Cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm là chương trình có ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân đầu tư sản xuất, tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng.
Chuẩn bị cho vụ đông xuân năm 2015 - 2016, nông dân xã Quế Phú (huyện Quế Sơn) khá phấn khởi khi được mua phân bón theo hình thức trả chậm. Nhiều chuyến xe tải vận chuyển phân bón đến các điểm thôn, nhờ vậy bà con nông dân nhận và chở phân bón về nhà cũng thuận tiện hơn. “Trước đây, cứ đến vụ sản xuất, tôi lại lo lắng về khoản tiền để mua phân bón. Mấy năm gần đây, nhờ chương trình cung ứng phân bón trả chậm, tôi đăng ký số lượng, chủng loại phân bón với chi hội nông dân. Đến vụ sản xuất, xe chở phân bón về tận hội trường thôn Đồng Tràm Tây cho bà con. Mấy vụ trước phân bón được cung ứng cho tôi và bà con trong thôn có chất lượng tốt nên tôi rất yên tâm. Sau khi thu hoạch, có tiền tôi chi trả cho người phụ trách ở thôn” - ông Nguyễn Đình Ba (thôn Đồng Tràm Tây, Quế Phú, Quế Sơn) cho biết.
Bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2013 - 2014, Hội Nông dân tỉnh giao cho Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân Quảng Nam ký kết với một số công ty phân bón xây dựng mô hình bán trả chậm cho nông dân khó khăn tại các xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Thọ (Điện Bàn). Qua thời gian triển khai thí điểm đã có gần 2.000 hộ đăng ký mua 2 loại phân bón lót và bón thúc cho cây lúa với 145 tấn. Sản phẩm phân bón cung ứng cho nông dân bao gồm nhiều loại như urê, kali, phân NPK… Nhận thấy chương trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, trung tâm tiếp tục triển khai trên diện rộng, đến nay đã cung ứng gần 4 nghìn tấn phân cho nông dân, tạo điều kiện để bà con nông dân mở rộng sản xuất, tích cực đầu tư giống mới trong gieo trồng.
Nông dân tại các địa phương nhận phân bón trả chậm. Ảnh: T.BÌNH |
Để chương trình đạt hiệu quả cao, ngoài việc tập huấn cho nông dân, các công ty cung ứng sản phẩm phân bón chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả phân bón. Hội nông dân các cấp đứng ra tín chấp để hội viên nông dân mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, các cơ sở chịu trách nhiệm thu tiền và hoàn trả cho trung tâm. Ông Nguyễn Văn Thận - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Nam cho biết: “Qua 3 năm triển khai, chúng tôi thấy nông dân hưởng ứng rất tích cực, giúp nông dân giảm bớt gánh nặng, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với 2 nhà máy phân bón Bình Điền Quảng Trị và Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình đưa hai dòng sản phẩm đảm bảo chất lượng, chuyên dùng cho cây lúa để cung ứng cho bà con nông dân. Để chương trình ngày càng phát triển hơn nữa, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, vận động doanh nghiệp mở rộng cung ứng; đồng thời đề nghị các cấp, ngành có ưu tiên, hỗ trợ lãi suất trả chậm cho nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững”.
Trung bình mỗi năm Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tín chấp cho nông dân mua hơn một nghìn tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm. Mặc dù lượng phân bón trả chậm có tăng theo từng năm nhưng vẫn chiếm số lượng nhỏ so với tổng lượng phân bón cần sử dụng trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu của hội viên nông dân thì đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để đối ứng với các công ty cung cấp phân bón, đây cũng là bài toán khó để triển khai chương trình này ở quy mô lớn hơn. “Vụ sản xuất đông xuân năm nay chúng tôi cung ứng khoảng 1.500 tấn cho nông dân, tuy nhiên nhu cầu cung ứng phân bón trả chậm tăng lên. Và con số này cũng dừng lại ở đó vì các công ty, nhà máy không cho ký số lượng nhiều hơn được. Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở. Chúng tôi mong rằng tỉnh sẽ có cơ chế để chúng tôi có nguồn vốn ký hợp đồng tăng thêm số lượng phục vụ bà con nông dân” - ông Thận cho biết thêm.
T.BÌNH