Nhà báo - nhà thơ trào phúng Cung Văn - Nguyễn Vạn Hồng quê ở làng La Thọ, xã Điện Hòa (Điện Bàn) được biết đến như một trong những ngòi bút kỳ cựu Quảng Nam trong làng báo đối lập ở Sài Gòn trước 1975.
Khi tôi thi đậu tú tài toàn phần cùng với Triệu Bình, thì anh Cung Văn đã là cây bút nổi tiếng. Lúc đó tôi đã đọc thấy tên ông trong cuốn sách “Thi nhân miền Nam” của Trần Tuấn Kiệt. Nhưng mãi đến sau này, tôi mới biết thêm anh làm thơ trào phúng, châm biếm chính quyền Sài Gòn trên các báo đối lập, trong đó có các tờ Tin Sáng, Điện Tín… Hồi ký của những nhà báo cùng thời với anh đều nhắc lại sự kiện Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng cùng Nguyễn Hữu Thái và GS.Huỳnh Văn Tòng vào Dinh Độc Lập trước ngày 30.4.1975 “nhằm thuyết phục những người quen biết của tướng Minh bàn giao chính quyền một cách êm thấm nhất…”, bởi anh là thành viên của nhóm “An ninh T4” nhiều năm hoạt động ở Sài Gòn…
Cung Văn trào phúng
Anh ký nhiều bút hiệu, trong đó có Cung Văn, Chúc Vũ. Và người ta biết anh là cây bút trào phúng trong làng báo Sài Gòn với những bài thơ nổi tiếng một thời… Chẳng hạn nói về những sinh viên học sinh bị động viên đi lính:
Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Bao giờ yên việc nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng…
Hay khi phê phán nạn “vắt chanh bỏ vỏ” trong chính quyền miền Nam và lòng dạ trung trinh của người trí thức:
Trước Tết mai là hoa
Sau Tết mai là củi
Trước bao nhiêu nâng niu
Sau bấy nhiêu hắt hủi
Nâng niu mai không màng
Hắt hủi mai không tủi
Ngẫm nghìn trước nghìn sau
Đáy khe lồng bóng núi…
Sau năm 1975, anh về công tác ở báo Sài Gòn Giải phóng. Vẫn với giọng thơ phê phán, phê bình bệnh thành tích:
Xuân con Rồng mừng công tổng kết
Cố lên gân khoe hết đức tài
Hoác mồm dài lưỡi dẻo dai
Nổ như pháo Tết, trông bài bản ghê
Đấy là nghề của “ông thành tích”
Mỗi cuối năm qua quýt lấy rồi
Tung hê đổi mới đầu môi
Tư duy bám cái ghế ngồi…thâm niên.
Anh cộng tác với nhiều báo khác, trong đó có các báo ở Quảng Nam, Đà Nẵng, tạp chí Đất Quảng. Cái nhìn sắc sảo của Cung Văn đã phát hiện trong phong trào đổi mới vẫn còn lợn cợn vài ba anh chỉ hô hào và những “sự thật hàng hai” đã đẩy người nông dân đến nghèo khổ…
Lúa năng suất từng trèo tận đỉnh
Nghĩa vụ chung toan tính gọn trơn
Nào nào Đại Phước, Duy Sơn
Một sương ba nắng! Đâu ơn nước
trời?
Kẹt, nhà nông cả đời chưa sướng
Nói thiệt tình nghe chướng lỗ tai
Ví bằng “sự thật hàng hai”
Thà đừng đổi mới báo đài làm chi…
Và:
Tống mèo đi, nghinh con rồng lại
Xuân mới cầu cái mới sinh sôi
Lặng im đã đáng sợ rồi
Đổi mà “đổi dỏm” tiếng đời thị phi…
Trong thơ trào phúng của Cung Văn, có đôi chỗ anh nói lái kiểu Quảng Nam, vừa gây cười nhưng cái cười ấy chua cay khi liên tưởng đến những câu chuyện thời sự, với những tranh giành quyền lợi:
Quê ta có cái đèo Le
Ông bà mình lái là… đè để leo!
Con người chịu chơi và chân tình
Cung Văn chỉ cười! Dường như anh đã nói: “Cuốn sách quan trọng nhất là mình luôn ở trong lòng bạn bè với những kỷ niệm đẹp!” |
Đi học đại học ở Văn khoa Sài gòn đầu những năm 60 thế kỷ trước, đến nay Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng đã xa quê hơn nửa thế kỷ. Nghề nghiệp và tài năng giúp anh giao du với đủ hạng người trong báo giới, chính giới, công thương gia và văn nghệ sĩ, nhưng tính cách và cái giọng Quảng Nam đặc sệt của anh hầu như không thay đổi.
Ngay khi còn làm việc, anh đã trở thành trung tâm thu hút những người gốc Quảng Nam sinh sống làm ăn xa quê. Có lúc anh được gọi là “Đại sứ của nước Cộng hòa Quảng Nam” tại Sài Gòn. Nhiều hoạt động đồng hương, nghề nghiệp và cả cổ động cho đội bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng những năm bao cấp, dường như bao giờ anh em đồng hương cũng hỏi ý kiến hay tụ tập ở ngôi nhà anh trên đường Điện Biên Phủ. Cung Văn chưa bao giờ nề hà chuyện gì liên quan đến quê hương. Những việc tưởng đâu căng thẳng giữa những người “hay cãi”. Khi có anh cũng trở thành vui vẻ, nhẹ nhàng. Chơi với anh em nhiệt tình nên Cung Văn được đẩy lên là “người ham chơi” với những giai thoại như quên cả đón con ở nhà trẻ đến hai ba ngày, mua bánh mì kẹp trong người mà quên ăn đến nỗi…kiến bò lên anh mới biết!
Cung Văn (giữa) tại buổi lễ dựng tượng chí sĩ Lê Cơ (Tiên Phước). |
Hồi còn bao cấp, chúng tôi đưa tạp chí Đất Quảng vào in, phát hành ở TP.Hồ Chí Minh, cả hai vợ chồng anh đều xắn tay áo lên giúp tìm chỗ in ấn, mua giấy, lo nhà in, tổ chức bản thảo và cả việc phát hành. Vợ chồng anh có chiếc xe Honda PC, hồi 1985 là rất quý, vẫn nhường cho tôi chạy đi theo dõi in. Các nhà văn Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, phụ trách Hội Văn nghệ và tạp chí Đất Quảng, tuy không phải gốc Quảng Nam vẫn được Cung Văn đón tiếp và dẫn đi giới thiệu với mọi người quen biết, như người nhà.
Gần đây, vợ chồng Cung Văn về Đà Nẵng làm ngôi nhà gần biển. Anh xung phong về ở và… chơi với anh em. Tôi ấn tượng nhất là cái chân tình của anh với mọi người. Chưa bao giờ thấy anh nói ghét hay giận ai, dù đó là người trẻ tuổi hơn anh, tính cách khác biệt. Nhìn ai, Cung Văn vẫn tìm thấy ở họ những nét tài hoa để quý trọng. Anh lặn lội tìm thăm nhà thơ - nhạc sĩ Đinh Trầm Ca để hỏi thăm bệnh tật, vợ con. Anh lên tận Tiên Phước dự lễ dựng tượng chí sĩ Lê Cơ và lấy cho được tài liệu mang về cho nhà văn Nguyên Ngọc. Đối với tôi, ba cái tang mẹ, cha và chú, anh đều về thắp nhang, chia sẻ!
Một đời sống nhẹ nhàng ở tuổi ngoại thất tuần, Cung Văn có lẽ chẳng cần gì hơn là được vui thú với bằng hữu, anh em. Nhân khi viết những dòng này, tôi đọc lại bài “Bùi Giáng tiên sinh” của anh viết khá lâu. Có lẽ đây là một trong số ít văn xuôi mà Cung Văn đã viết, anh càng cho thấy anh đã hiểu “thần tượng” của anh như thế nào: “Chúng ta đã biết con người “điên điên khùng khùng” đó không chỉ đạt đến cõi mênh mang của thi ca, uyên thâm trong học thuật mà còn là một bậc thầy thượng thừa của nghệ thuật chữ nghĩa… Người ta thường bảo “an cư” mới “lạc nghiệp”, nhưng điều này hoàn toàn trái quy luật đối với Bùi Giáng. Vì cả đời ông, tôi nghĩ vậy, có lẽ chưa có một ngày an cư. Với Bùi Giáng thì cái câu “Quân tử thực vô cầu bảo, cư vô cầu an” mới là chân lý. Nhiều người cho rằng Bùi Giáng điên, và đã có lần người ta đưa ông tới nhà thương điên Biên Hòa. Tuy vậy, theo tôi thì ông bất cần đời thì có chứ không hề điên loạn. Thần kinh của ông là thứ thần kinh “ngoại cỡ”, rất dễ bị kích hoạt trước xung động của đời sống bốn xung quanh. Tất nhiên ông đã ra khỏi nhà thương điên và ghi lại sự kiện đó bằng thơ: “Biên Hòa bệnh viện ghi tên/Đoạn trường sổ ấy còn nên ghi gì?”. Nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của mình, đã từng ao ước có được một ngày sống “hết mình” như Bùi Giáng. Sống hồn nhiên hết mình được như Bùi tiên sinh thì thật thú vị biết bao nhiêu, nhưng trong chúng ta mấy ai có thể hồn nhiên hết mình như vậy được! (Cung Văn - Bùi Giáng tiên sinh). Và phải chăng, anh thích rong chơi hơn là in lại những sáng tác của mình!
Mới đây, nhà thơ Lê Nguyên Đại, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca và tôi nhiều lần đều nhắc anh tập trung bản thảo để in một cuốn sách “để lại cho đời”, Cung Văn chỉ cười! Dường như anh đã nói: “Cuốn sách quan trọng nhất là mình luôn ở trong lòng bạn bè với những kỷ niệm đẹp!”.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG