Một cuộc quy tụ tác phẩm của nghệ thuật sắp đặt từ các nguyên vật liệu tái chế, bắt đầu từ 22 - 24/12 tại Hội An, mang đến nhiều thông điệp về ý niệm sống xanh, du lịch có trách nhiệm...
Festival “Nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An 2022” là hoạt động được tổ chức để kêu gọi mọi người cùng chung tay giảm và tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường biển cũng như phát triển du lịch bền vững.
Sự kiện được tổ chức tại Làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, TP.Hội An), nằm trong Tuần du lịch xanh Quảng Nam 2022 - một trong những sự kiện chính của Năm du lịch quốc gia 2022: Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh.
“Chúng ta hãy cùng nhau sống xanh hơn và du lịch có trách nhiệm hơn” là một trong những thông điệp được đưa ra tại festival “Nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An 2022” cũng như Tuần du lịch xanh Quảng Nam 2022.
Bảo vệ môi trường biển
Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Santa Sea Villa và cũng là một trong những thành viên sáng lập Cộng đồng du lịch Làng chài Tân Thành cho biết, mục tiêu của sự kiện nhằm gắn kết doanh nghiệp du lịch, cộng đồng cùng khách du lịch, trong đó có cộng đồng người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Hội An, để cùng bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Các hoạt động chính trong festival gồm triển lãm nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn nghệ thuật đường phố, chợ phiên du lịch Tân Thành, ẩm thực địa phương và quốc tế cũng như tổ chức để cộng đồng doanh nghiệp ký cam kết bảo vệ môi trường biển, gom rác thải tại biển Tân Thành…
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhìn nhận, tại những thành phố du lịch như Hội An, quá trình phát triển du lịch đã gặp phải nhiều thách thức trong việc hạn chế những tác động đến môi trường để làm du lịch bền vững. Du lịch xanh là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và tỉnh Quảng Nam đang làm rất tốt vai trò tiên phong, truyền cảm hứng về một hình mẫu du lịch xanh tại Việt Nam.
Thông điệp xuyên suốt trong thời gian diễn ra sự kiện là giảm rác thải nhựa; tái chế, tái sử dụng phế thải để bảo vệ môi trường biển; khuyến khích tính sáng tạo trong cộng đồng du lịch địa phương nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững trên cơ sở gìn giữ và phát huy những giá trị bản địa. Đây cũng là tiền đề để Hội An sớm thực hiện mong muốn được tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh thêm thông điệp bảo vệ con cá mó/cá vẹt. Đây là loài động vật đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn rạn san hô tại Cù Lao Chàm.
Sau sự kiện này, mọi người sẽ cùng nhau bảo vệ loài cá này, giúp khôi phục rạn san hô, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường. Mỗi doanh nghiệp phát huy tinh thần sáng tạo để thiết kế lại sản phẩm, chuyển đổi các dịch vụ du lịch mang tính bền vững và độc đáo hơn” - ông Lê Quốc Việt nói.
Thông điệp từ nghệ thuật
Festival “Nghệ thuật sắp đặt môi trường biển Hội An 2022” triển lãm 20 tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc, nghệ nhân, các trường học quốc tế và tổ chức, doanh nghiệp tại Hội An tham gia.
Tất cả tác phẩm sử dụng chất liệu tái chế từ rác thải như sắt thép, vải vụn, các vật liệu nhựa, ny lon đã qua sử dụng. Qua các tác phẩm, người xem phần nào hiểu thêm về quá trình thực hành một trào lưu nghệ thuật đang là xu hướng của thế giới.
Họa sĩ Trương Bách Tường mang đến triển lãm lần này tác phẩm “Thế giới biển thế kỷ 22” với chất liệu từ chai nhựa. Cùng nhóm tác phẩm sắp đặt ngoài trời này còn có các tác phẩm “Sứa nhựa” họa sĩ Hồ Đăng Chính, “Mắc kẹt” họa sĩ Hà Tiên, “Đi về đâu” của họa sĩ Nguyễn Dũng, “Hồi sinh” họa sĩ Trương Bách Bảo...
Ngoài ra, các nghệ sĩ điêu khắc cũng mang đến nhiều tác phẩm công phu như “Cá OPB” của họa sĩ Phan Minh Tiến, “Thoi thóp” của nhà điêu khắc Lê Văn Hợi, “Rùa biển” của họa sĩ Trầm Thị Trạch Oanh, “Cá thở” của họa sĩ Đoàn Minh Thuần, “Cá mó” của tập thể HTX Làng chài Tân Thành…
Họa sĩ Trương Bách Tường cho biết, lần này, các tác giả sử dụng những loại vật dụng nhựa dùng một lần, chai lọ, sắt phế liệu, lưới cá, gỗ phế thải, kết hợp cùng nhiều loại vật liệu khác với những tác phẩm có kích thước tương đối lớn, có thể đứng độc lập ở triển lãm ngoài trời.
Các tác phẩm này gợi lên cảnh báo về hiểm họa đanh rình rập bên ngoài môi trường. Đồng thời nêu bật giá trị của rác thải nếu được tái tạo đúng phương pháp, gây được ấn tượng hấp dẫn đối với công chúng thưởng ngoạn.
Cùng với sự nóng lên của vấn đề môi trường, các nghệ sĩ Việt đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới vật liệu tái chế và thường sử dụng chúng trong các tác phẩm sắp đặt.
Cũng như vậy, sử dụng vật liệu tái chế đã trở nên quen thuộc với không chỉ giới nghệ sĩ mà còn cả công chúng thưởng lãm. Thức tỉnh con người các vấn đề về môi trường, mang đến thông điệp xanh từ câu chuyện hồi sinh những vật dụng bỏ đi... là đích cuối cùng của hoạt động này.