Với những người bị ung thư, dù là ở giai đoạn sớm hay muộn, thì cách họ chống chọi với bệnh tật giống như những chiến binh mạnh mẽ và kiên cường đang chiến đấu từng ngày để vươn lên giành giật sự sống từ tay tử thần…
Vượt qua nỗi đau
Nhìn dáng người khỏe khoắn, mái tóc đen dài và gương mặt lúc nào cũng cười tươi, không ai nghĩ rằng bà Huỳnh Thị Thạnh (61 tuổi, ở thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đã từng trải qua cơn thập tử nhất sinh.
Năm 2015, bà Thạnh phát hiện mình bị ung thư đại tràng, giai đoạn 3. Không kịp chuẩn bị, bà được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chỉ định phẫu thuật ngay, nếu không khối u sẽ bị vỡ, nguy hiểm đến tính mạng.
Phẫu thuật chưa được bao lâu, bà phải tiếp tục nhập viện Đa khoa Quảng Nam điều trị 8 đợt hóa chất. Xong phác đồ, bà Thạnh nhận tin dữ phải phẫu thuật lại lần 2 để điều chỉnh các khớp nối đại tràng trước đó và tiếp tục điều trị thêm 12 đợt truyền hóa chất nữa.
Phải căng mình chịu đựng những cơn đau từ các cuộc phẫu thuật và tác dụng phụ của hóa chất, tóc bắt đầu rụng, mệt mỏi và suy kiệt, bà Thạnh gần như không ăn uống gì được, cân nặng lúc đầu 55kg chỉ còn 38kg.
Kết thúc mũi hóa chất cuối cùng theo phác đồ, cũng là lúc bà Thạnh khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh chữa bệnh cho con. Được chẩn đoán bị viêm tắc động mạch không lưu thông máu, con gái bà Thạnh phải cắt một bên chân ngang đến đùi, hai mẹ con phải ở lại bệnh viện gần 2 tháng trời.
Cùng lúc gánh chịu hai nỗi đau lớn, có lúc muốn buông xuôi, thế nhưng nhờ niềm tin và sự động viên, giúp đỡ của các y bác sĩ và gia đình, bà Thạnh đã kiên cường chiến đấu, vượt qua ranh giới của tử thần, sức khỏe dần dần ổn định và trở nên mạnh mẽ hơn, làm chỗ dựa vững chắc, đồng hành với con gái vượt qua nghịch cảnh.
Nhìn lại hành trình 3 năm chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác, bà Thạnh không khỏi xúc động: “Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng khi đó, tôi được các bác sĩ tư vấn có thể điều trị thành công nên từ chỗ bi quan, tôi luôn tin tưởng rằng, mình nhất định có thể khỏi bệnh, cứ cố gắng ăn uống, điều trị theo phác đồ.
Hiện tại sức khỏe tôi đã ổn, tóc cũng đã mọc lại, giờ chỉ cần đi tái khám định kỳ và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học là được. Tôi hy vọng những bệnh nhân ung thư như tôi, cố gắng giữ vững tinh thần, quyết tâm chiến đấu thì sẽ chiến thắng bệnh tật…”.
Người bạn đồng hành
Nhìn thấy chồng trên giường bệnh, không ít lần bà Trương Thị Lý (56 tuổi, ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) phải quay vội đi để giấu những giọt nước mắt lăn dài. Chồng bà, ông Phan Lân (57 tuổi), bị ung thư thực quản từ đầu năm 2022, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
Vì chồng sức khỏe kém, không ăn uống trực tiếp được nên bà Lý phải thường xuyên túc trực, chăm sóc cho ông Lân. Dáng người gầy nhom, gương mặt tiều tụy vì mất ngủ, nhưng đôi tay bà Lý vẫn rất nhanh nhẹn, bơm từng ít một thức ăn xay nhuyễn vào ống thông dạ dày cho chồng, gọn gàng hệt như những cô y tá chuyên nghiệp.
Bà Lý chia sẻ, thời gian đầu mới vào viện, tinh thần suy sụp, sút cân rõ rệt. Nhưng nay bà Lý đã làm quen được với mọi thứ, từ cho chồng uống thuốc, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ của chồng đến kiểm soát tác dụng phụ, theo dõi từng chuyển biến sức khỏe để báo cáo bác sĩ nắm được thông tin chính xác nhất, có hướng điều trị phù hợp.
“Tôi luôn tự động viên mình phải lạc quan vui vẻ thì mới giúp chồng yên tâm trị bệnh. Từ khi ông ấy phát bệnh tới nay, tôi bỏ hết công việc, theo chồng đi điều trị. Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, nên giờ tôi đã quen với mọi thứ. Dù có mệt nhưng vẫn muốn ở bên, động viên và chăm sóc cho chồng. Nhiều lúc con cái muốn vào thay chăm ba nhưng tôi không yên tâm” - bà Lý chia sẻ.
Không được thành thạo như bà Lý, ông Phạm Viết Hải (60 tuổi, ở Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) vẫn còn vụng về, lúng túng mỗi khi bà Nguyễn Thị Kim Sơn (vợ ông Hải, 60 tuổi) nhờ giúp đỡ.
Là đàn ông, lại lớn tuổi, tuy không được nhanh nhẹn, rành rẽ trong việc chăm sóc người bệnh, nhưng 3 năm nay, kể từ khi bà Sơn phát hiện bị ung thư buồng trứng, lúc nào ông Hải cũng ở bên, chia sẻ cùng vợ.
Theo ông Hải, điều khó khăn lớn đối với những gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo như ông, ngoài vấn đề kinh tế, thì thời gian và tinh thần là hai yếu tố quan trọng. Vì phần lớn, người bị ung thư phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ, thời gian rất dài, tính theo năm.
Người nhà phải sắp xếp làm sao cho hợp lý giữa việc làm chính và thời gian ở viện chăm sóc sức khỏe cho người thân, để vừa có thể kiếm thêm thu nhập trang trải mọi thứ, vừa giúp họ cảm thấy luôn có người ở bên động viên, giúp đỡ, yên tâm chiến đấu với bệnh tật.
“Nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi và hoang mang chứ. Đặc biệt là những lúc vợ truyền hóa chất, người mệt lả đi, là tôi lại đứng ngồi không yên. Nhưng lo là lo thế thôi, mình phải mạnh mẽ, lạc quan và động viên, chăm sóc cho vợ. Bản thân bà ấy cũng đang lo lắng và chịu nhiều đau đớn lắm rồi, mình mà gục ngã nữa thì biết khi nào mới hết bệnh mà về nhà, phải cố gắng thôi…” - ông Hải chia sẻ.