Theo các chuyên gia kinh tế, trong việc đầu tư cần chú ý hai góc độ chiến lược là hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng cứng bao gồm mặt bằng cơ sở sản xuất, giao thông, điện nước…Hạ tầng mềm là cơ chế chính sách, quy hoạch, thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hỗ trợ thị trường...
Nhìn toàn cục, chủ trương nhất quán của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào làm ăn. Tỉnh đã tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho các khu, cụm công nghiệp, đồng thời thực thi nhiều giải pháp để xúc tiến cải cách thủ tục đầu tư, ưu đãi về tiền thuê đất, thuế… Tận dụng những quyết sách của tỉnh, nhiều địa phương cũng đã hình thành những cụm công nghiệp, kêu gọi nhà đầu tư đến xây dựng nhà máy sản xuất, tạo thêm nguồn thu ngân sách và giải quyết lao động. Như các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước… đã và đang xúc tiến mạnh các cụm công nghiệp địa phương.
Trong một năm đầy khó khăn vừa qua, tín hiệu đầu tư vào các địa phương khơi lên chút ấm áp hy vọng với các nhà máy mới được khởi công xây dựng. Tuy nhiên với kỳ vọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp, thì còn khá nhiều việc phải làm trong đầu tư hạ tầng cả cứng và mềm. Vì bởi rà soát một số khu, cụm công nghiệp địa phương, không ít nơi còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch sản xuất chưa hợp lý, hệ thống giao thông chưa liên kết đồng bộ, một số dự án chậm triển khai có dấu hiệu “chiếm đất” để đầu cơ, thủ tục đầu tư còn lòng vòng…
Đã một thời rộ lên câu nói cửa miệng là “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư, nên trong việc đề xuất chính sách nơi nào cũng cố tranh thủ cơ chế ưu đãi vượt trội. Song, khi gần như bão hòa về cơ chế chính sách, thì vấn đề quan trọng hơn không phải là nơi nào cũng thu hút được đầu tư hiệu quả như mong đợi, bởi phụ thuộc rất lớn vào năng lực (vốn, quản lý, sản xuất) cùng chữ tín của cả hai phía là nhà đầu tư và chính quyền sở tại. Đầu tư hạ tầng giờ đây cần sự linh hoạt, đổi mới phương thức. Với hạ tầng cứng, nhà nước không đủ vốn để đầu tư cơ sở nền thì cần có sự chung tay của nhà sản xuất, doanh nghiệp. Với hạ tầng mềm, ngoài việc cải cách thủ tục hành chính để đáp ứng giải quyết nhanh gọn, chính xác nhu cầu của nhà đầu tư, thì chính quyền địa phương cần phải tính toán thêm về cơ chế hỗ trợ thị trường và phát triển vùng nguyên liệu. Nếu thiếu điều đó, khi một số nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp xây dựng nhà máy rồi bể nợ, tháo chạy, thì sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế bấp bênh.
Nguyễn Đăng Quang