Cuộc đua thống trị internet vệ tinh

QUỐC HƯNG 08/04/2022 15:21

(QNO) - Dù internet vệ tinh có mặt trong nhiều năm nay, cuộc đua cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ nóng lên trong thời gian tới khi các công ty lên kế hoạch phóng hàng nghìn hệ thống vệ tinh vào quỹ đạo trái đất tầng thấp.

Internet vệ tinh đang phủ sóng tại nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh: Alamy
Internet vệ tinh đang phủ sóng tại nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh: Alamy

Động thái mới nhất là vào ngày 5.4 vừa qua, tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon (Mỹ) ký kết hợp đồng với 3 công ty tên lửa để triển khai dự án Kuiper trị giá 10 tỷ USD. Dự án nhằm thiết lập mạng lưới internet vệ tinh băng thông rộng trên quỹ đạo tầm thấp của trái đất.

Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến này muốn tăng cường sự đa dạng hóa sinh lợi sang các dịch vụ công nghệ thông tin và cung cấp băng thông rộng có độ trễ thấp cho nhiều khách hàng, bao gồm cả người ở địa điểm không có kết nối internet.

Ngoài các vệ tinh, Amazon dự định cung cấp các thiết bị đầu cuối với giá cả phải chăng, cũng như các thiết bị nhà thông minh Echo, máy đọc sách điện tử Kindle và hứa hẹn cung cấp dịch vụ với mức giá hợp lý và dễ tiếp cận.

Trước đó vào ngày 3.3.2022, hãng dịch vụ vận tải không gian SpaceX (Mỹ) của tỷ phú giàu nhất hành tinh hiện nay Elon Musk phóng thành công thêm 47 vệ tinh internet Starlink lên quỹ đạo.

Các vệ tinh Starlink cung cấp internet băng thông rộng tốc độ cao đến các địa điểm mà việc truy cập không được ổn định, chi phí cao hoặc hoàn toàn chưa có internet trước đó.

Như vậy, kể từ tháng 5.2019, SpaceX phóng hơn 2.000 vệ tinh giúp tăng phạm vi phủ sóng internet trên trái đất. Hiện tại, khách hàng ở Mỹ có thể truy cập internet thông qua 2 nhà mạng cung cấp dịch vụ internet vệ tinh lớn là HughesNet và Viasat.

Ở châu Âu, công ty con Nordnet của sử dụng sức mạnh của vệ tinh Eutelsat Konnect để cung cấp băng thông rộng cho khách hàng. Chi phí cho người dùng bắt đầu dưới 60 euro (70 USD) mỗi tháng, không bao gồm thiết bị đầu cuối và ăng ten, và tăng theo băng thông.

Công ty OneWeb của Anh đã phóng 428 trong số 648 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất tầng thấp trong khi Trung Quốc có kế hoạch triển khai khoảng 13.000 vệ tinh internet GuoWang.

Ngoài vấn đề về cạnh tranh, việc phát triển nhanh chóng lĩnh vực internet vệ tinh còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên thế giới.

Vào cuối tháng 3.2022, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) của Liên hiệp quốc nhận xét: Từng được coi là một thứ xa xỉ, kết nối internet trở nên quan trọng đối với nhiều người trong đại dịch Covid-19, như khi nhiều người dân phải ở nhà, sử dụng các dịch vụ đặt đơn hàng tại nhà và nhiều hoạt động chuyển sang hình thức trực tuyến.

Thậm chí, nhiều chuyên gia dự đoán, nhu cầu về băng thông đã tăng vọt trên khắp thế giới và chúng ta sẽ không bao giờ phóng đủ số vệ tinh để đáp ứng nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc đua thống trị internet vệ tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO