Sau một năm tiến hành thực hiện đề án thu gom rác thải, công tác vệ sinh môi trường ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đã cải thiện đáng kể, đường thôn, ngõ xóm trở nên thoáng đãng, sạch đẹp.
Hội viên phụ nữ xã Tam Thăng tham gia dọn vệ sinh tại Di tích lịch sử địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: QUANG SƠN |
Xã hội hóa
Toàn xã Tam Thăng hiện có 1.979 hộ với 6.861 nhân khẩu. Ngoài sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gần đây các hoạt động buôn bán, dịch vụ trên địa bàn khá phát triển kéo theo lượng rác thải ngày một tăng. Uớc tính bình quân lượng rác thải trên toàn xã mỗi ngày vào khoảng 2,7 tấn. Những năm trước đây, do địa phương chưa tổ chức được việc thu gom rác thải, chưa có nơi tập kết rác, cộng với ý thức của người dân về môi trường hạn chế nên rác thải vứt bừa bãi trong khu dân cư, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và gây mất mỹ quan thôn, xóm. Trước thực trạng đó, năm 2013 UBND xã Tam Thăng xây dựng và triển khai đề án thu gom rác thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn góp phần xây dựng nông thôn mới. Để cụ thể hóa mục tiêu đề án, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, đầu tư thiết bị, nhân lực nhằm quản lý, thu gom, phân loại, xử lý triệt để chất thải sinh hoạt ở vùng nông thôn. Trong đó, chủ trương xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải dựa vào cộng đồng là chủ yếu. Mục tiêu của mô hình này là đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nâng cao ý thức của người dân trong thu gom, phân loại rác thải.
Hội LHPN xã là đơn vị chủ công trong việc thực hiện công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Hội đã thành lập đội thu gom rác thải gồm 11 thành viên hoạt động trên địa bàn 9 thôn và tại khu vực chợ Kim Thành. Theo kế hoạch, định kỳ 3 ngày một lần, đội có trách nhiệm thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, sản xuất trong thôn tập kết đến địa điểm đã định để xe của Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom. Để duy trì hoạt động của đội thu gom rác, mỗi hộ đóng góp 5 nghìn đồng/tháng. Bà Phan Thị Thu Trang - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thăng cho biết: “Ngoài việc thành lập đội thu gom rác thải, chúng tôi còn triển khai các lớp tập huấn lồng ghép với việc xây dựng câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại các chi hội. Đồng thời phối hợp với đoàn thanh niên tiến hành ra quân dọn vệ sinh vào ngày Chủ nhật tại các tuyến đường liên thôn, xã đặc biệt là các ngả đường vào khu di tích địa đạo Kỳ Anh. Nhờ vậy mà ý thức của các chị em hội viên ngày càng được nâng lên rõ rệt”.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền của địa phương, ý thức của người dân trên địa bàn xã Tam Thăng về giữ gìn môi trường sống đã được nâng lên đáng kể. Giờ đây người dân đã biết thu gom rác và bỏ đúng nơi quy định, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước.
Theo ông Lê Đình Nho - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, hiện nay toàn bộ rác thải trên địa bàn xã do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Quảng Nam đảm nhận thu gom trên các tuyến đường chính của xã như ĐT615, trục chính từ thôn Mỹ Cang đi Thạch Tân, Thái Nam đến xã Bình Nam huyện Thăng Bình; tuyến bê tông Vĩnh Bình - Thái Nam; tuyến Kim Đới đi Bình Nam; tuyến Kim Thành đi thôn Quý Thượng, thôn Ngọc Mỹ xã Tam Phú... Riêng 2 thôn Xuân Quý và Tân Thái do điều kiện đường sá nên nhân dân các khu vực này tự tổ chức thu gom và tập kết tại đường ĐT 615 để công ty thu gom. Đến nay, toàn xã đã lắp đặt được gần 80 thùng rác các loại, 70 bể đựng rác thải nông nghiệp, 3 xe đẩy chuyên dụng và các loại dụng cụ chuyên dụng với số tiền đầu tư gần 200 triệu đồng. “Là xã điểm của TP.Tam Kỳ trong xây dựng nông thôn mới nên đề án thu gom rác thải có ý nghĩa rất thiết thực trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở Tam Thăng. Để đề án này phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới địa phương rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp cũng như tích cực tham gia công tác giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn” - ông Nho nói.
Từ công tác thu gom, xử lý rác thải ở Tam Thăng đã cho thấy sự chung tay của chính quyền và người dân vùng nông thôn trong xử lý, thu gom rác hướng đến xây dựng nếp sống sạch đẹp, văn minh. Điều quan trọng là từ những việc làm thiết thực này đã góp phần thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.
QUANG SƠN