiều động lực cho người dân. Nhưng với diện tích sản xuất lẫn năng lực đầu tư hiện có, tính chung sản lượng chỉ được vài chục tấn mỗi năm, không bền vững, không đủ đáp ứng nhu cầu lâu dài.

“Lâu nay, bà con chỉ mới tính chuyện làm ăn nhỏ lẻ, bán cho tư thương, người nhiều nhất cũng chỉ vài sào tới một mẫu ruộng, không thể gọi là làm ăn lớn, làm ăn bài bản được. Rất mong có sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất tập trung, tạo động lực cho nhà nông” - ông Dũng nói.

Cũng liên quan đến chính sách hỗ trợ, bà Hồ Thị Mười (ở huyện Nam Trà My) cho rằng, nông dân rất cần hỗ trợ trong việc tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt với người dân miền núi, khả năng tiếp cận các kênh bán hàng trực tuyến còn thấp, việc giới thiệu sản phẩm chỉ thu hẹp ở phạm vi xã, huyện, nên rất khó để kích cầu thương mại.

“Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ điểm bán hàng OCOP, sản phẩm nông nghiệp sạch tập trung trên địa bàn, để bà con có thể mang sản phẩm về nơi đó, vừa trưng bày, bán cho khách có nhu cầu, vừa tạo được một nơi để giới thiệu sản phẩm từ địa phương” - bà Mười đề xuất.

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ, vấn đề sản xuất manh mún, thiếu tập trung đang là thực trạng chung trên địa bàn tỉnh. Do đó, về góc độ quy hoạch, phải bám sát quy hoạch chung, đề nghị các địa phương sớm bổ sung quy hoạch vùng sản xuất để từng bước gỡ khó cho nông dân, hướng đến việc cải thiện sản lượng, nâng cao chất lượng.

“Những kiến nghị của bà con là hoàn toàn xác đúng, Sở NN&PTNT cũng như các ban ngành liên quan, địa phương đang có những hoạch định, tham mưu UBND tỉnh để tháo gỡ từng bước, hỗ trợ bà con quảng bá, giới thiệu sản phẩm” - ông Út cho hay.

Dám nghĩ lớn, nghĩ khác

Bà Lê Thị Thanh Nga, chủ thể sản phẩm gạo tím than “Lò gạch cũ” (Duy Xuyên) nói, làm nông nghiệp thuần túy luôn gặp khó khăn ở đầu ra, phụ thuộc vào thương lái. Do đó, nông dân cần sự định hướng để gắn kết nông nghiệp và du lịch.

“Đây là cơ hội lớn, cần chính sách mở để nông dân vừa làm nông nghiệp, vừa làm nơi để giới thiệu nông sản, kết hợp với dịch vụ du lịch. Khi hiện thực hóa được khả năng phát triển du lịch tại chính nơi sản xuất nông nghiệp, giá trị sản phẩm của nhà nông sẽ ở một tầm cao khác, một đẳng cấp khác. Nhưng việc này cần có sự tư vấn, hỗ trợ, có chính sách khuyến khích phù hợp” - bà Nga chia sẻ.

Nhiều mặt hàng OCOP được giới thiệu tại TECHFEST Quảng Nam 2021. Ảnh: T.C
Nhiều mặt hàng OCOP được giới thiệu tại TECHFEST Quảng Nam 2021. Ảnh: T.C

Tương tự, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn được kích cầu tiêu thụ hàng hóa để sản phẩm của nông nghiệp Quảng Nam vươn ra thị trường xa hơn, thậm chí tính đến chuyện xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, những ý kiến của nông dân là kênh tham vấn cực kỳ hữu ích cho UBND tỉnh, các cấp ngành trong việc tính toán cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững. Nông dân dám nghĩ lớn, nghĩ khác, cho thấy khát vọng của nhà nông, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh sẽ giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các trung tâm nông nghiệp cấp huyện để có thể hình thành nơi sơ chế, bảo quản miễn phí sản phẩm nông nghiệp cho nhà nông, đồng thời là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, nhất là ở các huyện miền núi.

Ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, người làm nông cũng cần mạnh dạn thay đổi, phải tự xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, thích nghi với những cách làm mới hiện nay. Quảng Nam có rất nhiều nghị quyết hỗ trợ cho nông nghiệp. Định hướng của tỉnh là hợp tác với nhiều tập đoàn lớn chuyên về nông nghiệp, có nguồn lực đầu tư lớn, sẽ là động lực quan trọng cho phát triển nông nghiệp tương lai.

“Những buổi đối thoại như thế này sẽ tiếp tục được duy trì, để vừa lắng nghe, vừa lan tỏa, kịp thời tháo gỡ cái khó, cái vướng, đồng thời cùng làm, cùng giải quyết những nhu cầu, mong mỏi của bà con nông dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cùng nhà nông bàn chuyện làm nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO