Những năm qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được Huyện đoàn Nông Sơn triển khai sâu rộng, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tìm được hướng đi, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.
Anh Lưu Văn Chương (thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước) chăm sóc vườn cây bưởi trụ do Đoàn xã hỗ trợ. Ảnh: L.T |
Sau nhiều năm tha phương làm ăn nhưng không hiệu quả, anh Phạm Văn Phương ở thôn Mậu Long, xã Quế Ninh trở về quê hương quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế gia đình. Năm 2018, nhận thấy nhu cầu sử dụng nấm rơm của người dân trong vùng và nguồn rơm rạ sẵn có tại địa phương, anh Phương bắt tay vào việc trồng nấm rơm. Bởi trồng nấm rơm không tốn nhiều vốn lại có thể tận dụng được những sản phẩm phụ của đồng ruộng, lại có thể trồng quanh năm. Trong một đợt, anh Phương sản xuất khoảng 30kg nấm, bán cho thương lái với giá trung bình 80 - 100 nghìn đồng/kg. Mỗi đợt nấm, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng. Hiện, anh Phương đang đặt mua thêm rơm, bông vải để mở rộng quy mô sản xuất, với chu kỳ 3 ngày/1 đợt nấm. Theo đó, mỗi ngày anh cung cấp cho thị trường khoảng 7 - 8kg nấm rơm, riêng mùng một và ngày rằm, xuất bán khoảng 40kg/ngày.
Từ mô hình thử nghiệm trồng nấm rơm thành công, năm 2018, Đoàn xã Quế Ninh đã hỗ trợ anh Phương 3 triệu đồng để đầu tư xây dựng bể ngâm rơm và nhà giàn trồng nấm. Đồng thời anh Phương cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng 150 gốc bưởi trụ Đại Bình, bưởi da xanh để tận dụng nguồn phân bón từ phế phẩm của nấm. “Sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn đã giúp tôi có thêm động lực, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài vốn, Đoàn xã cũng đã liên hệ, giới thiệu thị trường đầu ra cho sản phẩm của gia đình. Đây là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục mở rộng và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm” - anh Phương nói.
Lập gia đình từ năm 2010, không có việc làm ổn định, một mình anh Lưu Văn Chương ở thôn Phú Gia 2, xã Quế Phước, phải làm thuê đủ việc để nuôi vợ và 3 đứa con nhỏ. Trước hoàn cảnh khó khăn của anh Chương, năm 2016, Đoàn xã Quế Phước đã hỗ trợ 5 triệu đồng để anh mua một con bò nái sinh sản. Năm 2018, Đoàn xã tiếp tục hỗ trợ anh 50 gốc bưởi trụ Đại Bình. Đến nay, con bò sinh trưởng khỏe và đã cho một chú bê con. Anh Chương chia sẻ: “Cùng với việc hỗ trợ bò, cây giống, Đoàn xã cũng thường xuyên quan tâm, phối hợp mở lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi. Từ những kiến thức khoa học kỹ thuật được truyền đạt, tôi thêm hứng thú với việc phát triển kinh tế gia đình. Hiện, vườn bưởi trụ phát triển xanh tốt, sắp tới tôi sẽ đầu tư để mở rộng thêm diện tích. Hy vọng, vườn cây trái sẽ cho nguồn thu nhập ổn định để trang trải thêm chi phí sinh hoạt gia đình”.
Đó là trong nhiều trường hợp được tổ chức đoàn cơ sở ở huyện Nông Sơn có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Anh Lê Thanh Luận - Bí thư Huyện đoàn Nông Sơn cho biết, trong 3 năm qua, Huyện đoàn đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn hướng nghiệp, xây dựng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ sinh kế cho 12 hộ có kế hoạch sản xuất kinh doanh đạt yêu cầu. Vận động hỗ trợ trao sinh kế như bò, gà, heo, cây giống.. cho ĐVTN khó khăn. Hỗ trợ xây 5 nhà nhân ái với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, để giúp ĐVTN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các cơ sở đoàn đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn của TW Đoàn cho ĐVTN vay hơn 18 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, toàn huyện có 43 thanh niên thoát nghèo bền vững được các cấp bộ đoàn giúp đỡ, hỗ trợ.
“Đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp là “chìa khóa” quan trọng để tổ chức đoàn, hội đến với thanh niên. Đây là kênh hỗ trợ, giúp thanh niên chọn được con đường làm ăn, thoát nghèo bền vững từ chính mảnh đất quê hương. Tạo điều kiện để các cấp bộ đoàn mở rộng, tập hợp mặt trận đoàn kết, thu hút thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào, chung tay xây dựng quê hương” - anh Luận nói.
TÂM LÊ - MINH THÔNG