Cuộc chiến không tiếng súng

HÀ VĂN NGỌC 12/03/2015 08:39

Trong những năm đầu đánh Mỹ, kịp thời nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Khu ủy 5, Tỉnh ủy đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào chiến trường Quảng Nam. Qua đó động viên được các lực lượng cách mạng, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn “hai chân ba mũi giáp công”, liên tục tấn công địch, làm thay đổi cục diện trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta, góp phần cùng với nhân dân cả nước đưa cuộc chiến chính nghĩa của quân và dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” mà Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương và tặng cho Quảng Nam có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng binh vận.

*
*          *

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Quảng Nam là một trong những địa phương Mỹ đổ quân vào sớm nhất so với các tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Chỉ sau các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên vào cảng Đà Nẵng, Mỹ đã đổ bộ vào cảng Kỳ Hà “5 tiểu đoàn của Sư đoàn 1; 1 tiểu đoàn công binh; 1 tiểu đoàn pháo 105 ly; 1 đại đội pháo 155 ly; 2 đại đội xe bọc thép M113, M118; 1 đại đội pháo tự hành; 5 phi đoàn máy bay trực thăng; 1 phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích”.

Trong những ngày đầu đổ quân, lính thủy đánh bộ Mỹ đã xua đuổi nhân dân 4 thôn các xã phía đông quốc lộ 1 lên An Tân sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Chúng đốt phá nhà cửa, làng mạc để chiếm đất thiết lập căn cứ quân sự Chu Lai. Tại Chu Lai, trung bình mỗi ngày địch bắn xuống khoảng 1.000 quả đạn pháo các loại. Chỉ trong 3 ngày, xã Kỳ Xuân đã bị đạn pháo địch tiêu hủy hàng trăm nóc nhà. Tại xã Kỳ Liên, chúng triệt hạ đến 800 gia đình. Ở xã Kỳ Sanh, trong 12 ngày đầu tháng 6.1965, tính bình quân mỗi ngày máy bay Mỹ dội xuống 400 quả bom, rốc két.

Cuộc chiến ngày càng diễn ra quy mô lớn và tính chất ác liệt hơn, đối tượng binh vận cũng đã thay đổi. Ngoài quân đội Sài Gòn lúc này còn có quân Mỹ, quân Nam Triều Tiên và quân đồng minh khác của Mỹ. Bọn chúng được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và rất hiếu chiến, trong khi đó ta lại chưa có kinh nghiệm đánh quân Mỹ. Đây là một thách thức lớn đối với quân và dân miền Nam nói chung và nhân dân, lực lượng vũ trang Quảng Nam nói riêng. Với tâm lý băn khoăn, lo lắng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Nếu đánh Mỹ thì đánh bằng cách gì ? Vũ khí gì? Quy mô nào? Có tiếp tục thực hiện kết hợp đấu tranh “hai chân ba mũi giáp công” không? Có người cho rằng đối với quân Mỹ chỉ có thể dùng quân sự tiêu diệt, không thể dùng hình thức đấu tranh chính trị, binh vận. Tư tưởng nặng về vũ trang, nhẹ tiến công binh vận xuất hiện. Một bộ phận quần chúng thiếu niềm tin vào khả năng đấu tranh chính trị, binh vận với quân Mỹ.

Đứng trước những thách thức, khó khăn do âm mưu và thủ đoạn  mới của Mỹ, Tỉnh ủy Quảng Nam và Tỉnh ủy Quảng Đà đã kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp hướng dẫn các đơn vị, địa phương tiếp tục kiên trì phương châm đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, binh vận, triệt để vận dụng “ba mũi giáp công” nhằm đánh bại các âm mưu, thủ đoạn mới của địch.

Về công tác binh địch vận, Khu ủy chỉ thị “Phải tấn công cả hai đối tượng quân đội Sài Gòn và quân Mỹ (bao gồm cả quân chư hầu). Vận động binh lính quân lực Việt Nam Cộng hòa là công tác chiến lược vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định cho toàn bộ công tác binh địch vận, vận động quân Mỹ trở thành quan trọng cấp bách…”. Hiểu rõ tầm quan trọng đó, ngày 11.5.1965, đồng chí Vũ Trọng Hoàng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã trực tiếp chỉ đạo quá trình xây dựng vành đai chống Mỹ Chu Lai, kết hợp chặt chẽ “hai chân ba mũi giáp công”; kết hợp các lực lượng từ trên xuống, từ trong ra ngoài, kiên quyết tiến công, phản công tiêu diệt địch nhằm giành thế chủ động chiến trường. Những cán bộ đảng viên cốt cán được phân công xuống các huyện, xã, thôn, ấp, vận động nhân dân trở lại bám làng, thành lập lực lượng đấu tranh chính trị, tạo thế hợp pháp cho quần chúng, chống âm mưu cướp đất, lập “vành đai trắng” của địch.

Sau sự kiện “Chiến thắng Núi Thành” (26.5.1965) của ta, trong binh lính Mỹ xuất hiện tư tưởng chán ghét chiến tranh, không rõ mục đích chiến đấu, càng lao sâu vào thế thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân, khiến tâm lý nhớ gia đình, quê hương, sợ chết, trông chờ về nước càng ăn sâu.

Nhận thấy tình hình thuận lợi đó, Tỉnh ủy Quảng Nam chú trọng phát huy vai trò đi đầu của lực lượng phụ nữ trong đấu tranh chính trị - binh địch vận. Nhiều chị em có học vấn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, tù đày, tra tấn, được bồi dưỡng tiếng Anh, để đấu tranh trực diện với lính Mỹ, lính Nam Hàn. Sau khóa học lớp tiếng Anh do Thường vụ Khu ủy 5 mở cho toàn khu. Tại Quảng Đà, các lớp tiếng Anh đầu tiên được mở ở Xuyên Hòa, Xuyên Khương (huyện Duy Xuyên), sau đó mở rộng và liên tục ra toàn tỉnh. Tỉnh còn tổ chức các lớp học tiếng Triều Tiên cho cán bộ binh vận do chuyên gia địch vận Bắc Triều Tiên sang giúp đỡ. Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, trong thời gian này tại Quảng Nam hình thành 372 tổ binh địch vận gồm 1.304 người và 98 đội binh địch vận thường trực quanh vành đai các đồn bốt. Những địa phương phong trào binh - địch vận phát triển mạnh ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình, các xã Nam Tam Kỳ…

(Còn nữa)

HÀ VĂN NGỌC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc chiến không tiếng súng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO