Cuộc đua thu hút vốn FDI tại Đông Nam Á

QUỐC HƯNG 06/07/2020 15:46

(QNO) - Các nước khu vực Đông Nam Á tăng tốc trải thảm để đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là khi nhiều công ty nước ngoài tại Trung Quốc tháo chạy khỏi nước này vì dịch bệnh và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trung Jakarta, Indonesia thu hút FDI với những ưu đãi về thuế và hợp đồng thuê đất sản xuất. Ảnh: Reuters
Thành phố Trung Jakarta, Indonesia thu hút FDI với những ưu đãi về thuế và hợp đồng thuê đất sản xuất. Ảnh: Reuters

Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiết lộ về việc thành lập khu công nghiệp mới ở Batang - miền Trung Java đi kèm với thông điệp rõ ràng: đất nước vạn đảo mở ra cơ hội kinh doanh và đầu tư.

Tổng thống Joko Widodo nói: “Chúng tôi muốn các công ty từ Trung Quốc, dĩ nhiên kể cả từ Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới dịch chuyển đến Indonesia”.

Động thái mới nhất của Indonesia được xem là một phần phong trào thu hút vốn FDI lớn đang diễn ra trên khắp Đông Nam Á - nơi các nước trong khu vực nỗ lực thu hút đầu tư và nhắm đến các công ty vốn đang suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ sau khi dịch Covid-19 gây ra sự gián đoạn lớn trên khắp Trung Quốc.

Theo trang tin asia.nikkei của Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á trước đó đã đưa ra các chính sách ưu đãi để trở thành nơi lựa chọn cho các nhà máy nước ngoài tại Trung Quốc tìm điểm đến khác do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Báo cáo đầu tư thế giới thường niên của Liên hiệp quốc cho hay, FDI tại các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ giảm khoảng 45% trong năm nay vì đại dịch Covid-19. Chính điều này sẽ khiến cuộc đua đón FDI tại Đông Nam Á diễn ra khốc liệt.

Như Indonesia lên kế hoạch xây dựng nhiều khu công nghiệp đến năm 2024 với các mức ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 22% trong năm nay, tiếp tục giảm xuống 20% năm 2022.

Trong tháng 6 vừa qua, Ủy ban Đầu tư Thái Lan thông qua các ưu đãi trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp, mục đích nhắm đến các công ty nước ngoài đang dịch chuyển các hoạt động ra khỏi Trung Quốc để kích thích phát triển kinh tế đất nước.

Đáng chú ý, Malaysia thống nhất với ưu đãi miễn thuế lên đến 15 năm cho các công ty đầu tư mới với tổng vốn 500 triệu ringgit (117 triệu USD) vào nước này.

Còn Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn các công ty từ châu Âu thông qua Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào đầu tháng 8 năm nay.

Theo bộ tiêu chí EPIC xếp hạng các nước sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới được Công ty IHS Markit (Anh) và Đại học Tennessee (Mỹ) công bố, đã xếp Việt Nam đứng thứ 25 trên 60 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới trong việc thu hút vốn FDI.

Nhiều vốn FDI vào Đông Nam Á cũng sẽ tập trung ưu tiên, ưu đãi vào ngành công nghiệp chăm sóc y tế sau khi dịch bệnh Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của khu vực vào Trung Quốc đối với các mặt hàng như khẩu trang y tế và các thiết bị báo hộ y tế khác.

Tăng cường thu hút FDI, Thái Lan đặc biệt chú trọng đến sản xuất thuốc tân dược và thiết bị y tế - một phần của tham vọng trở thành trung tâm liên quan đến các vấn đề chăm sóc sức khỏe y tế.

Theo ngân sách bổ sung được thông qua vào tháng 4.2020, Nhật Bản phê duyệt  23,5 tỷ yên (219 triệu USD) trợ cấp cho các công ty mở rộng sản xuất sang Đông Nam Á và các nơi khác.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc đua thu hút vốn FDI tại Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO