Ngày gặp lại, trong cảm xúc mừng mừng tủi tủi, những nữ tù cách mạng xứ Quảng bị giam giữ tại trại giam Phú Tài (Bình Định) 41 năm trước cố gắng lục lại trí nhớ để gọi tên từng người đồng đội, cứ thế những ký ức về một thời tranh đấu sôi nổi, hào hùng của tuổi đôi mươi lại ùa về trong họ...
“Chỉ nghe tiếng quen quen...!”
Theo lịch của ban tổ chức, đến 8 giờ 30 phút sáng 24.7, buổi gặp mặt những nữ tù binh nhà giam Phú Tài mới diễn ra, nhưng từ sớm các nữ tù của Quảng Nam đã tề tựu đông đảo trước sảnh Hội trường Thành đội TP.Tam Kỳ vì nóng lòng gặp lại đồng đội cũ. Ánh mắt ai cũng đỏ hoe, nước mắt như chực rơi, giọng nghẹn ngào vì xúc động. Câu chuyện về cuộc sống đời thường sau chiến tranh và “thân phận nhân chứng lịch sử” của họ dần được hé mở tại buổi gặp mặt. Trong họ, ký ức về một thời tranh đấu hào hùng, bi tráng đã được “đánh thức” mạnh mẽ sau 41 năm ngủ yên.
Sau 41 năm, những nữ tù binh xứ Quảng trại giam Phú Tài mới có dịp gặp lại nhau nên ai cũng vui mừng, xúc động. Ảnh: N.Đ |
Năm 1967, trong một chuyến công tác về Tiên Hà (Tiên Phước), bà Lý Thị Gấm (nay sống ở xã Bình Lâm, Hiệp Đức) đã bị địch bắt. Qua bao trận đòn roi nhưng không thể nào khuất phục được ý chí của người nữ cách mạng trẻ tuổi, địch đưa bà Gấm vào trại giam Chu Lai (Núi Thành). Đầu năm 1968 bà bị chuyển vào giam giữ tại trại giam Phú Tài. Tại nhà giam này, bà và những đồng đội đã tiếp tục trải qua những ngày tháng đấu tranh sôi nổi, kiên cường trước các ngón đòn tra tấn. Bà Gấm nhớ lại, trại giam Phú Tài được xây dựng rất kiên cố, có tường rào, cốt sắt dày 9 lớp, cao 10m, được bố trí canh phòng rất nghiêm ngặt. Để khuất phục những nữ tù, một mặt chúng chia trại phân tán lực lượng, phân biệt đối xử, gây mất lòng tin trong chị em. Mặt khác chúng lập ra nhiều trung tâm chiêu hồi dụ dỗ, mua chuộc những người lập trường không vững vàng để phản lại cách mạng, phản lại đồng đội. Ngoài các hành động tra tấn tàn khốc để khai thác nữ tù như kẹp núm vú, cửa mình, kẹp chót lưỡi, bẻ răng cửa, châm kim vào 10 đầu ngón tay...; chúng còn thực hiện nhiều âm mưu xảo quyệt khác như bắt chị em chào cờ ba que, chào sĩ quan của chúng... nhằm lung lay ý chí của chị em. “Để chống lại những “trò” này, chị em càng sát cánh bên nhau, liên tục phản ứng đối với các luận điệu, hành động tra tấn dã man đối với nữ tù. Những cuộc chống trả bằng bạo lực liên tục nổ ra trong nhà tù khiến bọn cai tù phải nhượng bộ, chấp nhận các điều kiện, yêu sách do chị em đưa ra. Từ năm 1967 - 1973, hơn 1.000 nữ tù binh nhà giam Phú Tài đã thầm lặng thực hiện hơn 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ để bảo vệ danh dự của người chiến sĩ cách mạng” - bà Gấm tâm tình.
Năm 1973, bà Gấm cùng các đồng đội đã được trao trả tự do tại Lộc Ninh (Tây Ninh). Thời gian thoi đưa, mới đó mà đã 41 năm trôi qua, nhiều nữ tù tuổi mười tám đôi mươi giờ đã tuổi cao, vóc dáng thay đổi nên nhiều đồng đội cũ chẳng thể nhận ra. Chiếc ô tô vừa dừng bánh, người phụ nữ mặc áo xanh nước biển, tóc búi cao vừa bước xuống, bà Gấm nhìn phụ nữ này ngờ ngợ. Rồi hai người liền ôm nhau chào hỏi rất thân mật, nhưng cả hai bước đầu đều không nhớ tên nhau. “Chỉ nghe tiếng chị quen quen... Trời ơi! Chị Gấm, chị Gấm có phải không? Em là Trường đây mà”. Tôi nhớ rồi, chị Trường! Rồi bà Gấm ngâm nga tên gọi những chị em nơi nhà giam Phú Tài năm xưa: “Trường, Gấm, Sang, Đây, Huệ, Út, Liêm, Thành, Tùng, Hoa, Mai, Lâm Mỹ”. Bà Nguyễn Thị Trường (xã Hương An, Quế Sơn) mỉm cười giải thích: “Đây là những chị em thân thiết của chúng tôi, cùng chung một nhóm trong nhà giam. Tình chị em như ruột thịt, nhờ vậy ai cũng kiên tâm, vững vàng trước thủ đoạn dã man của kẻ thù” – bà Trường thổ lộ.
Gieo hạt giống “đỏ”
Dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã trao tặng Hội nữ tù binh trại giam Phú Tài 10 triệu đồng để làm quỹ hoạt động. Hội Tù yêu nước tỉnh cũng đã trao tặng 8 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng cho các chị em tù binh trại giam Phú Tài có hoàn cảnh khó khăn. |
Trong “địa ngục trần gian” Phú Tài, ngoài tổ chức những cuộc đấu tranh bạo lực, chị em nữ tù còn đẩy mạnh công tác xây dựng chi bộ đảng và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong trại giam. Nhờ đó, dù nằm trong sự kìm kẹp, đàn áp của nhà tù nhưng những hạt giống “đỏ” đã được gieo vẫn âm thầm phát triển. Bà Huỳnh Thị Cúc - đảng ủy viên trại giam Phú Tài nhớ lại: chi bộ đảng đầu tiên được thành lập vào ngày 15.11.1967, từ trại giam Non Nước (Đà Nẵng) với 4 đảng viên. Đến ngày 18.4.1968, địch chuyển trên 100 nữ tù binh từ trại giam Non Nước (vùng 1) vào trại giam Phú Tài. Lúc này, tại trại giam Phú Tài số lượng nữ tù binh đã đông, trách nhiệm của chi bộ đảng càng nặng nề, yêu cầu đặt ra là vừa phải giữ bí mật tuyệt đối trong mọi hoạt động, vừa tăng cường cảnh giác cao với mọi đối tượng. Đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, cảm hóa, lấy tình cảm đồng hương làm chỗ dựa để thông qua thử thách và lần lượt thu nạp những đảng viên. Số đảng viên ngày càng đông, chia ra nhiều chi bộ để hoạt động vừa bảo đảm bí mật, vừa giữ đúng nguyên tắc. Từ năm 1967 đến cuối năm 1969, ta đã phát triển được 4 chi bộ, thành lập một liên chi ủy, một liên chi đoàn, một liên chi hội. Đến tháng 4.1972 thì phát triển lên được 7 chi bộ. Tháng 5.1972, địch chuyển trại giam vào Cần Thơ, theo yêu cầu của nhiệm vụ mới, tháng 8.1972, tổ chức đảng trong trại giam được sáp nhập (vùng 1 và vùng 3) thành một khối để thuận lợi cho việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chống địch. “Nhờ tổ chức đảng trong trại giam sớm được hình thành, mọi hoạt động của nữ tù binh trong trại giam Phú Tài đều có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Vì vậy trong đấu tranh giáp mặt với kẻ thù, chị em luôn chủ động đối phó trước âm mưu của địch và giành được thắng lợi, buộc kẻ thù từng bước nhượng bộ những yêu sách chính đáng của ta” – bà Cúc xúc động nói.
Còn bà Phan Thị Hiền (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) – Phó Bí thư Chi bộ trại giam Phú Tài thì giọng bùi ngùi: “Hoàn cảnh ngục tù khốc liệt là vậy, nhưng chị em vẫn tổ chức các lớp học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5, bởi hầu hết chị em vào đây đều mù chữ. Để dạy học, đảng ủy giao cho chị có học vấn cao chịu trách nhiệm soạn bài, lên chương trình học tập cho các lớp từ 1 - 5. Lồng vào chương trình dạy học những bài thơ, ca dao ca ngợi tinh thần đoàn kết dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, những câu chuyện lịch sử, những gương hy sinh anh dũng để củng cố tinh thần đấu tranh của chị em. Không có giấy bút và phải bí mật nên có một hình thức học tập hết sức sáng tạo là dùng tấm gỗ làm bảng nhỏ, lấy vải phủ bọc lên, sau đó xát xà bông lên tấm vải để giữ ẩm rồi phủ lên thêm một lớp giấy vải dầu mỏng. Cứ như vậy chữ viết lên tấm bảng đó, chị em học xong thì kéo tấm vải dầu để chữ tự nhiên bị xóa đi. Rồi trong các ngày lễ lớn như sinh nhật Bác, chúng tôi luôn tổ chức cho chị em làm sinh nhật Bác, giao lưu, mít tinh để qua đó kịp thời nắm bắt tư tưởng, không để chị em bị dao động tinh thần, gây tổn thất cho tổ chức”.
HÀN GIANG