Liên hoan âm nhạc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2017 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) đã được tổ chức từ ngày 7 đến 10.7 vừa qua tại TP.Đà Nẵng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên cuộc liên hoan được tổ chức theo phương thức “mở rộng”. Theo đó, ngoài sự tham gia của 13 tỉnh thành trong khu vực còn có sự góp mặt của các địa phương khác như Bắc Ninh, Hải Phòng từ khu vực phía Bắc và TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ ở khu vực phía Nam. Sự “mở rộng” này xuất phát từ sáng kiến của một số nhạc sĩ trong các cuộc liên hoan trước nhằm tạo điều kiện cho các bản sắc vùng miền được giao hòa cùng nhau. Đồng thời cũng là cơ hội để các nhạc sĩ có dịp tiếp cận với các không gian âm nhạc khác nhau trên phạm vi cả nước.
Chính vì vậy, trong 42 tiết mục tham gia cuộc liên hoan này, công chúng có thể nhận ra không gian hò lý mênh mang sông nước của đồng bằng Nam Bộ trong ca khúc “Hát cho quê hương tôi” (Nguyễn Dũng - Cần Thơ); chất ca trù, xoan ghẹo tinh tế trong bài “Linh thiêng Tràng An” (Thế Vinh - Hải Phòng); âm hưởng cồng chiêng đầy chất sử thi trong giọng ca của Si A Lơ với bài “Tiếng đàn Goong lú” (Võ Cường - Đắk Nông); chất réo rắt bi oán của dân ca Chăm trong bài “Huyền ca tháp Nhạn” (Cao Hữu Nhạc - Phú Yên) hoặc “Câu chuyện lửa tình yêu” (Phan Quốc Anh - Ninh Thuận); và cụ thể hơn nữa là không gian lễ hội đầy huyền thoại nơi bản làng dân tộc Cơ Tu qua giọng ca của NSƯT Xuân Đề và Thảo Vân trong bài “Babooch với A Lăng Miêh” (Phan Văn Minh - Quảng Nam)…
Kết thúc cuộc liên hoan, Hội đồng nghệ thuật của Hội NSVN đã trao 11 giải A và 14 giải B cho các tác phẩm - tiết mục. Trong 3 nhạc sĩ của đoàn Quảng Nam có tác phẩm tham gia liên hoan lần này gồm Hoàng Bích, Huy Hùng và Phan Văn Minh, ca khúc “Babooch với A Lăng Miêh” (Phan Văn Minh) đoạt giải A và tiết mục hát múa “Về với Nam Trà Mi” (Hoàng Bích) được trao giải B.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, liên hoan lần này đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên theo nhận xét của nhiều nhạc sĩ có mặt, dấu ấn của cuộc hội ngộ này sẽ sâu đậm và trọn vẹn hơn nếu công tác quảng bá, tuyên truyền được chú trọng hơn nữa. Dường như đại bộ phận công chúng ở TP.Đà Nẵng không hề biết có một cuộc liên hoan âm nhạc đang diễn ra trên chính quê hương mình. Thậm chí ngay trong đêm công diễn tại hội trường rộng lớn của nhà hát Trưng Vương sẽ chỉ thấy khoảng vài trăm khán giả mà trong đó hơn một nữa là các nhạc sĩ và diễn viên. Lẽ nào mục tiêu của Ban tổ chức liên hoan chỉ là… “Hát cho anh em ta nghe”. Tiếc lắm!
VĂN DƯƠNG