Năm mươi năm trước, Martin Cooper (sinh năm 1928) - kỹ sư làm việc cho công ty viễn thông đa quốc gia Motorola (trụ sở tại Mỹ) thực hiện một cuộc gọi mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại, đặc biệt trong ngành viễn thông và công nghệ di động.
Ngày 3/4/1973, kỹ sư Martin Cooper phát minh và giới thiệu chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) cầm tay thực sự đầu tiên trên thế giới - Motorola DynaTAC 8000X. Khi đó, trên đường phố ở trung tâm Manhattan (Mỹ), Martin Cooper nói qua điện thoại với Joel Engel - người đứng đầu phòng thí nghiệm Bell thuộc sở hữu của AT&T: “Tôi đang gọi cho cậu bằng ĐTDĐ. Một thiết bị di động cầm tay, cá nhân thực sự”.
Dù ĐTDĐ không có sẵn hay phổ biến cho người tiêu dùng trong một thập kỷ sau cuộc gọi đó, bất kỳ ai đi ngang qua Martin Cooper trên phố Manhattan ngày hôm ấy đều có thể thấy lịch sử hay một cuộc cách mạng của nhân loại bắt đầu. Trước khi Motorola DynaTAC 8000X ra đời, ĐTDĐ có kích thước rất lớn, cồng kềnh và chỉ dành cho những khách hàng giao tiếp qua điện thoại ô tô.
“Cục gạch” Motorola DynaTAC 8000X nặng tầm 1kg, dài 33cm, cần đến 10 giờ sạc pin với dung lượng 30 phút dùng và có thể lưu trữ 30 số điện thoại. Năm 1984, Motorola DynaTAC 8000X chính thức bắt đầu thương mại hóa với giá 3.900USD/sản phẩm.
Dù thành công về mặt thương mại, Motorola DynaTAC 8000X nhanh chóng bị thay thế bởi các ĐTDĐ nhỏ hơn và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, Motorola DynaTAC 8000X đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ di động. Nửa thế kỷ từ sau ngày phát minh của Martin Cooper, theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), khoảng 73% dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên sở hữu ĐTDĐ.
Riêng tại Mỹ, 97% người dân sở hữu một loại ĐTDĐ nào đó, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew vào năm 2021. Đồng thời có rất nhiều sản phẩm ĐTDĐ thông minh ra lò.
Thiết bị đủ mạnh để sử dụng như máy tính, có thể gập lại, mỏng hơn, nhanh hơn, nhẹ hơn, thân thiện hơn với người dùng, phạm vi thiết bị rất phong phú, đặc biệt 92,3% ĐTDĐ có kết nối internet, cả tốc độ 5G.
Điện thoại thông minh trở nên mạnh mẽ đến mức giờ đây chúng ta sử dụng chúng không chỉ để liên lạc mà còn để giải trí, làm việc, phát triển thương mại điện tử, giáo dục, dịch thuật, lưu trữ dữ liệu, chăm sóc sức khỏe..., với sự hỗ trợ đắc lực và phổ biến của internet từ những năm 1990.
Ông Fernando Suárez - Chủ tịch Hiệp hội Kỹ sư máy tính Tây Ban Nha khẳng định, phát minh của Martin Cooper là một trong những cuộc cách mạng vĩ đại của nhân loại do sự thay đổi mà thiết bị mang lại cho cuộc sống. ĐTDĐ được xem là thiết yếu đối với chúng ta.
Kỹ sư Martin Cooper (hiện 95 tuổi) nói với CNN: “Tôi không ngạc nhiên khi mọi người đều có ĐTDĐ. Chúng tôi từng kể câu chuyện rằng một ngày nào đó khi bạn sinh ra, bạn sẽ được chỉ định một số điện thoại”.
Tuy nhiên, “cha đẻ” ĐTDĐ thừa nhận một số nhược điểm của thiết bị khi ngày càng có nhiều người cuốn vào màn hình, nghiện thiết bị và phương tiện truyền thông xã hội. Như có những người vừa đi đường vừa sử dụng ĐTDĐ; lan truyền nội dung độc hại trên thiết bị; ảnh hưởng quyền riêng tư; hay trẻ sử dụng điện thoại thời gian dài dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, suy giảm thị lực, ảnh hưởng tới não bộ, lười vận động, hạn chế tương tác xã hội... Do đó, ông Martin Cooper khuyến cáo hạn chế thời gian sử dụng ĐTDĐ cũng như sàng lọc thông tin trên mạng.
Với những tiến bộ của công nghệ 6G, thực tế hỗn hợp, kính thông minh..., ông Martin Cooper tin rằng, thời kỳ tốt đẹp nhất của công nghệ cùng với điện thoại thông minh có thể vẫn ở phía trước.