|
Tình hình chiến trận ở Đà Nẵng mỗi ngày thêm căng thẳng, nhất là sau khi thống chế Lê Đình Lý chết, vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương vào thay nhằm thống lĩnh ba quân tướng sĩ tại mặt trận Đà Nẵng. Nguyễn Tri Phương chủ trương “đào hào, đắp lũy” nhằm “tiến bức” quân giặc.
Tư tưởng đó, được ông tấu bày với Tự Đức một cách hết sức ngắn gọn: “Xin lấy thủ làm chiến, xây dựng thêm đồn lũy để dần dần tiến bức địch”. Từ chủ trương đó, các đồn lũy, tuyến phòng thủ của Nam quân dựng lên khắp nơi, đã gây rất nhiều khó khăn cho liên quân Pháp - Tây Ban Nha: “Các tuyến phòng thủ này, như tôi đã nói ở trên, đã mở rộng ra khoảng 12.000m, chưa kể các đồn lũy nằm rải rác xung quanh. Tất cả thành lũy này, được đặt rất khéo léo và được bảo vệ bằng một đội quân hùng hậu. Rất khó để có thể biết được vô số chướng ngại vật nằm xung quanh các thành lũy đó. Đó là các ụ đất, trên cắm nhiều cây tre, thỉnh thoảng được bảo vệ bằng những hầm chông hay những tấm chông đan xen nhau theo một hình thể không thể tin được”. Và, “Những chiến hào này được đặt ở các hướng khác nhau và rất gần nhau, bên trong trang bị đại bác, đá và súng lớn; ngoài ra, mỗi người lính Nam quân đều mang một khẩu súng có lưỡi lê được chế tạo theo kiểu của Pháp. Để vượt qua các chướng ngại vật và sự bảo vệ này, chúng ta buộc phải chiến đấu. Nhiệm vụ của chúng ta ở xứ này còn khó khăn hơn nhiều vì phải đối đầu với sức nóng khi hành quân lúc ban ngày. Cần phải cho quân đội nghỉ ngơi sau 9 giờ sáng, nếu không muốn tiếp xúc với thảm họa” (Báo cáo của Phó Đô đốc Charner, Chỉ huy lực lượng viễn chinh ở Nam kỳ, ngày 27.2.1861, gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Bộ Thuộc địa).
Đầu năm 1859 trở đi, việc tấn công đánh chiếm Đà Nẵng của liên quân Pháp - Tây Ban Nha càng thêm khó khăn do Nam quân xây thành đắp lũy và tập kích quân Pháp ngày càng nhiều: “Tháng 11 (1858), đối phương tăng cường lực lượng ngày càng nhiều trên dọc 2 bờ sông Hàn, chúng ta không thể đi ngược sông quá 2 dặm, nếu không có sự chi viện hỏa lực của các pháo đài của các đồn. Người An Nam đào đắp đất một cách nhanh chóng kỳ lạ, họ đã xây dựng và trang bị một đồn ở gần đội tàu chiến của chúng tôi và ngụy trang cẩn thận, để khi bắn gây bất ngờ. Có lần, một phát súng đầu tiên của họ đã cắt đôi thân xác của tên lính Philippines” (Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858-1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896). Cái cách mà Nam quân xây dựng lũy tuyến đã làm quân Pháp kinh ngạc: “Chỉ một đêm, đủ cho binh lính An Nam tái dựng lại các thành trì, mà đã bị chúng tôi san bằng hôm trước, hoặc để đào một chiến hào mới dài nhiều kilomet” (Báo cáo của Phó Đô đốc Charner, Chỉ huy lực lượng viễn chinh ở Nam kỳ, ngày 27.2.1861, gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Bộ Thuộc địa).
Quân Pháp - Tây Ban Nha đã thực sự nể phục cách đánh giặc theo “hố chữ phẩm” của Việt Nam. Đề cập cách đánh này, một sĩ quan Pháp cho biết: “Sau hàng rào tre và tại trận địa pháo, người An Nam đã đào những hố sâu, trên có phên che nên không thể thấy bên dưới. Mỗi hố dùng cho một người lính ẩn nấp, khi bắn họ dùng đầu đẩy tấm phên che và ló ra, bắn xong họ núp xuống lại. Cách này giúp cho họ tránh thiệt hại song rất nguy hiểm, vì khi đối phương đến chiếm thì họ không có cơ hội thoát. Một lính của tôi sập vào hố này và bị lưỡi lê của lính An Nam đâm, một lính khác cũng bị bắn chết. Các lính thuộc địa Philippines điên tiết, nên dùng chân dò các tấm phên che và dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát vào các hố này. Tôi rất vất vả mới ngăn được cuộc tàn sát này” (Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 - 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils.
Năm 1896)... Các hố cá nhân đó được bố trí quanh các đồn lũy và cũng được đào để phục kích khi quân Pháp đổ bộ vào đất liền thì Nam quân xông lên chém giết. Tại các đồn tạm vừa mới dựng lên cũng như các đồn đã có từ trước, việc xây dựng các hố cá nhân nói trên được triển khai đồng bộ. Một tài liệu cho biết: “Pháo đài (có thể là đồn Tuyên Hóa?) xây cất theo kiểu nhà bản xứ, mà các cửa sổ được thay thế bằng các cửa lớn. Pháo đài này có 6 khẩu đại bác trong đó có 2 khẩu bắn đạn đá; người chỉ huy được bố trí ở vào khoảng giữa sau pháo đài, xung quanh có 500 hố cá nhân, có thể đó là nơi ở của quân dự bị” (Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858-1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896)... Sử nhà Nguyễn cũng có nhắc đến cách đánh gan dạ này: “Quân Tây dương chia 3 toán đến đánh thì bị sa xuống hố, quan binh giữ lũy của ta từ trong bắn ra buộc chúng phải lui, vua thưởng chung 100 quan tiền” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 28 Nxb KHXH, Hà Nội 1973, tr.474).
Đặc biệt, không chỉ có quan quân triều đình đánh giặc, mà ngay dân binh, người đánh cá của Đà Nẵng cũng tìm cách đánh giặc. Ngoài ra, nhiều cách đánh giặc “chẳng giống ai”, không hề được dạy trong các trường quân sự của Pháp cũng đã được người Việt Nam dùng rất hiệu quả tại Đà Nẵng: “Vũ khí ném lửa của họ gồm một khúc tre có hỏa pháo được gắn lên đầu súng hoặc trên cây giáo. Còn hỏa pháo là một hỗn hợp mà người An Nam giữ bí mật, họ gắn lên đầu một đoạn tre. Hỏa pháo bắn ra một lúc 3 hoặc 4 loại đạn cháy. Còn loại ống thụt cỡ lớn dùng để bắn dầu sôi hoặc các loại axit” (Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858-1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896).
Tiếc thay, tinh thần bất cộng tác với giặc và tuân thủ tốt chủ trương “vườn không nhà trống” của nhân dân Đà Nẵng; sự xả thân vì nước, dám đương đầu với súng to, tàu lớn, sự hiếu chiến của liên quân Pháp - Tây Ban Nha của quân đội triều đình dù có thừa, song sự lạc hậu về vũ khí, sự yếu kém của một quân đội thiếu chính quy của triều đình Tự Đức, đã không có một trận “quyết chiến chiến lược” nào tại Đà Nẵng như mong muốn của người dân và triều đình Huế lúc bấy giờ. Đây cũng là một bài học lớn đối với chúng ta, rằng: đối với Việt Nam, kẻ thù đến từ phía biển thường rất mạnh và nếu không chú tâm xây dựng một lực lượng quân đội hiện đại (kể cả con người và vũ khí) thì khi có chiến tranh xảy ra, rất khó để có những trận quyết chiến quyết định nhằm chặn đứng ý đồ xâm lược của kẻ thù.
LƯU ANH RÔ