Cuối tuần qua, tại TP.Hội An, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2014. Những con người của quá khứ và hiện tại ấy đã có một cuộc hạnh ngộ, động viên nhau tiếp tục phấn đấu, cống hiến cho công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
Cống hiến trên mọi mặt trận
Câu chuyện của thương binh, Đại tá Ngô Bình Minh (SN 1968) - Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khiến ai nghe cũng phải cảm phục ý chí kiên cường của những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển (CSB). Bản thân Đại tá Ngô Bình Minh từ khi còn là học viên Trường Sĩ quan Hải quân đã làm đơn tình nguyện, xung phong ra công tác ở quần đảo Trường Sa, khi Trung Quốc lấn chiếm một số đảo ở Trường Sa vào năm 1988. Ông đã bị thương trong một lần thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, vết thương trên thân thể như nhắc nhớ ông càng kiên quyết ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn 2 tháng qua, các chiến sĩ CSB đã kiên cường bám trụ, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo trước hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu CSB 8003 của Vùng CSB 1 kiên cường bám trụ tại thực địa trong suốt 2 tháng, khôn khéo đấu tranh với những âm mưu của tàu Trung Quốc. Dù chịu nhiều gian khổ trong thời gian này, nhưng 100% chiến sĩ tàu CSB 8003 đều xin ở lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, dù đến thời hạn thay quân. Đại tá Ngô Bình Minh cho biết: “Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan ra khỏi vùng biển nước ta, nhưng lực lượng CSB luôn xác định, khi Trung Quốc chưa từ bỏ ý định độc chiếm biển Đông, không tuân thủ luật pháp quốc tế thì tình hình trên biển còn diễn biến phức tạp. Chúng tôi luôn phải mài sắc ý chí, nêu cao cảnh giác, nắm chắc tình hình trên biển, kịp thời tham mưu, đề xuất những phương án bảo vệ chủ quyền biển đảo phù hợp trong mọi tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân Việt Nam yên tâm làm ăn trên biển”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa Đại tá Ngô Bình Minh - Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 1. |
Những tấm gương anh dũng trong quá khứ nhưng bình dị trong đời sống hiện tại, phấn đấu làm kinh tế, giúp bản thân và giúp những đồng đội một thời vươn lên trong cuộc sống cũng đã khiến nhiều người cảm phục. Đó là những thương binh như ông Vũ Xuân Túy (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), người chiến sĩ quả cảm trong những chiến dịch ở Quảng Trị năm 1972, hay trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa, hiện nay là doanh nghiệp nổi danh trong sản xuất, thu mua mặt hàng bao manh đan bằng cói, bao tiêu sản phẩm cho hơn 800 hộ gia công trong và ngoài xã. Hay như thương binh Trần Sông Cầu (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) từng tham gia chiến đấu trên đất bạn Lào với nhiều chiến tích, được tặng Huân chương Vì nghĩa vụ quốc tế vẻ vang và Huân chương Chiến công hạng Ba. Trở về quê với những vết thương trên người, nhưng ông đã mạnh dạn học hỏi, tìm thị trường, cung cấp phân bón, vật tư và nhận tiêu thụ sản phẩm mủ cao su của nông dân. Đến nay ông đã mua được máy cán mủ cao su để sơ chế mủ cao su cho nông dân và gia đình, đưa sản phẩm đi tiêu thụ cho bà con.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao bằng khen cho người có công tiêu biểu. Ảnh: D.L |
Tri ân và tưởng nhớ
Sáu mươi bảy năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20 quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người con ưu tú của Tổ quốc ngày càng lan tỏa sâu rộng. Các hình thức tri ân ngày càng phong phú, thiết thực. Hai mươi năm trở lại đây, người có công tiêu biểu của cả nước mỗi năm lại có dịp hội ngộ một lần. Cuộc hạnh ngộ của những con người làm nên lịch sử diễn ra vào thời điểm cả nước hướng đến các anh hùng, liệt sĩ, người có công (ngày 27.7 hằng năm). Và năm 2014 này, cuộc hội ngộ ấy vừa diễn ra đầy ý nghĩa, nồng ấm tình đồng đội tại TP.Hội An, với 184 con người của quá khứ và hiện tại.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc là dịp để Đảng và Nhà nước tri ân công lao to lớn của người có công với cách mạng. Đặc biệt, hội nghị lần này là dịp để người có công của cả nước cùng nhau hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh, và cho công cuộc gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Dự hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lời tri ân những hy sinh, cống hiến của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, người có công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến cũng như thời bình. Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương những thành tích tiêu biểu mà người có công đã phấn đấu đạt được dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã kêu gọi sự giúp đỡ, vào cuộc của cộng đồng xã hội giúp cho người có công trong cả nước có cuộc sống ổn định, đầy đủ hơn.
DIỄM LỆ