Cuộc chơi với đất

PHƯƠNG GIANG - SONG ANH 28/06/2013 10:24

“Trong mười người đàn bà, chỉ có được nửa người mạnh mẽ. Tôi cảm thấy mình may mắn khi là một nửa ấy”. Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Hồng (TP.Hội An) sau hơn nửa đời người trải qua bao thăng trầm. Những nỗi đau, vì thế, càng tiếp thêm cho bà nghị lực và sự sáng tạo trong một cuộc chơi chưa bao giờ dừng lại: cuộc chơi với đất…

Tác phẩm điêu khắc của bà Hồng.
Tác phẩm điêu khắc của bà Hồng.

Cảm hứng từ đất

Căn nhà nhỏ nằm tách biệt với những ồn ào phố thị ở phường Thanh Hà, TP.Hội An, từ lâu nay vẫn là nơi bà Trần Thị Hồng miệt mài với công việc và niềm đam mê của riêng mình. Bà nói: “Tôi yêu Picasso, học được nhiều điều từ Picasso và tình yêu đó cũng phần nào thể hiện trong những bức tranh, những tác phẩm điêu khắc. Những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống cũng vậy, tôi gửi chúng vào trong tác phẩm”.

Dạy nhạc ở trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, vẽ tranh, tập yoga, nhưng niềm đam mê lớn nhất của bà vẫn là điêu khắc. Với bà, đó như là một cuộc chơi, một cuộc chơi nghiêm túc mà bà dành khá nhiều tâm sức từ suốt nhiều năm nay. Ở không xa làng gốm cổ Thanh Hà, bà chia sẻ, rằng mình có một hứng thú kỳ lạ với đất sét, với điêu khắc từ đất. Tràn ngập trong căn nhà nhỏ là tác phẩm điêu khắc với đủ loại chất liệu, nhưng nhiều nhất vẫn là đất sét. “Tôi thích vẽ, có khả năng biên đạo múa, giờ lại là giáo viên nhạc, nhưng niềm đam mê lớn nhất vẫn là điêu khắc. Với đất, tôi thấy mình, thấy những buồn vui, thấy cả sự trở về” - bà tâm sự.

Các tác phẩm được bà giữ gìn rất kỹ, bởi mỗi tác phẩm với bà là một kỷ niệm, một câu chuyện, một cố nhân của xưa xa để bà có thể nhớ về. Trong số tác phẩm của bà, có bộ tác phẩm 5 con mèo bằng đất nung bà làm vào năm 2010, một tác phẩm gốm có tên “ông tơ bà nguyệt” với biểu tượng mặt trăng, mặt trời cách điệu, bộ 3 con heo đất nhỏ bà làm dự định tặng một người bạn... “Làm chơi, thích ai, ai thích thì tôi tặng, cũng chả muốn bán. Những thứ này tôi còn giữ, vì nhớ những kỷ niệm, những người bạn lúc mình bắt tay vào tạo tác phẩm. Bấy nhiêu đây thôi…” - bà trầm ngâm. Có tác phẩm đã nhuốm màu thời gian, có tác phẩm còn mới nguyên, nhưng nhìn cách bà nâng niu, trân trọng, mới biết bà yêu điêu khắc, yêu đất đến chừng nào. Như chính một phần đời, một phần hồn của mình trong màu đất nung thắm đỏ…

Triết lý... rơi vỡ

Đối diện với bà, với câu chuyện về điêu khắc và cuộc sống, có cảm giác sức sống và niềm tin nơi bà chưa bao giờ già cỗi theo tuổi tác. Hơi cao ngạo, như bà tự nhận, nhưng đó là cách của bà khi đối diện với những bế tắc của cuộc sống. Một thói quen, gần như là “triết lý” riêng sau muôn vàn đẩy xô nghiệt ngã của số phận là lắng nghe tiếng rơi vỡ từ gốm sứ, thủy tinh. “Những lúc bế tắc nhất, tôi thèm nghe tiếng rơi vỡ của thủy tinh, của gốm. Tiếng vỡ đó làm tôi sực tỉnh khỏi sân si, khỏi những ức chế thường nhật, khỏi khoảnh khắc tuyệt vọng hay buồn chán” - bà nói. Nơi góc phòng, còn in hằn những vết thủy tinh, sứ cắt vào tường, dấu tích của rất nhiều lần phải đối diện với sự cô độc, với những yếu mềm cố hữu trong người phụ nữ. Bà nói, hãy thử một mình lắng nghe âm thanh của tiếng rơi vỡ, nó sẽ đánh thức được bản năng, sức mạnh của chính con người. Mọi ức chế cũng sẽ vỡ vụn theo những mảnh thủy tinh. Cũng chính trong những khoảnh khắc đó, cảm xúc nghệ thuật trở nên mạnh mẽ nhất để bà sáng tác. Bà chia sẻ: “Dù là tranh hay tượng, đều có điểm chung là được tôi thực hiện trong những lúc mình cảm thấy buồn nhất. Cứ thế làm một mạch, đến khi hoàn thành cũng là lúc gần như quên đi cái cảm giác đang xâm chiếm lấy mình”.

Bà Trần Thị Hồng với tác phẩm điêu khắc từ một viên phấn.
Bà Trần Thị Hồng với tác phẩm điêu khắc từ một viên phấn.

Miên man trong những câu chuyện về điêu khắc, về tranh, bà mang cho chúng tôi xem một tác phẩm khá đặc biệt làm từ … 1 viên phấn. Bức điêu khắc tạc hình ảnh người mẹ ôm một hũ tro, mà theo bà diễn giải, chính là hũ tro cốt của con mình. Dù được tạc chỉ bằng một viên phấn viết bảng bình thường nhưng chạm tay vào bức tượng, có thể cảm nhận được từng góc cạnh, đường nét trên dáng hình người mẹ. Bức tượng đặc tả hình ảnh người mẹ già khắc khổ khom người ôm lấy hũ tro, khuôn mặt ngước lên nhìn trời như ai oán... là xúc cảm mãnh liệt của bà khi bắt gặp bà mẹ ấy. Bằng một cây kim khâu, 2 mảnh dao lam, bà đã chuyển tải nỗi ám ảnh ấy vào trong bức tượng. Hay một tác phẩm khác được thực hiện sau chuyến đi về Hội An những năm 1980, khi bà bắt gặp một phụ nữ ngồi trầm ngâm bên mộ mẹ chồng trong khu vực nghĩa trang liệt sĩ (sau này bà biết tin bà mẹ ấy đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Hình ảnh ấy cũng là nỗi ám ảnh để bà làm nên bức tượng “Về thăm mẹ”, đến nay vẫn còn lưu giữ như một niềm trân quý…

Giữa công việc, gia đình và niềm đam mê, bà chọn sống hết mình cho tất cả, bằng trọn vẹn sức lực, tâm huyết và sự mạnh mẽ trong con người mình. Cười, kể cả khi nói về những nỗi đau, thứ duy nhất bà không chia sẻ nhiều với chúng tôi là căn bệnh ung thư đang tàn phá trong người mình. Mặc nhiên xem tất cả như là một phần không thể tách rời trong cuộc sống, kể cả những nỗi đau, là cách người đàn bà ấy chinh phục số phận. Như một cuộc chơi, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống sẽ  nằm trong suốt hành trình…

PHƯƠNG GIANG - SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc chơi với đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO