(Xuân Canh Tý) - Công cuộc khai khẩn, lập làng xã của Quảng Nam rất đặc biệt, gắn việc “mở đất”, lập làng với “mở nước”. Nó còn liên quan chặt chẽ với đặc điểm tổ chức làng xã, tính cách, giọng nói… của người Quảng và cả những vấn đề phức tạp, tế nhị giữa các tộc họ ở nông thôn hiện nay.
Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta trải dài từ thời Lý đến thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên lịch sử khai khẩn đất đai lập làng xã ở vùng Quảng Nam chỉ gắn với giai đoạn sau của quá trình này, chỉ tính từ 1306 (dưới thời nhà Trần), vì Quảng Nam là một phần “sính lễ” của cuộc hôn nhân Chế Mân - Huyền Trân.
Lịch sử hình thành làng xã
Năm 1306, vua Chăm Chế Mân đem dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân. Khu vực từ đèo Hải Vân đến bắc sông Ly Ly trở thành lãnh thổ Đại Việt. Lúc này người Việt dù ít ỏi mới bắt đầu đến khai thác vùng đất mới. Dấu tích còn lại của làng xã được thành lập trong thời kỳ này là làng Đà Sơn, nay thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Theo một số nhà nghiên cứu, năm 1346, đời vua Trần Dụ Tông, phò mã Phan Công Thiên và vợ là công chúa Trần Thị Ngọc Lãng nhận chỉ dụ vua vào khai phá vùng Trà Ngâm động, Trà Na xứ (tức Đà Sơn, Khánh Sơn và Hòa Sơn ngày nay). Bản phổ chí tộc Phan hai làng Đà Sơn và Đà Ly là một bản gia phả đặc biệt, lâu đời và khả tín, chứng minh cho sự có mặt và hình thành làng xã đầu tiên trên vùng đất Quảng Nam.
Sau chiến thắng của Hồ Quý Ly trước Chămpa năm 1402, một đợt di dân mới, khá ồ ạt mới bắt đầu trở lại. Hai ngôi làng tiêu biểu cho thời kỳ này là Cẩm Sa (Điện Bàn) và Đồng Tràm (Quế Sơn). Theo nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú thì “Thỉ tổ tộc Hồ của làng Cẩm Sa (Điện Nam, Điện Bàn) là bác ruột của Hồ Quý Ly, vốn quê gốc ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa di cư vào lập làng ở đây từ năm 1402, theo cuộc vận động di cư vào Nam dưới thời Hồ Hán Thương… và đến năm 2002 dòng tộc này đã truyền đến đời 26…”. Còn gia phả tộc Phạm ở làng Đồng Tràm lại cho rằng Cao thủy tổ tộc Phạm ở Quảng Nam là Phạm Nhữ Dực, thời Hồ Quý Ly vào làm Chánh đô án phủ Thăng Hoa, đến đời cháu ông là Phạm Nhữ Dự (con Phạm Đức Đề) mới thực sự định cư tại Đồng Tràm và ông chính là Chánh tiền hiền của làng.
Mãi cho đến sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông năm 1471, Quảng Nam thừa tuyên đạo được thành lập, biên giới mở đến tận đèo Cù Mông, mở ra một đợt di dân và khai khẩn rộng lớn. Nhiều ngôi làng của Quảng Nam được mở trong thời kỳ này bởi những người được gọi là “Bắc địa tùng vương”, như Lỗ Gián (Hòa Vang), Bảo An, Nông Sơn (Điện Bàn), Bàn Thạch, Lang Châu (Duy Xuyên), Hà Lam (Thăng Bình), Trường Xuân (Tam Kỳ)…
Khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa vào năm 1558, đưa theo rất nhiều người đến vùng đất phên dậu Quảng Nam. Nhiều làng được thành lập như Đông Bàn, Cổ Lưu, Ân Lưu (Điện Bàn), Mông Nghệ (Quế Sơn)… Có thể Câu Nhi, Thanh Quýt… cũng được hình thành trong cùng giai đoạn. Nhiều tộc họ tiền hiền ở đây như tộc Nguyễn Hữu, Nguyễn Như, Thân Đức, Lê Tự trong gia phả đến nay cũng mới đến đời thứ 17, 18. Tiếp đến thời nhà Nguyễn, quá trình lập làng ở Quảng Nam vẫn được tiếp tục.
Chuyện xưa - chuyện nay
Chuyện khai khẩn lập làng ở Quảng Nam là kết quả của quá trình dài với nhiều biến động. Quá trình đó tuy còn một số tồn nghi nhưng cũng không ít điều thú vị.
Công cuộc khai khẩn thành lập làng của Quảng Nam diễn ra khá nhanh. Đến năm 1555, Dương Văn An trong Ô châu cận lục đã thấy ở đây “xóm làng vui vẻ, nhà cửa xinh tươi, nhân dân đông đúc”. Và đến năm 1776, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết xứ Quảng Nam có 2 phủ, 11 huyện, với 413 xã, 86 châu. Đó là chưa kể rất nhiều đơn vị hành chánh đặc biệt như ty, phường, vi tử, nhiêu phu, biệt nạp…
Cuộc di dân lập làng để lại dấu vết trên giọng nói của người Quảng. Người vùng bắc Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên… có giọng nói khác với vùng Nam Quảng Nam như Quế Sơn, Thăng Bình. Tả ngạn và hữu ngạn sông Hàn giọng nói cũng khác nhau. Giữa những tiểu vùng cũng xảy ra những “ốc đảo” về giọng nói như làng Thanh Quýt ở Điện Bàn hay làng Nghi Sơn, Lộc Đại của Quế Sơn. Hồ Trung Tú cho rằng sự đa dạng trong giọng nói của người Quảng là kết quả của việc chuyển sang nói tiếng Việt sớm hay muộn của người Chăm. Mà việc này có liên quan đến quá trình hình thành các làng xã. Sự đa dạng trong giọng nói của một vùng đất lại gắn liền với những sự kiện và mốc giới lịch sử quan trọng. Điều đó hình như chỉ có ở… Quảng Nam.
Mãi đến giữa thế kỷ 18, việc “da báo” đan xen giữa các làng Việt di cư và làng Chăm ở lại vẫn tồn tại. Làng xã Quảng Nam diễn ra cuộc giao hòa của hai nền văn minh Chăm - Việt thuộc hai hệ Ấn Độ và Trung Hoa. Cuộc giao hòa này là tác nhân tạo ra một bản sắc mới, một cộng đồng văn hóa mới cho vùng đất Quảng. Phải hiểu điều này để hiểu thêm đất và người xứ Quảng.
TS. Huỳnh Công Bá cho rằng: “Làng xóm ở Quảng Nam nhìn chung không khác so với Thanh Nghệ nhưng tính quy hoạch ngõ xóm lại không rõ ràng chặt chẽ như các làng ở phía Bắc. Do điều kiện tự nhiên và đặc điểm của công cuộc khai khẩn, làng xã Quảng Nam mang đậm chất “chòm xóm” trong một cấu trúc hình thể “lỏng” và một cấu trúc kinh tế - xã hội “mở”. Thì ra, “mở” là một truyền thống của Quảng Nam, đã hình thành ngay từ những ngày đầu “mở đất” lập làng để “mở nước”!