|
Tiêu biểu trong phong trào đấu tranh trực diện với lính Mỹ để bảo vệ hoa màu, làng xóm là lực lượng phụ nữ ở xã Kỳ Sanh (Nam Tam Kỳ), phụ nữ xã Điện Bình (nay là xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn)…, với những gương điển hình như các chị Trần Thị Một, Nguyễn Thị Thanh (xã Kỳ Sanh), chị Trần Thị Cúc - Xã đội trưởng Bình Dương (Thăng Bình), hay mẹ Trương Thị Bưng (xã Điện Bình). Tháng 9.1965, phụ nữ xã Điện Bình và các xã lân cận đã dũng cảm cản đầu đoàn xe tăng gồm 21 chiếc của quân Mỹ, không cho chúng chạy trên đồng ruộng làm hư hại hoa màu. Trước sự đấu tranh mềm mỏng nhưng quyết liệt của các mẹ, các chị, buộc quân Mỹ phải quay xe trở lại. Ngoài ra, phụ nữ các địa phương còn dùng nhiều hình thức binh vận khác như rải truyền đơn, khẩu hiệu, thả bè, rao loa vào cứ điểm. Khẩu hiệu binh địch vận, truyền đơn in bằng nhiều thứ tiếng được rải ở nơi công cộng. Trong các trận càn, lính Mỹ nhặt, xem được truyền đơn, khẩu hiệu viết bằng tiếng Anh khiến cho tư tưởng bị phân hóa và dẫn đến hạn chế hoạt động đánh phá, khủng bố.
Do tính chất phi nghĩa của cuộc chiến, đi cùng với một đội quân ô hợp, chiến tranh kéo dài ngày, khốc liệt… nên tinh thần lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên giảm sút nghiêm trọng. Theo dõi và nắm bắt được tư tưởng dao động này, Tổ binh địch vận xã Điện Hòa (Điện Bàn) luôn bám sát đồn Trảng Nhật vận động binh lính Mỹ 7 lần không chấp hành lệnh cấp trên đi càn quét, 4 lần vận động quân Mỹ ra khỏi đồn để bộ đội và du kích bắt sống.
Trên chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam lúc này, lực lượng lính Nam Triều Tiên được tăng cường từ các chiến trường Tây Nguyên, Quảng Ngãi rút về. Địch mở nhiều trận càn lớn vào các vùng đông Duy Xuyên, đông và trung Thăng Bình, vùng B Đại Lộc, vùng Gò Nổi - Điện Bàn, trung và tây Quế Sơn, nam Tam Kỳ. Chúng đã gây ra nhiều vụ thảm sát ở thôn Trung và thôn Câu Lâu (Điện Bàn), ở xã Xuyên Khương (Duy Xuyên)…
Trước tình hình đó, cùng với việc đẩy mạnh những đòn tấn công địch trên mặt trận quân sự, công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận lúc này được nâng lên tầm cao mới. Quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên, binh lính ngụy đều là đối tượng hướng đến của công tác binh vận. Đối với lính Nam Triều Tiên, lúc đầu ta tận dụng các cụ lão thành giỏi chữ Nho để tiếp xúc vận động. Trong thời gian đó, Ban Binh vận Quảng Đà mở lớp học tiếng Triều Tiên cho tổ địch vận tại Hòn Tàu (Duy Xuyên). Đồng chí Trịnh Ngọc Thanh (người Duy Xuyên) trong Ban Binh vận Quảng Đà, được học tiếng Hàn trước khi quân Mỹ vào, đã kịp thời tổ chức Tổ binh vận Nam Triều Tiên ngay khi Sư đoàn Thanh Long đặt chân đến Hội An và vùng cát Điện Bàn. Kết hợp với việc phát tán truyền đơn, trương khẩu hiệu binh vận bằng nhiều hình thức, các tổ binh vận còn phối hợp cùng du kích, bộ đội địa phương bám sát đồn địch, dùng loa đọc lời kêu gọi của quân giải phóng. Có lúc, nghe cán bộ binh vận ta hát bài dân ca Arirang bằng tiếng Hàn - bài dân ca truyền thống của Triều Tiên, lính Nam Hàn cũng hát theo và nhảy múa phụ họa.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cán bộ binh vận kiên trì bám sát địch, đấu tranh với địch trên mặt trận tư tưởng, kết hợp với sự hỗ trợ của quần chúng địa phương. Dần dần lính Mỹ và lính Nam Hàn cũng nhận thức được tính chất phi nghĩa của cuộc chiến, giảm sút tinh thần sau những đòn thua đau trên chiến trường. Phần lớn lính Mỹ đều trông ngóng, chờ đợi để được hồi hương sum họp với gia đình, vợ con. Khi bị tấn công thì bỏ chạy hoặc đầu hàng, chịu bị bắt làm tù binh, có trận lính Mỹ đầu hàng tập thể như ở Quế Sơn. Tình trạng phản chiến trong binh lính Mỹ cũng diễn ra ở nhiều nơi như ở đồn Trảng Nhật - Điện Bàn, 4 đại đội của Lữ đoàn 196 thủy quân lục chiến ở Quế Sơn phản chiến bằng hình thức không nhận thức ăn. Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 9 - Mỹ chống lệnh đi càn, bắn chỉ huy ở Đại Lộc. Một số trường hợp lính Mỹ chống đối bằng cách tự sát thương, đào ngũ (Quế Sơn), lính Mỹ ở Chu Lai lấy chữ ký kiến nghị đòi chấm dứt chiến tranh…
Đến năm 1967, tại các đồn do quân Nam Hàn đóng giữ, nhân dân ta đều có thể tiếp xúc trực diện, nhiều nơi tỏ thái độ trung lập. Một số đồn quân Nam Hàn đóng ở Duy Xuyên, Điện Bàn phản chiến chống đi càn quét, chống lệnh đi tiếp viện, có người đào ngũ ra hàng cách mạng. Bằng chính sách khoan hồng, đối xử nhân đạo, ta đã làm thức tỉnh lương tri của nhiều lính Mỹ, lính Nam Hàn. Như trường hợp Bobby - tù binh Mỹ bị ông Phạm Đề, du kích xã Cẩm An bắt tại Cẩm Hải - sau thời gian học tập cải tạo, đã xin ở lại làm công tác binh vận và đổi tên thành Nguyễn Chiến Đấu. Nếu không có một chính sách đúng đắn, đầy tính nhân văn của cách mạng thì làm sao có một hiện tượng Bobby và nhiều trường hợp khác. Có thể kể đến trường hợp Hạ sĩ Nam - Xang - Úc (lính Nam Hàn) bị bắt tại Hội An trong Mậu Thân 1968, sau một năm học tập cải tạo tại trại tù binh A2 ở Dốc Gió thuộc vùng B Đại Lộc, đã được ta phóng thích tại Xuyên Châu, Duy Xuyên. Sau những đợt phóng thích các tù binh đã qua học tập, cải tạo, chính sách khoan hồng của cách mạng đã gây được ảnh hưởng lớn và làm phân hóa sâu sắc trong nội bộ hàng ngũ địch. Từ đó ta có điều kiện chuyển công tác binh vận sang giai đoạn mới, phát triển ở tầm cao hơn, góp phần quan trọng đưa đất nước đi đến ngày toàn thắng, non sông thu về một mối.
HÀ VĂN NGỌC
---------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- “Cuộc chiến trong lòng địch” - Ban liên lạc ngành binh vận Quảng Đà (2009).
- “Vành đai diệt Mỹ trên chiến trường Khu 5, một sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam” - NXB Quân đội nhân dân (2002).
- “Từ chiến trường khu 5 - nhật ký và ghi chép văn học” - Phan Tứ.
- “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (1930-1975)”.