Cúng rằm tháng Tám

TÔN THẤT HƯỚNG 29/09/2023 09:48

(VHQN) - Những năm 1980, khi đến khảo sát văn hóa làng ở Điện Bàn, chúng tôi nghe các cụ cao tuổi trong vùng Ngũ Giáp nói câu thành ngữ “Lệ làng trong năm không bằng cúng rằm tháng Tám”. Sau tìm hiểu thêm, mới biết đây là một trong những tục lệ độc đáo của cư dân ở vùng đất phủ Điện Bàn xưa, nơi có nền sản xuất nông nghiệp trù phú.

Cúng đình làng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Cúng đình làng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Từ mỹ tục về sự no ấm và hạnh phúc

Nhiều cụ cao tuổi nói rằng, tục cúng rằm tháng Tám âm lịch, Tết Trung thu không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích, nhưng cũng không hẳn làng nào cũng cúng, mà chỉ có một số làng xã có đình làng lớn, tộc họ đông đúc thì các bậc trưởng lão mới duy trì lễ tục này theo kiểu “xưa bày nay bắt chước”.

Liên quan đến tục cúng đình làng rằm tháng Tám, theo học giả Phillip Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) khi nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung thu đã chỉ ra rằng từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi mặt trăng và mặt trời như đôi vợ chồng, dân gian quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời một lần mỗi tháng vào cuối tuần trăng.

Ngày xưa, sau lễ cúng rằm tháng Tám, các cụ cao niên trong làng có kinh nghiệm về tri thức bản địa dân gian, thì họ nhìn trăng để tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Theo cụ Thân Phước (95 tuổi ở làng Bất Nhị, Điện Bàn) thì trước đây, các cụ cho rằng nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị...

Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại chuyển sang một chu kỳ mới.

Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng, cũng như biểu tượng của sự no ấm, sung túc, với ý nghĩa như vậy, mùa thu cũng là mùa kết hôn của những đôi vợ chồng. Người Việt vốn làm nông nghiệp, nên nhân lúc tháng Tám đã thu hoạch xong vụ gieo trồng hè - thu, lúc này, thời tiết dịu đi, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung thu.

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là tết đoàn viên.

Trong ngày này, theo phong tục người Việt, tất cả thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần đầm ấm bên nhau cùng làm lễ cúng gia tiên. Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa thiên cẩu, trông trăng, phá cỗ...

Đến lòng thành kính công ơn tiền nhân

Trong quá trình Nam tiến, cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất mới đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa gây ra, thú dữ hoành hành. Khi cuộc sống ổn định, thiết chế văn hóa làng xã cũng bắt đầu hình thành. Ngoài ra, đình làng cũng là một cơ sở văn hóa tín ngưỡng thể hiện sự tri ân của hậu bối đối với tiền nhân - những vị có công dựng làng, lập ấp, tạo chợ, xây cầu, khai khẩn đất hoang…

Tục cúng rằm tháng Tám nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tục cúng rằm tháng Tám nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân xác lập trên vùng đất mới. Dù có một số khác biệt so với tín ngưỡng truyền thống, nhưng cơ bản tục cúng rằm tháng Tám đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an vô sự giữa chốn “Đến đây xứ sở lạ lùng. Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Từ ý thức hồn thiêng sông núi, người Việt đã biết thờ các vị thần núi, thần sông, thần đất, để giúp con người bảo vệ mùa màng, giữ vững giang sơn. 

Ở các làng xã nông thôn vùng bắc Quảng Nam, hàng năm, đình làng có hai kỳ lễ chính: lễ kỳ yên thượng điền và lễ kỳ yên hạ điền hay còn gọi là xuân thu nhị kỳ. Đối với tục cúng rằm tháng Tám, quy mô tổ chức cúng đình tùy theo làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay mất mùa, nhưng chủ yếu là cúng “trầm trà” nghĩa là gọn nhẹ, nhưng đảm bảo phải có ý nghĩa.

Những phẩm vật làng đem đến cúng rằm tháng Tám tại đình thường là sản vật địa phương, chủ yếu là xôi, chè, bông ba, hoa quả… Lễ vật được đặt trên bàn thờ tiền hiền, hậu hiền là những vị có công lao khai canh, khai khẩn làng xã.

Ngoài ra, quan trọng hơn trong dịp này là cúng ở miếu Thần nông, một ngôi miếu nhỏ nằm trong khuôn viên đình làng. Tất cả cũng nhằm nhớ về cội nguồn, chuyển giao văn hóa, liên kết sự cộng cảm và trở thành nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng tộc họ, dân làng.

Lễ cúng thường vào ban đêm, khi mặt trăng bắt đầu ló dạng. Lo việc lễ cúng là người thủ từ giữ đình làng và một số vị cao tuổi ở các tộc. Họ đến lễ trước hết là để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần, các bậc tiền nhân đã khuất, có công lao tạo dựng quê hương, xây nên cơ nghiệp để lại cho những thế hệ cháu con.

Đây cũng là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, như GS-TS.Lê Hồng Lý trong sách “Làng xã Việt Nam” cho rằng “Tục cúng rằm tháng Tám là sự biểu đạt của cư dân nông nghiệp để thực hành tín ngưỡng từ tính niệm suy tôn công đức của tổ tiên. Trong môi trường văn hóa đặc thù của một thực thể xã hội sinh động mang tính cổ truyền thì đây là nhân tố văn hóa quan trọng tạo nên truyền thống văn hóa làng xã”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cúng rằm tháng Tám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO