Báo in: “Tứ bề thọ địch”
Suốt hơn 4 thế kỷ ra đời và tồn tại, báo in đã từng chạm trán với hai đối thủ... “hậu sinh khả úy”: “báo nói - Radio” (1916), “báo hình- Television” (1928). Tuy nhiên, 100 năm sau, cả hai đối thủ nghe - nhìn kia vẫn chưa hạ gục nổi “cụ ông” 400 tuổi này. Khi ngồi trong quán cà phê hay chuyển dịch trên ô tô, tàu lửa, máy bay, tờ báo trên tay vẫn tỏ ra dễ tính hơn hai “anh chàng” kia, bởi người ta vẫn có thể đọc hết một bài báo trong lúc chuyện trò hoặc ngắm đất nhìn trời. Trong khi đó, thuộc tính thời gian trên radio và tivi không cho phép chúng ta đạt được hiệu quả “nhất cử lưỡng tiện” như thế. Do vậy, thị phần có bị san sẻ khá nhiều nhưng báo in vẫn phát triển song hành với đạo quân truyền hình khổng lồ, chỉ có “gã” phát thanh là coi bộ đang... hụt hơi, ngắc ngoải.
Đến đầu thiên niên kỷ này, sự tình đã khác xa sau khi internet toàn cầu “giáng thế”. Các ứng dụng từ cái thực thể vô hình này đã nối nhau ra đời hàng loạt, trong đó có một chú “ngựa non” cũng thuộc “nòi giống” truyền thông, sinh sau đẻ muộn nhưng đã tỏ ra “háu đá” và “lém lỉnh”, đó là báo mạng. Gọi chung là thế, nhưng phân nhánh ra có nhiều “dòng” khác nhau: Trang thông tin điện tử, Báo điện tử, Báo tổng hợp tin nhanh, Trang mạng xã hội, Blog cá nhân. Cùng với sự xuất hiện của các phương tiện ngày càng hiện đại và phổ cập như Laptop, Smartphone, iPad, Internet TV..., đạo quân truyền thông trẻ tuổi này đang tấn công vào thành trì “cổ kính” của hệ thống báo in. Nếu không có những sách lược thích ứng với “cuộc chiến” này, e rằng nay mai “ông cụ” báo giấy sẽ có ngày “kéo cờ trắng” nhường ngôi cho báo mạng.
Báo mạng: Tuổi trẻ tài cao
Một trong những ưu thế của báo mạng nói chung là tốc độ cập nhật thông tin nhanh nhạy, gần như tức thời. Cùng một sự kiện xảy ra, báo in phải trải qua nhiều khâu như biên tập, duyệt bài, lên khuôn, in ấn, phát hành, phân phối mới đến tay người đọc. Báo nói, báo hình phải chờ tới giờ phát sóng bản tin thời sự. Còn với báo điện tử, đặc biệt là ở những kênh tự do như mạng xã hội, blog cá nhân, thông tin về sự kiện đó có thể đến với công chúng ngay sau khi được post lên. Trong các sự kiện “nóng” như sự cố “tiền lẻ” ở các trạm BOT năm 2017, những thông tin sớm nhất, thường xuyên nhất thuộc về những người trong cuộc - những “phóng viên” không chuyên trên tay chỉ có một chiếc smartphone. Một “tuyệt kỹ” của báo điện tử ăn đứt các “bậc tiền bối” là khả năng thông tin đa phương tiện. Ngoài thông tin, báo mạng còn có lời bình, có cả âm thanh và hình ảnh động (video), nghĩa là được đọc-nghe-nhìn cùng lúc. Dung lượng bản tin điện tử không hạn chế, có thể tường thuật đầy đủ đến từng chi tiết của sự kiện mà không bị giới hạn bởi số trang như báo giấy hoặc thời lượng chương trình như báo hình. Bên cạnh đó, khả năng lưu trữ các thông tin trên mạng gần như vô tận và ít bị thất thoát hơn các loại khác.
Về mặt kinh tế, báo giấy tốn kém hơn báo mạng đối với cả người làm lẫn người đọc báo. Vì thế, nhiều tờ báo lớn có tuổi đời hàng trăm năm đang chuyển dần sang hình thức online do tia-ra phát hành ngày càng giảm mạnh. Tồi tệ hơn, các tờ báo khổng lồ như France Soir của Pháp (70 tuổi) Lloyd’s List của Anh Quốc (280 tuổi), Newsweek của Mỹ (80 tuổi)... đành phải đình bản vì quá thua lỗ, phải chuyển hẳn sang hình thức điện tử. Còn đối với người đọc, với một chiếc iPad hay smartphone, họ có nhiều sự lựa chọn hơn. Ngoài ra, còn một lý do cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của báo in, đó là sự giảm sút doanh thu từ quảng cáo. Trước đây, với những tờ báo lớn, dịch vụ này chiếm tới 80% tổng doanh thu. Ngày nay, chắc chắn một trang quảng cáo bằng hình ảnh “chết” trên báo giấy không thể gây ấn tượng bằng những đoạn clip sống động trên báo mạng, đã vậy giá thuê dịch vụ quảng cáo trên những tờ báo có thương hiệu lại cao ngất ngưởng. Người ta đã tiên liệu rằng trong tương lai không xa, với tốc độ kết nối internet ngày càng rộng khắp, không chỉ báo in mà cả truyền hình cũng sẽ phải nhường ngôi cho báo mạng về mặt quảng cáo.
Thay đổi để tồn tại
Bây giờ chưa thể nói đến sự sụp đổ hoàn toàn của báo in. Tờ Yomiuri Shinbun của Nhật vẫn bán được 14,3 triệu bản mỗi ngày. Năm 1996, tờ Le Monde của Pháp đã đi tiên phong trong việc mở thêm trang điện tử. Hai kênh “giấy” và “điện” bổ sung, hỗ trợ cho nhau cả về thông tin lẫn tài chính nên thương hiệu chung vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, báo in cũng đang nỗ lực tự làm mới mình theo các tiêu chí cơ bản: bám sát nhu cầu người đọc, cải tiến kỹ thuật truyền tin và ấn loát, phát hành. Về quảng cáo, người ta đang nghĩ tới việc lắp đặt một con chip điện tử trên mỗi tờ báo để độc giả có thể mở các trang quảng cáo sinh động như trên màn hình. Và trên tất cả, báo in vẫn là một kênh thông tin còn giữ được độ chính xác cao gắn với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, cả tính định hướng dư luận trong những trường hợp cần thiết. Ở phía ngược lại, hệ thống báo mạng, nhất là các trang mạng xã hội, nhiều khi thông tin bị sai lệch do thiếu điều kiện kiểm chứng hoặc có dụng ý chủ quan. Do đó với những người đọc “kỹ tính”, báo giấy vẫn còn là bạn tri âm trong nhu cầu nhìn ra thế giới.
Ở nước ta, mặc dù số lượng người sử dụng internet đã lên đến 53% dân số nhưng số trang báo điện tử vẫn chưa nhiều. Theo thống kê của Bộ TT-TT, đến giữa năm 2017, cả nước mới có 150 cơ quan báo điện tử so với số cơ quan báo - tạp chí in giấy là 832. Trong số đó, nhiều tờ báo - tạp chí trung ương và địa phương vẫn đang được sự bảo trợ của cơ quan chủ quản, thậm chí phát hành theo con đường... kính biếu là chủ yếu nên chuyện lỗ lời chưa phải là mối bận tâm. Vậy nên, một số ấn phẩm báo chí có biến mất thì chỉ là do nội lực yếu kém hoặc từ chủ trương cơ cấu lại thị trường truyền thông của Nhà nước. Còn “nhiệm vụ hàng đầu” của đại bộ phận các tòa soạn hiện nay vẫn là: Đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, trung thực nhất của người dân.
PHAN VĂN MINH