Cuộc hội ngộ và tri ân người nằm xuống

CHÂU TẤN 01/06/2015 09:01

Trưa 28.4.1969, một trận pháo của quân thù đánh sập căn hầm Trạm phẫu tiền phương (thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, Duy Xuyên), nơi có hàng chục chiến sĩ, quân dân y đang trú ẩn. Nhiều người đã nằm xuống, cũng có những người may mắn sống sót. Gần 46 năm sau, những chiến sĩ may mắn sống sót ngày ấy vừa có cuộc hội ngộ đầy cảm động, tri ân những đồng đội đã hy sinh tuổi thanh xuân cho quê hương hòa bình, đất nước thống nhất.

Căn hầm bị bom thù đánh sập bây giờ được dựng Nhà bia tưởng niệm ghi danh những liệt sĩ đã hy sinh ngày ấy. Ông Trần Hữu Đức - người may mắn sống sót sau trận pháo năm ấy và bà Nguyễn Thị Chiến - người đã đào bới từng tảng đá cứu sống 6 cán bộ chiến sĩ quân dân y mừng rơi nước mắt cho ngày hội ngộ, khánh thành Nhà bia tưởng niệm. Những giọt nước mắt mừng vui vì nay vẫn còn được nhìn thấy nhau, những dòng nước mắt thương nhớ đồng đội mãi nằm trong lòng đất mẹ. Ngày ấy, nơi đây Trạm phẫu tiền phương đầu tiên được thiết lập để điều trị cho cán bộ, du kích bị thương, nhân dân ốm đau ở các xã khu trung huyện Duy Xuyên. Trở về nơi mà mình được sinh ra lần thứ 2, thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội, đồng chí chung chiến hào, những ký ức hiện về như mới hôm qua. Ông Đức kể: Hồi nớ tụi tôi đều tuổi mười chín đôi mươi, hồn nhiên, vui tính kể những câu chuyện đánh thắng trận trong căn hầm có nhiều thương binh và người dân đang trú ngụ. Bỗng nhiên tôi nghe cái ịch, tiếng đạn pháo réo réo, rồi tất cả im bặt, tối cũng bất tỉnh. Đến khi tôi tỉnh lại thì thấy đất đá chôn vùi nửa thân mình. Tôi bị thương, khó thở, trước mắt là khoảng tối. May mắn là đồng đội đã kịp thời đào bới, đưa tôi ra khỏi căn hầm. Nhưng nhiều đồng đội của tôi không có được sự may mắn…

Bà Nguyễn Thị Chiến, năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng khi trở lại nơi hầm Trạm phẫu tiền phương xưa, bà không cầm được nước mắt. Bà Chiến nhớ như in ngày định mệnh ấy. “Lúc đó tôi ra suối giặt gạc thì nghe ca nông nổ dữ dội. Sau khi địch ngưng bắn đạn pháo tôi mới chạy về thì căn hầm đã sập. Không biết răng lúc đó mạnh mẽ lạ thường, một mình tôi đào tung lên hết, khuân từng viên đá táp lô phải đến 2 người mới khiêng nổi ra khỏi căn hầm, tôi cứu được 6 đồng đội bị thương ra khỏi căn hầm thì địch bắn pháo trở lại…” - bà Chiến bồi hồi kể.

Trận pháo Mỹ lần đó đã làm cho 21 cán bộ, chiến sĩ Trạm phẫu tiền phương hy sinh, trong đó có 5 bác sĩ, y tá và 16 thương bệnh binh mới đưa vào đêm hôm trước. Sau gần nửa thế kỷ, cựu cán bộ y tế huyện Duy Xuyên đã vận động kinh phí gần 40 triệu đồng xây dựng Nhà bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ đã hy sinh thân mình đến hơi thở cuối cùng cứu chữa thương bệnh binh. Ông Trần Hữu Đức tâm sự: “Anh em, đồng đội đã hy sinh để chúng tôi còn sống. Để hôm nay chúng tôi sống hạnh phúc trên đất nước hòa bình, tự do, có gia đình và con cháu thân yêu. Trong khi đó, đồng đội nằm xuống không mong nhận được gì. Chính vì vậy chúng tôi muốn làm điều gì ý nghĩa để tri ân đồng đội…”.

Vượt lên trên tất cả là tình cảm của cán bộ ngành y tế huyện Duy Xuyên qua các thời kỳ đối với các anh hùng liệt sĩ, Nhà bia tưởng niệm được dựng lên như nơi hội tụ linh thiêng của người chiến sĩ năm xưa, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay sống cống hiến và đóng góp cho xã hội...

CHÂU TẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc hội ngộ và tri ân người nằm xuống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO