Cùng tháo "điểm nghẽn"

PHẠM QUỐC 31/12/2020 06:14

Nếu kết nối được tiếng nói chung và thể hiện quyết tâm cao để tháo gỡ vướng mắc một số dự án mang tính chiến lược và vấn đề có tính tác động liên vùng, thì dư địa, cơ hội để Quảng Nam - Đà Nẵng phát triển còn rất rộng lớn.

Vùng giáp ranh bắc Quảng Nam và nam Đà Nẵng đang phát triển rất sôi động. Ảnh: Q.T
Vùng giáp ranh bắc Quảng Nam và nam Đà Nẵng đang phát triển rất sôi động. Ảnh: Q.T

Dự án Làng đại học Đà Nẵng rơi vào im lìm trong suốt hơn chục năm đã trở thành vấn đề được Chính phủ và chính quyền hai địa phương rất quan tâm. Ngày 13.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Đại học Đà Nẵng thuộc phường Hòa Quý (Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc (Điện Bàn) với quy mô dự án 300ha.

Đến ngày 27.8.2020, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc mở ra thêm trợ lực để Quảng Nam - Đà Nẵng đẩy nhanh dự án này.

Tuy nhiên trên thực tế, những khúc mắc cũng như sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các đơn vị vẫn còn hiển hiện. Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết, Đại học Đà Nẵng vẫn chưa tiến hành cắm mốc để thị xã Điện Bàn thuận lợi quản lý hiện trạng 190ha, trong khi phía Đại học Đà Nẵng cho rằng thủ tục đầu tư rất phức tạp, nguồn đầu tư lớn và công tác tái định cư vẫn còn loay hoay nhất là ở Quảng Nam.

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng đề xuất: “Quảng Nam, Đà Nẵng cần kiến nghị với Trung ương tiếp tục bố trí kinh phí ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng. Trong năm 2021, chúng tôi có đề xuất dự án giải phóng mặt bằng phía Quảng Nam khoảng 12ha với gần 800 tỷ đồng và một số công trình để dự án tiếp tục được đẩy mạnh”.

Khơi dòng sông Cổ Cò cũng là khát vọng bao năm qua vẫn chưa thể thành hiện thực. Thêm một lần lỗi hẹn trong năm vừa qua bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan cho thấy hai địa phương cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa từ công tác quy hoạch, khớp nối đến việc triển khai thi công, nạo vét trên thực địa. Ban điều phối dự án khơi thông sông Cổ Cò của Quảng Nam - Đà Nẵng đã được thành lập từ năm 2019, ranh giới nạo vét dự án cũng đã được thống nhất và chỉ chờ con nước được thông dòng.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Lê Trung Chinh cho hay: “Thành phố sẽ hoàn thành nạo vét phần thuộc địa phận Đà Nẵng trong tháng 6.2022”. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường gợi mở: “Dự kiến năm 2022 chúng ta sẽ chọn một công trình, có thể là cầu Quảng Đà nối Điện Bàn với Hòa Vang để khánh thành kỷ niệm 25 tái lập tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Còn đến dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng hai địa phương (năm 2025) chúng ta sẽ khánh thành toàn tuyến sông Cổ Cò”.

Ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên liên vùng nổi bật nhất là nước và ngăn xâm nhập mặn cũng là câu chuyện dài hơi rất cần sự phối hợp hiệu quả hơn giữa hai bên. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh cho rằng, chắc chắn tác động của nước biển dâng hay nhiễm mặn sẽ ngày càng lớn. Bây giờ hai địa phương cần phải tính xem làm đập có hệ thống van để chủ động điều tiết giải quyết vấn đề thông sông Cổ Cò vừa đảm bảo nguồn nước ổn định cho nhà máy nước Cầu Đỏ, thay vì cứ duy trì đập tạm trên sông Vĩnh Điện trong 5 năm qua cũng như bị động trông chờ việc hỗ trợ xả nước đẩy mặn từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cùng tháo "điểm nghẽn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO