"Cuộc chiến" với cái nghèo ở miền núi

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU 02/03/2017 08:42

Chuẩn nghèo mới với cách tiếp cận đa chiều đã rình rập “bẫy nghèo” do ngoài yếu tố thu nhập thấp, người nghèo còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là khu vực miền núi. Sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên… và quyết tâm vươn lên của chính chủ thể người nghèo ở vùng cao như lời “tuyên chiến” với cái nghèo.

Nhiều nguồn lực của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sản xuất để người dân miền núi thoát nghèo bền vững. Ảnh: TRẦN HỮU
Nhiều nguồn lực của Nhà nước tập trung vào hỗ trợ sản xuất để người dân miền núi thoát nghèo bền vững. Ảnh: TRẦN HỮU

HẾT CHUYỆN THIẾU ĂN

Thời gian trước đây, không thiếu nguồn lực, kể cả cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho khu vực miền núi nhưng các địa phương vẫn loay hoay với bài toán giảm nghèo. “Sức khỏe” của người nghèo đã được chẩn đoán một cách tổng quát nhưng phác đồ điều trị dứt điểm căn bệnh này thì bỏ ngỏ. Gần đây, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, các địa phương miền núi đã có những bước đi đúng đắn và phù hợp để giúp người nghèo vươn lên. Chúng tôi thực hiện cuộc khảo sát tại một số rẻo cao để hiểu thêm đời sống của đồng bào.

Đã biết lo làm ăn

Cuối tháng 2. Nép bên bìa rừng hay dẫn vào đầu làng ở các xã vùng cao Bắc Trà My hoa gạo đỏ rực một góc trời. Chiều muộn, thi thoảng bắt gặp hình ảnh phụ nữ, trẻ em Ca Dong gùi đót, mây, dần khuất xa phía rừng già. Vượt qua cây cầu treo đung đưa và hơn 3km đường đất đang thi công, chúng tôi đến rẻo cao thôn Cao Sơn (xã Trà Sơn) - nơi được mệnh danh “miền đất lạnh” của xứ cao sơn ngọc quế. Phan Trọng Dương - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Trà Sơn bảo, Nhà nước gần như “quên” đầu tư hạ tầng giao thông, con đường vận chuyển hàng hóa ra bên ngoài trắc trở. Thôn có hơn 100 hộ. Trên đoạn đường về làng, Dương một mực xác tín với tôi: “Ở đây đồng bào rất tự trọng, chẳng bao giờ mở miệng xin xỏ cái gì, kể cả gạo ăn vào mùa giáp hạt. Họ chăm chỉ làm ăn, nhà cửa sạch sẽ. Ở đâu không biết, chứ làng Cao Sơn không bao giờ thiếu đói”. Tôi thắc mắc: “Điều gì khiến bạn quả quyết như vậy?”. “Đến nơi rồi anh sẽ cảm nhận” - Dương nói như muốn gây tò mò cho tôi.

Đồng bào Ca Dong xã Trà Sơn (Bắc Trà My) cải thiện thu nhập từ khai thác đót rừng.
Đồng bào Ca Dong xã Trà Sơn (Bắc Trà My) cải thiện thu nhập từ khai thác đót rừng.

Gần 4 giờ chiều nhưng làng Cao Sơn thiếu bóng phụ nữ, thanh niên bên nhà sàn. Chỉ thấy lũ trẻ chạy lon ton. Hóa ra bà con chăm sóc vườn trái cây, chăn thả gia súc, đi làm rẫy đến khi mặt trời khuất núi mới về nhà. Bếp lửa nhà ông Hồ Văn Giác đỏ rực, bữa cơm chiều có đầy đủ thịt heo, gà và rau rừng các loại. Ông Giác bảo, gia đình vừa xuất chuồng 2 con heo thịt, đổ 1,5 chỉ vàng làm “của để dành” còn dư ít tiền mua thức ăn hàng ngày. Ngoài 1ha đất rẫy trồng lúa, khu vườn của ông đan xen nhiều loại cây ăn quả như chuối, cam quýt, thanh trà. “Năm nay chuối, cam mất mùa nhưng vẫn có trái bán theo mùa đổi được thức ăn tươi sống. Nông sản thì có thương lái ở thị trấn Trà My chạy lên tận nơi thu mua. Hạt thóc làm ra cung cấp cho nơi khác hoặc làm thức ăn cho heo, gà” - ông Giác thật thà nói. Còn ông Trần Văn Rê, nhiều năm nay dư của ăn nhờ thâm canh 3 ao cá trong vườn. Từ nguồn hỗ trợ con giống ban đầu của Nhà nước, ông Rê được cán bộ địa phương hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép. Cá nuôi không lo thị trường tiêu thụ, do thực phẩm thủy sản tươi ở đây tiêu thụ mạnh. Ông Rê bộc bạch: “Nhờ nguồn nước trong lành, khí hậu quanh năm mát mẻ, nên đàn cá hầu như không bị dịch bệnh. Cá nằm dưới ao đủ loại lớn nhỏ. Thu nhập từ nuôi cá ổn định, nhưng cái lạc hậu nhất ở đây là xa bệnh viện, trung tâm xã, đường sá mưa bùn nắng bụi”.

Phần lớn nhà ở của đồng bào Ca Dong tuy còn thiếu kiên cố nhưng đều có công trình hố xí hợp vệ sinh. Cán bộ Dương khẳng định, đồng bào ở đây mỗi hộ sở hữu ít nhất 0,5ha đất trồng cây ăn quả, trồng rau và hầu hết đều có nương rẫy trồng lúa nên không thiếu thóc lúa trong nhà. Thu nhập người dân khá ổn định nên rất khó xảy ra tình trạng thiếu đói. Đồng bào nghèo là do chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế và giáo dục. Ông Lê Đình Trung - Bí thư Đảng ủy xã Trà Sơn đánh giá, hệ thống tiêu chí chuẩn nghèo mới khá toàn diện. Ở thôn Cao Sơn, người dân đã thoát khỏi tiêu chí nghèo do “bẫy thu nhập” nhiều năm nay, bởi dân có tư liệu sản xuất ổn định, Nhà nước hỗ trợ cần thiết những công cụ sản xuất như con giống, cây giống...  Theo ông Trung, sắp tới, khi huyện chọn Cao Sơn làm mô hình điểm phát triển du lịch cộng động làng, vùng đất này sẽ chuyển động kinh tế rõ nét, khi đó việc tiếp cận các dịch vụ xã hội bình thường khác để thực sự thoát nghèo chỉ là vấn đề thời gian.
Không cho “xâu cá”

Không hỗ trợ nhiều về tiền bạc, chính quyền huyện Nam Trà My đã có cuộc cách mạng vận động, tuyên truyền đồng bào Ca Dong, Xê Đăng mạnh dạn phát triển loại cây chuối mốc, trồng các loại cây dược liệu. Nhiều diện tích đất nương rẫy năng suất thấp, đồng bào đã chuyển hẳn sang trồng cây chuối mốc. Những đồi rừng bỏ hoang một thời giờ đã phủ kín bởi vườn chuối xanh um. Hàng loạt lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất triển khai ngay tại cơ sở. Cán bộ đã đến từng nóc “cầm tay chỉ việc”. Đến nay địa phương này có ít nhất 1.700 hộ trồng chuối với diện tích gần 200ha. Hộ ông Đinh Bá Phú (xã Trà Cang) trồng gần 1.500 cây chuối trên diện tích 1ha. Mỗi năm ông Phú thu về hàng chục triệu đồng, góp phần thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa phương nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với quy hoạch theo sản xuất hàng hóa như chăn nuôi bò, heo đen, dê địa phương; trồng cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu, kết hợp trồng các loại cây ngắn ngày, rau sạch; bảo tồn và khai thác hợp lý những cây lâm sản dưới tán rừng như mây, đót, măng... “Quan điểm hỗ trợ của địa phương xuất phát từ nhu cầu thực của người nghèo. Những hộ nghèo chỉ được trao cần câu chứ không cho xâu cá,  phải đăng ký và có khát vọng thoát nghèo” - ông Phước nói.

Tại vùng cao Đông Giang, công tác khuyến nông - khuyến lâm đóng góp  giảm nghèo hiệu quả. Nhiều mô hình mới đã giúp người nghèo thay đổi hình thức tổ chức sản xuất. Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định, lần lượt các mô hình nuôi bò có chuồng trại, nuôi heo bản địa, gà thả vườn, trồng keo nguyên liệu, trồng mây dưới tán rừng, thâm canh chuối, bắp, sản xuất lúa cải tiến SRI... đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 của huyện Đông Giang giảm còn 43,49% (giảm 5,99% so với năm 2015). Còn ở vùng trung du huyện Tiên Phước, chính sách giảm nghèo trọng tâm của chính quyền là giúp hộ nghèo có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản. Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UNND huyện Tiên Phước, hiện 100% hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; được khám chữa bệnh miễn phí; trẻ em học mẫu giáo và học sinh thuộc diện hộ nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.

CẦN ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH

Để giảm nghèo cho miền núi, Trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách đột phá nhưng hiệu quả lan tỏa của nó ra sao thì vẫn còn là câu chuyện đáng bàn.

Từ nhiều nguồn lực hỗ trợ và ý thức tự vươn lên, người dân vùng cao đã từng bước thoát nghèo.
Từ nhiều nguồn lực hỗ trợ và ý thức tự vươn lên, người dân vùng cao đã từng bước thoát nghèo.

Bài học từ thất bại

Theo Sở LĐ-TB&XH, trong điều kiện áp dụng chuẩn nghèo mới tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 đã xuất hiện nhóm hộ nghèo, cận nghèo mới tuy không nghèo về thu nhập nhưng nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Vậy nên, Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2016-2020 phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể. Thực tế, nhiều công trình đầu tư ở khu vực miền núi phân tán, chưa thực sự bức xúc; điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo có nơi thực hiện không đúng quy định, đối phó, áp đặt chỉ tiêu. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia điều tra, rà soát hộ nghèo không chuyên nghiệp, tư tưởng chạy chính sách, áp đặt tỷ lệ nghèo. Chỉ số thiếu hụt của một số dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó giải quyết, nhất là dịch vụ về nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin truyền thông.

Người dân là chủ thể, nhà nước chỉ hỗ trợ

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, cốt lõi của giảm nghèo miền núi là phải thay đổi suy nghĩ, bỏ ngay tư tưởng bao cấp của nhà nước. Người dân là chủ thể giảm nghèo, nhà nước chỉ đứng ra hỗ trợ. Do vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo khảo sát thực trạng, nguyên nhân dẫn đến cái nghèo thực chất hơn, để có giải pháp đồng bộ. “Phải hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, kết hợp tổ chức dạy nghề miễn phí, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nghèo, cận nghèo nhưng phải gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và nhu cầu tự tổ chức sản xuất kinh doanh của hộ nghèo. Tạo sinh kế lâu dài thông qua hình thức bảo vệ rừng” - ông Thu nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Nguyễn Thị Minh Thư thừa nhận, điều hành chương trình giảm nghèo còn bất cập, các chương trình phát triển kinh tế chưa có tính liên kết và lồng ghép. Tại địa phương này, Nhà nước hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho 27 hộ phát triển nuôi nhím sinh sản. Thế nhưng, mô hình này gần như thất bại, phần lớn các hộ không còn gắn bó với con nhím và chuyển sang các con vật nuôi khác. Tương tự, những dự án hỗ trợ con giống, cây giống cho người nghèo ở các địa phương miền núi khác cũng chưa đem lại hiệu quả. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường dẫn chứng, năm 2016 ở  huyện Tây Giang, ngân sách hỗ trợ riêng tiền con giống, cây giống lên 3,8 tỷ đồng cho đồng bào nhưng hiệu quả đem lại không như ý muốn. Về giải pháp thoát nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - Phùng Văn Huy đề xuất, cần huy động nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, dự án, chính sách ưu đãi, nhất là hỗ trợ vốn, tín dụng, giống cây trồng con vật nuôi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động...

Cần điều chỉnh chính sách

Theo các địa phương, hiện nay một số chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, cần điều chỉnh bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó có các chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh ban hành giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND và Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND.  Cơ chế, chính sách ban hành có nhiều điểm không “gặp nhau” giữa nguồn lực và tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 về định hướng giảm nghèo bền vững chưa tạo sự liên kết giảm nghèo. Giữa các chính sách này có sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ và thời gian hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Điều này dẫn đến tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của đồng bào. Nói cách khác, chính sách chỉ cho người nghèo “xâu cá” chứ không cho “cần câu”. Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, phải khẩn trương rà soát hệ thống chính sách giảm nghèo nhằm loại bỏ trùng lặp, sửa đổi chính sách không còn phù hợp với địa phương. Đặc biệt sẽ tiến tới giảm dần chính sách “cho không”, tăng dần chính sách hỗ trợ kèm theo điều kiện. Tốt nhất là giúp cho người dân cách thức thoát nghèo thông qua các hoạt động đào tạo nghề, cho vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo ra vùng sinh kế bản địa bền vững.

Dự thảo Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 tiếp tục thực hiện chủ trương kết nghĩa, giúp đỡ xã nghèo theo chức năng, nhiệm vụ và khả năng huy động nguồn lực của cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện cho giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ cải thiện chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản; phân công cán bộ, đảng viên nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo.

XUNG KÍCH GIÚP THOÁT NGHÈO

Thời gian qua, Bắc Trà My và Nam Trà My nổi lên như 2 địa phương tiêu biểu về việc cán bộ đồng hành với người nghèo. Từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm kèm cặp cho từng hộ thoát nghèo.

Cây chuối đã góp phần giảm nghèo tại các địa phương miền núi.
Cây chuối đã góp phần giảm nghèo tại các địa phương miền núi.

ÔngHồ Hồng Cường - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bắc Trà My cho hay, từ năm 2011 đến nay, địa phương liên tục thực hiện chương trình “Cán bộ đảng viên huyện Bắc Trà My đồng hành cùng người nghèo”. Năm 2016 cả huyện có 28/117 hộ thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên con số này khá khiêm tốn so với 5.047 hộ nghèo của toàn huyện. Được cán bộ Văn phòng HĐND và UBND huyện Bắc Trà My nhận đỡ đầu, từ “đội sổ” hộ nghèo, ông Trần Văn Truyền (thôn 8, xã Trà Tân) đã thoát nghèo được hơn 2 năm nay. Qua khảo sát, điều tra, cán bộ địa phương đã nắm được nguyên do nghèo trước đây của ông Truyền là thiếu tư liệu và kiến thức sản xuất, nên đã tư vấn hỗ trợ ông thực hiện thành công một số mô hình chăn nuôi.

Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Quảng Nam tuy giảm nhanh nhưng hiện nay vẫn còn cao (theo chuẩn nghèo 2016-2020); tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh chiếm 19,90%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Riêng khu vực miền núi còn khá cao với hơn 44% (trong đó 3 huyện nghèo Chương trình 30a là 59,56%).

Còn theo chính quyền huyện Nam Trà  My, đến nay có hơn 100 cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đồng hành giúp người nghèo theo phương châm “Ba công chức, lao động giúp một hộ thoát nghèo”. Năm 2016, ngoài việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 30a, tạo điều kiện cho 100% số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo được vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế với mức 20 - 30 triệu đồng, Nam Trà My hỗ trợ hộ nghèo ở 3 xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Trong năm, địa phương đã vận động được 338 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo và phần lớn đã thoát nghèo. Địa phương có số hộ nghèo đăng ký thoát nghèo nhiều nhất là xã Trà Cang 57 hộ, Trà Dơn 37 hộ, Trà Vân 35 hộ... Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, năm 2016 trong số 507 hộ thoát nghèo có 334 hộ thoát nghèo có đăng ký, điều này đã minh chứng cho bước đi đúng đắn của hệ thống chính trị toàn huyện trong giảm nghèo. Mặt khác, cơ chế thưởng tiền cho hộ đăng ký thoát nghèo quả thực có tác dụng lan tỏa sâu rộng. “Nói chung, cơ chế yêu cầu hộ nghèo đăng ký thoát nghèo mở ra không ít cơ hội cho người nghèo đổi đời, quan trọng nhất giúp họ chuyển biến trong nhận thức, dứt bỏ suy nghĩ trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ, đầu tư của nhà nước” - ông Phước nhìn nhận.

Một trong những hiệu quả của mô hình hỗ trợ thoát nghèo, có thể kể đến Đảng bộ Công an huyện Nam Trà My nhận giúp đỡ 5 hộ dân đăng ký thoát nghèo tại xã Trà Vinh. Không có chuyên môn kiến thức nông nghiệp, cán bộ, chiến sĩ đơn vị mời kỹ sư nông lâm, mượn tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đồng bào. Ngoài ra, công an địa phương còn hỗ trợ vật liệu, nhân công giúp xây mới và sửa chữa 2 căn nhà; cải tạo vườn tạp, ao cá... Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2016 cho thấy, cả 5 hộ dân được Công an huyện giúp đỡ, hỗ trợ đã đủ điều kiện thoát nghèo. Hay như trường hợp ông Phạm Xuân Nghĩa  (SN 1989, trú ở xã Trà Mai) mồ côi cha mẹ, nhiều năm là hộ nghèo. Được cán bộ Văn phòng UBND huyện đến nơi tư vấn, hướng dẫn cho ông Nghĩa các thủ tục vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Ông Nghĩa có bằng tốt nghiệp cao đẳng nên được giới thiệu về làm cán bộ xã Trà Mai. Bên cạnh làm việc nhà nước, hiện ông Nghĩa còn sở hữu rẫy keo quy mô 1ha và 200 gốc chuối mốc, nguồn thu nhập đã vượt tiêu chuẩn thoát nghèo. Được biết 2  năm qua, cán bộ Văn phòng UBND huyện Nam Trà My giúp đỡ ít nhất 4 trường hợp thoát nghèo.

Năm 2017, có 7 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Công an huyện tiếp tục nhận giúp đỡ, hỗ trợ cho 7 hộ dân đăng ký thoát nghèo. Trong khi đó, từ đầu năm nay, Ban Tổ chức Huyện ủy Nam Trà My đã đến khảo sát, gặp gỡ các hộ nghèo được phân công giúp đỡ thoát nghèo ở xã Trà Vân, qua đó xác định được từng trường hợp với các nguyên nhân nghèo khác nhau để có phương án giúp đỡ sát sườn.

Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, đầu năm 2017, lực lượng xung kích gồm 50 thành viên đại diện cho các ban ngành liên quan đồng hành với người nghèo được thành lập sẽ là những tuyên truyền viên, chuyên gia tư vấn thoát nghèo. Thành viên đoàn xung kích tổ chức hoạt động giúp thoát nghèo vào ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài đoàn xung kích cấp huyện, ở 10 xã cũng thành lập đội xung kích giúp dân thoát nghèo, mỗi đội 20 người.

Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cuộc chiến" với cái nghèo ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO