Cuộc đời lận đận của ông tiến sĩ làng Long Phước

LÊ THÍ 30/07/2023 07:34

Tiến sĩ Lê Thiện Trị (1796 - 1872) đã làm rạng danh không những cho làng Long Phước quê ông mà cho cả huyện Duy Xuyên và đất học Quảng Nam với thành tích được vua Minh Mạng ban cờ hiệu có 6 chữ vàng “Tiến sĩ khai khoa lục tỉnh”. Tuy nhiên, ông là người “lận đận” cả trong khoa cử lẫn trong hoạn lộ!

Nhà thờ Lê Thiện Trị ở khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước. Ảnh: Internet
Nhà thờ Lê Thiện Trị ở khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước. Ảnh: Internet

Làng Long Phước

Long Phước là tiền thân của làng Long Xuyên, nay là các khối phố Long Xuyên 1, 2, 3 của thị trấn Nam Phước thuộc huyện Duy Xuyên. Long Xuyên có nghĩa là “dòng sông rồng”.

Làng đổi tên từ Long Phước sang Long Xuyên từ thời điểm nào thì không rõ. Năm 1903 khi làm hồ sơ để dự thi Hương, Võ Hoành vẫn khai quê quán là xã Long Phước, huyện Duy Xuyên. Nhưng đến năm 1916, theo Nguyễn Phước Tương trên tạp chí Bulletin de Amis du Vieux Huế (BAVH), Long Xuyên là 1 trong 18 xã thuộc tổng Mỹ Khê của huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn (Quảng Nam - Đất&Người, NXB Hồng Đức năm 2012, trang 68).

Theo Võ Văn Hòe trong Địa danh Quảng Nam (quyển 3, NXB Hội Nhà văn, năm 2021) thì cuộc điều tra năm 1937, 1938 của Viện Viễn Đông bác cổ được ghi lại trong Quảng Nam xã chí có cho biết: “Làng còn bản châu bộ đời Gia Long thập tứ (1814) có ấn chủ của quan rõ ràng.

Trong đó có kê khai rõ những sở ruộng, sở vườn của làng nhưng lúc này với tên xã hiệu là Long Phước xã, Trung An thôn… Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838) nhân dịp Lê Thiện Trị - người đầu tiên đỗ tiến sĩ của 6 tỉnh thuộc Nam Trung Bộ nên nhà vua cho đổi xã hiệu lại thành Long Phước xã (cho gọn) nhưng đổi chữ Long: 隆 (dày, đầy, đủ) trước đó thành Long 龍 là con rồng (trang 172).

Nguyễn Đình Đầu trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Dinh Quảng Nam (NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, năm 2010) không có thông tin gì nhiều về làng Long Phước (lúc này có tên là Long Phước Đông - Tây nhị thôn) vì cho rằng làng đã mất địa bạ. Cả Ô châu cận lục (1553) và Phủ biên tạp lục (1776) cũng đều không thấy dấu tích địa danh này.

Long Phước là làng khoa bảng hàng đầu của Duy Xuyên không phải về mặt số lượng mà về chất lượng. Làng chỉ có 5 người đỗ trung, đại khoa nhưng chiếm 50% số Tiến sĩ, 40% số Phó bảng của huyện.

Một giai thoại kể rằng, thấy Long Phước là ngôi làng đẹp nằm cạnh lỵ sở của huyện mà không có ai đỗ đạt nên Tri huyện Duy Xuyên Hà Học Hảo - một người giỏi phong thủy bàn với Lê Thiện Trị, khơi một kênh nước chạy ngang qua làng để “thủy pháp” giúp thay đổi “địa cuộc” của làng.

Sau khi con kênh được khai thông không lâu sau đó làng có người đỗ đạt. Đó là Nguyễn Huấn đỗ Cử nhân khoa Ất Mão (1855), sau Nguyễn Huấn là Nguyễn Khải đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân (1884) và Phó bảng khoa Kỷ Sửu (1889), rồi Võ Hoành đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1903) và Phó bảng khoa Đinh Mùi (1910).

Theo một số cụ già ở Long Xuyên thì dấu tích của mương nước đó là sông Con nối làng Long Xuyên với sông Bà Rén. Có người lại bảo đó chỉ có thể là sông Mỹ Xuyên hoặc Kẻ (Kỉ) Thế ngày nay. Một số lại quả quyết đó chỉ là mương nước ngày trước chảy ngang qua làng nay đã bị bồi lấp. Thực hư không biết thế nào.

Cuộc đời “lận đận” của vị “khai khoa tiến sĩ”

Lê Thiện Trị sinh năm 1796 tại làng Long Phước  trong một gia đình nền nếp. Thân sinh của ông là Tú tài Lê Thiện Quang từng làm Tri huyện Hòa Vang. Mẹ ông là con gái của viên Tuyển  phủ sứ người làng Hà Lam, huyện Lễ Dương. Tuy nhiên Lê Thiện Trị lại phải trải qua một thời tuổi thơ gian khó.

Ông bị mồ côi mẹ từ sớm và chịu cảnh “mẹ ghẻ con chồng”. Sau khi cha ông bị bãi chức (do huyện đường bị cháy, ấn quan cũng bị thất lạc) gia cảnh càng thêm khó khăn. Nhiều năm Lê Thiện Trị phải mưu sinh bằng nghề “gõ đầu trẻ”.

Mặc dù học rất giỏi, con đường khoa cử của Lê Thiện Trị vô cùng lận đận. Ngay từ năm 17 tuổi (1813) ông đã lều chõng đi thi và đỗ nhị trường nhưng mãi đến năm Tân Tỵ (1821) mới đỗ Tú tài. Khoa kế tiếp vào năm Ất Dậu (1825) ông cùng cha đi thi nhưng đều chỉ đỗ Tú tài (sau khi bị bãi chức cha ông muốn tiếp tục hoạn lộ bằng khoa cử nhưng bất thành).

Các khoa thi Hương sau đó vào các năm Mậu Tý (1828), Giáp Ngọ (1834) ông đều không những không lấy được học vị cử nhân mà cũng không đỗ tú tài vì phạm trường quy.  May nhờ Tổng đốc Quảng Nam là Hồ Bảo Thắng bảo lãnh ông mới được vào học tại Quốc tử giám và khoa cử mới mỉm cười với ông.

Khoa thi Hội năm Mậu Tuất ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được vua Minh Mạng ban cờ hiệu “Khai khoa Tiến sĩ lục tỉnh” vì ông là người đầu tiên đỗ tiến sĩ của cả 6 tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Ông cũng là một trong hai vị tiến sĩ lớn tuổi nhất của đất học Quảng Nam, đỗ đạt khi đã 43 tuổi.

Rồi hoạn lộ của ông cũng “đứt gánh giữa đường”. Năm 1856, khi làm Thự (quyền) Tuần vũ Thuận Khánh (Khánh Hòa - Bình Thuận) vì lòng nhân muốn cứu người cai kho tên Nguyễn Đình Quảng, khi tên này làm thất thoát của công trị giá 80 lượng, ông đã cùng viên Án sát Khánh Hòa tìm cách gỡ tội cho y bằng cách cắt bớt lời khai trong bản án và cho “phạm nhân” âm thầm đền bù để khắc phục hậu quả. Việc bại lộ, ông bị khép tội “bất công bất pháp” bị lột hết chức tước, bị kêu án xử bắn sau giảm xuống án đi đày và phải sung quân đi hiệu lực (lao dịch).

Đi đày được một năm thì con trai ông là Lê Thiện Thuật làm đơn xin chịu án thay cha. Quan phụ trách tư pháp ở triều cho rằng Lê Thiện Trị tội nặng đã được giảm từ tội “lưu” xuống tội “đồ” nên không thể chấp thuận theo lời xin.

May có quan Phạm Thanh ở Nội các tâu lên vua Tự Đức phân giải thiệt hơn, nhà vua mới chấp thuận. Nhờ có người con hiếu thảo, sự “dũng cảm” của viên quan ở Nội các và đặc biệt là sự sáng suốt của vua Tự Đức, nếu không Lê Thiện Trị có thể bỏ mạng do đau buồn, tuổi già và lao dịch nặng nhọc. 

Ông về quê làm một thứ dân bình thường, vui thú điền viên và chăm lo việc “khuyến học, khuyến tài” ở quê nhà Duy Xuyên. Ông là người có công đầu trong việc vận động xây dựng Văn thánh của huyện - nơi tôn vinh việc học và kẻ sĩ.

Tuy thi hành kỷ luật ông khá nặng nhưng triều đình không thấy có dấu hiệu nhận hối lộ nên ông không bị tịch biên gia sản và đục tên trên bia tiến sĩ ở Văn miếu Huế. Sau một thời gian, triều đình bổ dụng lại nhưng ông chán ngán cảnh quan trường lấy cớ tuổi già sức yếu để từ chối.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc đời lận đận của ông tiến sĩ làng Long Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO